Cách Hoàng Thành Group thâu tóm đất vàng `họ` Gelex

Nhóm Hoàng Thành nắm 93,09% vốn CTBT, đảm bảo tỷ lệ chi phối gần như tuyệt đối tại Hoàng Thành Pearl, trong khi cựu Chủ tịch Gelex cũng không đến nỗi thiệt thòi với hơn 5% lợi ích trong dự án.

Đi tìm Hoàng Thành Pearl

"CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng Hoàng Thành được thành lập năm 2004 với số vốn điều lệ ban đầu 27 tỷ đồng. Sau gần 15 năm xây dựng và phát triển chủ yếu bằng lợi nhuận tích lũy, đến năm 2018, công ty đã tăng vốn điều lệ lên 1.063 tỷ đồng. Hiện, Hoàng Thành là nhà phát triển bất động sản uy tín tại Hà Nội với loạt dự án đưa vào sử dụng như tòa tháp Hoàng Thành Tower, hai dự án liên doanh với CapitaLand Singapore là tổ hợp chung cư Mulberry Lane và Seasons Avenue có tổng vốn đầu tư hơn 400 triệu USD, cung cấp cho thị trường hơn 3.000 căn hộ", trích một trong loạt bài viết nhân dịp 15 năm thành lập Hoàng Thành Group trên một tờ báo danh tiếng.

Cách Hoàng Thành Group thâu tóm đất vàng `họ` Gelex - Ảnh 1
Hoàng Thành Tower (114 Mai Hắc Đế, Hai Bà Trưng) - một trong những dự án ghi dấu ấn của Hoàng Thành Group trên thị trường bất động sản Thủ đô


Bài viết giới thiệu thêm: "Công ty đang tiếp tục triển khai các dự án căn hộ cao tầng và biệt thự như Hoàng Thành Pearl, Hoàng Thành Villas, dự án nhà ở xã hội Đông Anh với quy mô lớn. Những công trình này đều có dấu ấn riêng, chú trọng vào văn hóa bản địa, đề cao yếu tố thiên nhiên. Nhờ đó, sản phẩm có tính thanh khoản cao, giúp công ty vượt qua khó khăn và chủ động về dòng tiền".

Mặc dù mang hơi hướng "PR", song bài báo nói trên không thực sự nói quá về Hoàng Thành - một "tay chơi" có thế lực trên thị trường địa ốc Thủ đô.

Trong danh mục dự án giới thiệu, đáng chú ý, Hoàng Thành Pearl là cái tên khá lạ lẫm, ngay cả với giới đầu tư bất động sản chuyên nghiệp. "Viên ngọc Hoàng Thành" phải chăng là một dự án đầy tâm huyết của tập đoàn này, nhưng lại chưa từng được hé lộ với công chúng?!

"Dự án Khu hỗn hợp dịch vụ, nhà ở, nhà trẻ và cây xanh tại khu đất số 55, đường K2, Phường Cầu Diễn, Quận Nam Từ Liêm, Hà Nội có tên thương mại là Hoàng Thành Pearl. Tổng diện tích đất nghiên cứu lập dự án 14.786m2, phần đất xây dựng công trình là 12.776m2, đất mở đường theo quy hoạch là 2.010m2", những thông tin chi tiết đầu tiên về Hoàng Thành Pearl bắt đầu được hé lộ trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2019, nhưng không phải của Hoàng Thành Group, mà của một doanh nghiệp có phần xa lạ: CTCP Chế tạo Biến thế và Vật liệu điện Hà Nội (CTBT).

Theo đó, dự án có quy mô một tháp 30 tầng nổi, 3 tầng hầm với trung tâm thương mại, văn phòng và 336 căn hộ, cùng 25 căn liền kề, nhà phố. Tổng mức đầu tư dự kiến là 1.107,71 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 221,54 tỷ đồng (20%), vốn vay và huy động khác là 886,17% (80%).

Theo tìm hiểu của ANTT, khu đất tại số 55, đường K2, Phường Cầu Diễn là nhà xưởng của CTBT, được sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho thuê và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất từ năm 2007. Đầu năm 2015, Thủ tướng có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất trong nội thành Hà Nội. Khu đất sau đó được quy hoạch thành đất hỗn hợp. Tháng 10/2017, sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đã cấp Giấy phép quy hoạch dự án cho chủ đầu tư là CTBT.

Vậy vì sao khu đất của CTBT, nay lại được Hoàng Thành giới thiệu thành dự án của mình? Câu trả lời không khó để đoán định, là tập đoàn bất động sản này đã mua luôn của CTBT. Nhưng, quá trình thâu tóm đó diễn ra thế nào, thì lại chưa từng được giới truyền thông đề cập.

Thương vụ thâu tóm hoàn hảo

CTBT tiền thân là máy chế tạo biến thế Cầu Diễn, được cổ phần hóa năm 2005 và sáp nhập vào CTCP Thiết bị điện Hà Nội, đổi tên thành CTCP Chế tạo biến thế và Vật liệu điện Hà Nội như hiện nay, do Tổng công ty Thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nắm 49,49%.

Cuối năm 2010, CTBT đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HNX với mã BTH. Tuy nhiên, kết quả hoạt động cũng sa sút từ đây. Từ một doanh nghiệp làm ăn có lãi, với doanh thu ổn định 80-90 tỷ mỗi năm, CTBT liên tiếp thua lỗ trong giai đoạn 2012-2014, trong đó riêng năm 2013 lỗ tới 13,5 tỷ đồng.

Bất ngờ chìm trong thua lỗ khiến CTBT phải huỷ niêm yết từ năm 2015. Dù vậy, những chuyển biến đáng chú ý đã xảy đến trước đó không lâu, năm 2014.

Trong ĐHĐCĐ thường niên năm 2014, không ít cổ đông bất ngờ trước tờ trình sáp nhập CTBT vào CTCP Sản xuất và Thương mại EMIC - một thành viên khác, do Gelex nắm 51% vốn. Vào thời điểm đó, EMIC còn một cổ đông lớn khác (sau khi mua lại từ chính Gelex năm 2012) là Công ty TNHH Đại Hoàng Hà với tỷ lệ 25%. Đại Hoàng Hà thuộc sở hữu của ông Hồ Ngàn Chi - một doanh nhân kín tiếng song rất có ảnh hưởng trong ngành điện.

Đề xuất sáp nhập, dù đã được lãnh đạo CTBT dày công xây dựng thành một đề án dày 67 trang, song cuối cùng bị cổ đông phản đối gay gắt để rồi bị loại ra khỏi Nghị quyết ĐHĐCĐ năm đó.

Nhưng, những nỗ lực nhằm cứu CTBT khỏi viễn cảnh bị thâu tóm không thể kéo dài quá lâu. Nửa năm sau, Gelex dưới thời Chủ tịch HĐQT Nguyễn Hoa Cương tháng 11/2014 đã bán thoả thuận toàn bộ 49,49% vốn CTBT. Bên mua, không ai khác chính là Hoàng Thành Group.

Tới đây, cần đề cập đến cơ cấu sở hữu của Hoàng Thành, hay nói cách khác, đứng sau tập đoàn này là ai?

Dữ liệu của ANTT thể hiện tới tháng 8/2018, Hoàng Thành có vốn điều lệ 726,966 tỷ đồng. Hai cổ đông lớn nhất là CTCP Tài chính và Phát triển Doanh nghiệp (FBS) nắm 10,95% và bà Nguyễn Thị Bích Ngọc sở hữu 17,37%.

Bà Bích Ngọc sinh năm 1957, cùng phu quân Hoàng Vệ Dũng là cặp đôi doanh nhân có tiếng ở Hà Nội. Trong khi người chồng đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT Tổng công ty may Đức Giang (Dugarco), Phó TGĐ Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), Thành viên HĐQT CTCP Đầu tư Hải Phát, thì nữ doanh nhân quê Hà Tĩnh là Chủ tịch HĐQT Hoàng Thành, và không thể không nhắc tới, từ năm 2010 tới nay là Thành viên HĐQT Gelex - pháp nhân đã bán non nửa vốn CTBT cho Hoàng Thành.

Về phần mình, FBS là hạt nhân quan trọng trong hệ sinh thái Gami Group của ông Nguyễn Tiến Dũng - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Quốc dân (NCB). FBS từng hợp tác làm ăn với vợ chồng ông Hoàng Vệ Dũng vào năm 2015 liên quan tới một dự án ở Quận Cầu Giấy, Hà Nội.

Là cổ đông lớn thứ hai, song "vị trí" của FBS tại Hoàng Thành là không mấy rõ nét, với vai trò quan trọng hơn cả thuộc về nữ Chủ tịch Nguyễn Thị Bích Ngọc. Biết thêm rằng anh trai bà - ông Nguyễn Như Vinh (SN 1951) đảm trách vai trò Tổng giám đốc, cùng với bà Ngọc là hai người đứng tên đại diện theo pháp luật của Hoàng Thành.

Bởi vậy, không mấy bất ngờ khi FBS ngày 9/8/2018 rút hết vốn khỏi Hoàng Thành. Cũng từ đây, chỉ trong 2 tháng, Hoàng Thành liên tục tăng vốn, lên 1.063,2 tỷ đồng ngày 18/10/2018, và 1.287,5 tỷ đồng vào 31/10/2018 với sự góp mặt của cổ đông Nhật Bản Sankei Building Group (nắm 17,42%).

Trở lại với thương cụ M&A CTBT, sau khi Hoàng Thành mua chỉ định gần 50% cổ phần, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2018, CTBT đã thông qua tăng vốn từ 35 tỷ đồng lên 250 tỷ đồng với phương án phát hành 21,5 triệu cổ phần cho 3 nhà đầu tư chiến lược là Hoàng Thành Group (14,52 triệu CP), ông Nguyễn Hoa Cương (1,25 triệu CP) và ông Hoàng Ngọc Kiên (5,73 triệu CP).

Ông Cương, như đã lưu ý là Chủ tịch Gelex vào thời điểm tổng công ty này bán chỉ định cổ phần CTBT cho Hoàng Thành. Còn ông Hoàng Ngọc Kiên là con trai thứ của vợ chồng bà Nguyễn Thị Bích Ngọc.

Tới đầu năm 2019, trưởng nam của bà Bích Ngọc - ông Hoàng Ngọc Quân đã gom tiếp 1,29 triệu cổ phiếu, tương đương 5,16% vốn CTBT.

Đầu năm 2020, Hoàng Thành nắm 65% vốn CTBT, ông Hoàng Ngọc Kiên và ông Hoàng Ngọc Quân có 22,93% và 5,16%, trong khi ông Nguyễn Hoa Cương sở hữu 5,05% vốn CTBT.

Tổng cộng, nhóm Hoàng Thành nắm 93,09% vốn CTBT, đảm bảo tỷ lệ chi phối gần như tuyệt đối tại Hoàng Thành Pearl; trong khi cựu Chủ tịch Gelex cũng không đến nỗi thiệt thòi với hơn 5% lợi ích trong dự án cùng một "ghế" Thành viên HĐQT được đảm bảo.

 

Theo Nguoiduatin

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục