Bán nhà cho người nước ngoài: Nhiều nút thắt "chưa được mở" !

(Kinhdoanhnet) - Sau gần 3 tháng kể từ ngày chính thức có hiệu lực, chính sách bán nhà cho người nước ngoài vẫn chưa thể phát huy tác dụng do còn tồn tại quá nhiều nút thắt chưa được tháo gỡ.

Bán nhà cho người nước ngoài: Nhiều nút thắt "chưa được mở" ! - Ảnh 1
Sau gần 3 tháng kể từ ngày chính thức có hiệu lực, chính sách bán nhà cho người nước ngoài vẫn chưa thể phát huy tác dụng

Theo thống kê của các đại sứ quán nước ngoài tại TP. HCM, hiện nay, trên địa bàn Thành phố có khoảng 80.000 người Hàn Quốc, 8.000 người Nhật, 120.000 người Đức và trên 6.000 người Philippines đang đang sinh sống. Tính chung cả nước, có khoảng 500.000 người nước ngoài, trong đó có khoảng 30.000 CEO đang sống và làm việc tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện có gần 4,5 triệu người Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở 109 quốc gia. Những năm gần đây, chỉ thống kê từ cửa khẩu Sân bay Tân Sơn Nhất mỗi năm có đến gần một triệu lượt kiều bào về nước, trong đó có rất nhiều người muốn mua nhà tại Việt Nam.

TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính phân tích, trong 4,5 triệu kiều bào, có khoảng 500.000 người đang có nhu cầu mua nhà ở Việt Nam để sống những năm tháng tuổi già. Điều đáng lưu tâm hơn nữa là tổng thu nhập của Việt kiều lên tới khoảng 100 tỷ USD và đây là tiềm năng lớn.

Như vậy, rõ ràng,  nhu cầu mua nhà ở hay đầu tư vào bất động sản tại Việt Nam đã rất cao. Tuy nhiên, những nút thắt liên quan đến chính sách mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều, sự chậm trễ ban hành, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật đang là những cản trở rất lớn đối với người nước ngoài.

Đã gần 3 tháng kể từ khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, những thủ tục hành chính chưa được đơn giản hóa; quy định bảo vệ quyền lợi của các chủ đầu tư dự án bất động sản là kiều bào vẫn chưa có; cơ sở dữ liệu thiếu và yếu; phương thức thanh toán cứng nhắc (chỉ được chuyển tiền về nước mua nhà nhưng chưa được phép chuyển ra nước ngoài sau khi bán hoặc chuyển nhượng nhà ở).

Để thu hút nguồn vốn từ người nước ngoài và Việt kiều, ngoài việc mở nút thắt về chính sách, theo các chuyên gia, bản thân các DN bất động sản phải nhìn nhận lại việc phát triển các dự án của chính mình. Muốn tiếp cận được khách hàng là người nước ngoài, Việt kiều, DN cần thay đổi rất nhiều điều, từ mô hình kinh doanh, chiến lược bán hàng đến cách tiếp cận khách hàng…

Bên cạnh đó, tại Hội thảo “Mở nút thắt cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà” được tổ chức tại TP. HCM ngày 14/9 vừa qua, ông Robert Trần - chuyên gia tư vấn chiến lược đến từ Canada cũng cho rằng, bên cạnh vấn đề pháp lý chưa hoàn thiện, chính những non kém trong chính sách hậu mãi của chủ đầu tư bất động sản chưa thu hút được khách hàng. Đa phần chủ đầu tư hiện chỉ biết bán nhà xong thu tiền mà ít chăm lo không mở rộng các tiện ích để làm tăng giá trị căn nhà.

Khi phân tích về điểm khác biệt trong việc mua nhà của người nước ngoài và  người Việt Nam, ông Sopon PornchoKchai, Chủ tịch Cơ quan các vấn đề về bất động sản tại Thái Lan cho rằng: “Để kích thích người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam, cơ quan quản lý tại Việt Nam phải cho thấy người nước ngoài sẽ còn được gì từ việc mua bất động sản, chứ không chỉ đơn thuần là mua để ở. Bên cạnh đó, cần phải thông tin chính xác, minh bạch về số lượng căn hộ được bán. Hiện các thông tin này tại Việt Nam mới chỉ là ước đoán, nên nhà đầu tư ngoại còn khá dè dặt khi tham gia kinh doanh mua bán các sản phẩm bất động sản tại Việt Nam”.

Mặt khác, theo nhiều chuyên gia đánh giá, so với nhiều nước trong khu vực, các chỉ số cạnh tranh, khả năng tăng giá, sinh lời, thanh khoản trên thị trường thứ cấp, hậu mãi... của bất động sản Việt Nam vẫn còn thua kém. Thậm chí, dù giá nhà tại Việt Nam hiện rẻ hơn các nước nhưng hiệu quả khai thác (giá thuê, thời gian hoàn vốn) lại không cao cũng khiến nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc, so sánh với các thị trường xung quanh.

Hơn nữa, so với nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới, chất lượng cuộc sống tại Việt Nam vẫn còn khá thấp. Các đối tượng người nước ngoài mua nhà để dưỡng già, trú đông hoặc kiều bào hồi hương vốn đã quen thuộc với chất lượng sống cao ở các nước phát triển, nên để quyết định mua nhà sinh sống tại Việt Nam họ sẽ phải trăn trở, băn khoăn không nhỏ.

Thị trường bất động sản Việt Nam vẫn chưa thực sự minh bạch. Hiện thị trường đang tồn tại quá nhiều hình thức môi giới: cò đất, cò nhà, cò ngân hàng, cò giấy phép..., nhưng lại thiếu các công ty và chuyên viên bất động sản có kinh nghiệm, có bằng cấp và giấy phép hành nghề. Điều này khiến chất lượng tư vấn bị hạn chế và khiến người nước ngoài, kiều bào chưa thực sự thoải mái.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Đầu tư BĐS, VnExpress)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục