CEO công ty tỷ đô kể chuyện 'người khổng lồ' từ đổ nát

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn Novaland, cho rằng doanh nghiệp có được như ngày hôm nay là do đã "ngắm đúng" và biết tự tạo lợi thế, ngoài may mắn.

Trò chuyện cùng Zing.vn dịp đầu năm, ông Phan Thành Huy - Tổng giám đốc Novaland, trải lòng về những quyết định mang lại thành công cho doanh nghiệp như ngày hôm nay.

Không muốn bị phân tâm vì giá cổ phiếu

- 2016 là một năm đáng nhớ của Novaland khi niêm yết trên sàn chứng khoán. Vậy cảm giác của ông trước và sau khi có sự chuyển đổi này như thế nào?

- Thật ra tập đoàn đã chuẩn bị và sẵn sàng niêm yết từ năm 2008, nhưng do thị trường chứng khoán rơi vào suy thoái nên việc này đã tạm hoãn. Vì vậy, việc chính thức niêm yết trong cuối năm 2016 cũng không phải điều bất ngờ vì đã nằm trong dự tính.

Nếu có khác thì hiện tại tôi đang rất háo hức cho những kế hoạch trong tương lai. Doanh nghiệp đã đủ lực để sẵn sàng cho giai đoạn hội nhập và sẽ phát triển cùng với sự phát triển của quốc gia.

- Sau khi niêm yết, cơ cấu cổ đông của tập đoàn ít nhiều cũng có sự thay đổi. Điều này ảnh hưởng gì đến những mục tiêu, định hướng và chiến lược kinh doanh của công ty trong thời gian tới?

- Chiến lược phát triển của chúng tôi được chia làm 3 giai đoạn: Từ năm 2007 đến 2015, tập trung phát triển 5.000 sản phẩm nhà ở cung cấp cho thị trường. 10 năm tiếp theo vẫn dựa trên cốt lõi về sản phẩm nhà ở, phát triển thêm sản phẩm thương mại và nghỉ dưỡng để có dòng tiền ổn định. Sau năm 2025, tập đoàn sẽ mở rộng địa bàn và tập trung phát triển những khu đô thị thông minh, nhiều tiện ích và kết nối hạ tầng hiện đại.

Chúng ta ai cũng biết việc niêm yết trên sàn chứng khoán sẽ mang lại nhiều lợi ích.

Mục đích của chúng tôi là có thêm cổ đông, thêm nguồn vốn để hoạt động. Thương hiệu được lan tỏa và sự minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững. Việc có thêm nguồn vốn mạnh sẽ giúp công ty tiếp tục thực hiện chiến lược của mình ở giai đoạn 2.

 Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland. Ảnh: Việt Dũng.

Ông Phan Thành Huy, Tổng giám đốc Novaland. Ảnh: Việt Dũng.

- Khi niêm yết, ngoài việc thu hút vốn thì đảm bảo lợi ích của cổ đông bằng thị giá cổ phiếu rất quan trọng với nhiều doanh nghiệp, Novaland làm điều này bằng cách nào?

- Thật ra chúng tôi chỉ muốn tập trung vào chuyên môn chứ không muốn bị phân tâm về giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Mọi việc đều phải phản ánh đúng giá trị thực của nó. Cổ phiếu NVL có thể lên xuống do bị tác động của thị trường nhưng về căn bản phải dựa trên cốt lõi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Từ đây đến hết 2020, hoạt động kinh doanh của chúng tôi sẽ rất ổn định và sẽ đạt kế hoạch đề ra vì kế hoạch lợi nhuận của năm 2017 và 2018 sẽ dựa vào những dự án đã bán trong năm 2014, 2015 và 2016.

- Doanh nghiệp không để ý thị giá vì không muốn phân tâm nhưng cổ đông lại rất quan trọng điều này, ông nghĩ sao?

- Tôi nghĩ thị giá cổ phiếu bị tác động bởi nhiều yếu tố của thị trường nhưng tính ổn định lại phụ thuộc vào tình hình kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp.

Nếu kế hoạch kinh doanh được thực hiện trơn tru, kết quả tốt đẹp thì việc lấy được niềm tin của cổ đông là không khó.

Các cổ đông đi đường dài với doanh nghiệp thường quan tâm tới kế hoạch, mục tiêu và kết quả kinh doanh hơn là thị giá cổ phiếu. Làm tốt những điều này chính là công cụ quan trọng để hỗ trợ cho thị giá nên việc tập trung vào chuyên môn là đúng đắn.

"Người khổng lồ" từ đống đổ nát

- Nhiều người cho rằng Novaland trở thành "người khổng lồ" từ đống đổ nát bởi lẽ trong thời kỳ khủng hoảng của thị trường bất động sản, doanh nghiệp đã thu gom và hồi sinh rất nhiều dự án dở dang. M&A có thực sự là “chiếc đũa thần” cho sự phát triển của doanh nghiệp?

- Những năm trước, trong giai đoạn thị trường bất động sản trầm lắng, chúng tôi đã tận dụng cơ hội thực hiện hợp tác phát triển để tích lũy quỹ đất.

Chủ trương của chúng tôi là mua lại các dự án đã hoàn thành pháp lý, có thể triển khai xây dựng ngay nhằm giảm chi phí vốn, qua đó hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh tốt hơn. Tính đến nay, doanh nghiệp đã có quỹ đất dự trữ gần 10 triệu m2 sàn xây dựng, đủ để phát triển ổn định trong vòng 5 năm tới.

Rõ ràng, ngoài may mắn, chúng tôi đã “ngắm đúng” và tự tạo lợi thế cho chính mình. Bởi sau suy thoái sẽ có một khoảng trống rất lớn trên thị trường, vì một dự án phải xây dựng trong 3-5 năm, thậm chí lâu hơn. Đó sẽ là cơ hội cho những chủ đầu tư có thực lực để rút ngắn thời gian.

- Khách hàng mục tiêu là cơ sở để xây dựng kế hoạch phát triển nhưng rất nhiều doanh nghiệp có cùng đối tượng mục tiêu. Nếu chỉ hiểu chung chung về khách hàng sẽ rất khó để xây dựng được những điều khác biệt và ghi được dấu ấn. Vậy làm thế nào để có được sự độc đáo và khác biệt trong cách chúng ta hiểu về khách hàng?

- Theo tôi, hiểu rõ lợi ích và tìm giải pháp để gia tăng lợi ích của khách hàng là điều tốt nhất để hiểu họ. Đó là lý do tôi luôn đặt mình vào vị trí khách hàng khi phát triển sản phẩm và phục vụ khách hàng.

Riêng với BĐS, dự án có vị trí tốt, bảo đảm căn hộ khi đưa vào sử dụng khách hàng có thể vào ở được hoặc cho thuê với giá tốt.

Giúp khách hàng thay đổi mục đích sử dụng nhanh chóng, tạo thanh khoản cho tài sản là một việc làm cần thiết.

Hơn thế nữa, nhu cầu được tư vấn giải pháp tài chính, pháp lý, quản lý căn hộ cũng được rất nhiều khách hàng quan tâm, nhất là các kiều bào ở nước ngoài cũng như các nhà đầu tư.

Đâu là những khía cạnh quan trọng nhất về khách hàng mà mỗi doanh nghiệp cần phải có được?

- Lòng tin của khách hàng là điều cần thiết nhất, mọi thành công đều bắt nguồn từ đây. Có đến hơn 50% giao dịch thành công của chúng tôi là từ mối liên kết của khách hàng hiện hữu.

Những khách hàng này, từ kinh nghiệm, sự hiểu biết và tin tưởng của họ về thương hiệu đang góp sức chia sẻ thông tin trong những mối quan hệ xung quanh. Đó là nguồn tin uy tín và đáng tin cậy nhất mà không một nhà môi giới nào trên thị trường thay thế được.

- Theo ông, giữa giai đoạn đầu chinh phục khách hàng trong nước và hiện nay, giai đoạn nào "làm khó” Novaland hơn?

- Giai đoạn hiện nay thị trường bình ổn hơn nhưng nhiều cạnh tranh, đòi hỏi các doanh nghiệp địa ốc phải liên tục hoàn thiện dịch vụ, tìm kiếm quỹ đất đẹp, phát triển nhiều tiện ích… nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu nâng cao chất lượng sống của người dân cũng như mang đến những cơ hội đầu tư sinh lợi tốt và bền vững.

- 2017 được dự báo là năm của nhà ở giá rẻ, rất nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng về với phân khúc này. Vậy tập đoàn có kế hoạch này không? Ông kỳ vọng điều gì cho thị trường năm 2017?

- Nhà ở giá rẻ đang có sức hút cực lớn trên thị trường cũng có thể là phân khúc chủ đạo của năm tới. Tuy nhiên chúng tôi cần tìm hiểu kỹ hơn nữa trước khi đưa ra kế hoạch cụ thể. Trước mắt, chúng tôi vẫn ưu tiên phát triển các dự án đã nằm trong kế hoạch để đảm bảo việc vận hành được trơn tru.

Bước sang năm 2017 không chỉ riêng tôi mà hầu hết ai cũng mong muốn thị trường phát triển một cách lành mạnh hơn để đảm bảo an toàn cho cả doanh nghiệp, nhà quản lý và khách hàng.

Novanland được cho là doanh nghiệp thành công từ việc gom "xác chết", chuyên phát triển quỹ đất thông qua việc săn các dự án vị trí đắc địa, đã hoàn thành về pháp lý. Từ năm 2014 đến nay, tập đoàn đã mua lại và phát triển cũng như bỏ ra cả chục nghìn tỷ đồng để thực hiện các thương vụ M&A với nhiều dự án nghìn tỷ đình đám.

Lên sàn vào thời điểm cuối năm 2016, cổ phiếu Novaland cũng đưa ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch HĐQT - vào danh sách người giàu trên sàn chứng khoán. Giá trị vốn hóa của doanh nghiệp trên sàn chứng khoán khoảng 1,6 tỷ USD, đứng thứ hai sau Tập đoàn Vingroup. 

 

Theo Bình Nguyên/Zing

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục