Chậm tiến độ, lập quy hoạch để "xí đất" và chuyện "chia tay đòi quà" của doanh nghiệp địa ốc

Thông tin “siêu” dự án quy mô 5.000ha của liên danh các nhà đầu tư HD Mon, VTG và Sunny World sắp đổ bộ Vân Đồn đang thu hút sự quan tâm của giới đầu tư địa ốc. Tuy nhiên, nhiều người cũng lo ngại tính khả thi của dự án trong bối cảnh thị trường trầm lắng, nhiều nhà đầu tư đang muốn rút khỏi Vân Đồn.

“Siêu” dự án quy mô 5.000ha sắp đổ bộ Vân Đồn

Theo thông tin từ UBND tỉnh Quảng Ninh, liên danh các nhà đầu tư HD Mon, VTG và Sunny World vừa có văn bản gửi UBND tỉnh này về việc triển khai lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 khu vực Bắc Cái Bầu, khu kinh tế Vân Đồn.

Theo đó, liên danh 3 nhà đầu tư này đã hợp tác với Công ty Kentlui (Hồng Kông) nghiên cứu phương án ý tưởng báo cáo Thường trực UBND tỉnh. Trên cơ sở đó, liên danh đã lựa chọn và hợp tác với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia – Bộ Xây dựng để nghiên cứu triển khai lập đồ án qui hoạch phân khu theo nhiệm vụ qui hoạch đã được phê duyệt.

Hiện nay, đồ án quy hoạch đã hoàn thành, thực hiện theo hướng dẫn của UBND tỉnh Quảng Ninh.

Do vậy, liên danh này đề nghị UBND tỉnh giao Ban quản lý khu kinh tế Quảng Ninh là cơ quan đầu mối, phối hợp với liên danh tổ chức kiểm tra đánh giá hồ sơ quy hoạch, gửi hồ sơ quy hoạch lấy ý kiến các cơ quan tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư, lấy ý kiến các sở ngành trình Sở Xây dựng thẩm định và trình UBND tỉnh phê duyệt.

Chậm tiến độ, lập quy hoạch để "xí đất" và chuyện "chia tay đòi quà" của doanh nghiệp địa ốc - Ảnh 1
Khu kinh tế Vân Đồn.

Trước đề nghị của liên danh HD Mon, VTG, Sunny World, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh giao Ban quản lý khu kinh tế căn cứ ý kiến chỉ đạo của tỉnh chủ trì, phối hợp các sở, ngành, UBND huyện Vân Đồn thực hiện việc tiếp nhận tài trợ, hồ sơ sản phẩm đối với đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 khu vực Bắc Cái Bầu, đồng thời xem xét các nội dung liên quan.

Đồng thời, yêu cầu liên danh hoàn chỉnh, bổ sung (nếu cần thiết) để hoàn thiện hồ sơ, lấy ý kiến, trình duyệt quy hoạch đảm bảo các yêu cầu quản lí, kêu gọi đầu tư, công khai, minh bạch.

Được biết, trước đó vào 2018, liên danh 3 nhà đầu tư trên đã báo cáo ý tưởng nghiên cứu đầu tư các dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, gồm: dự án đầu tư đường sắt cao tốc kết nối Móng Cái – Vân Đồn (chiều dài tuyến đường vào khoảng 100km, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 11.195 tỷ đồng); dự án khu đô thị công nghiệp, cảng nước sâu Hòn Nét – Con Ong (quy mô dự án khoảng 500ha, tổng mức đầu tư 1,2 tỷ USD); dự án khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu tại Khu kinh tế Vân Đồn (tổng diện tích khoảng 5.000 ha). Ước tính, tổng mức đầu tư 3 dự án trên khoảng từ 10 - 15 tỉ USD.

Trong đó, riêng khu đô thị phức hợp phía bắc đảo Cái Bầu được lấy cảm hứng từ thành phố Monte Carlo ở châu Âu. Khu đô thị sẽ được phát triển thành khu dân cư mới kết hợp chức năng thương mại dịch vụ và được kết nối với sân bay Vân Đồn, nhà ga xe lửa và dự án Con đường di sản ở bờ nam, tổng diện tích khoảng 5.000 ha.

Dự án sẽ mở rộng đô thị trung tâm về phía bắc kết nối với ga xe lửa và các tiện ích đô thị khác dọc bờ biển, cảng nước sâu tại bờ nam cùng với khu công nghiệp và kho bãi, phát triển nhà ga và đường ray xe lửa kết nối biên giới Móng Cái.

Diễn biến thị trường Vân Đồn

Tại Vân Đồn, sau một thời gian “đóng băng” các giao dịch, vào ngày 9/1/2019, chính quyền huyện Vân Đồn đã chính thức cho phép giao dịch mua bán đất đai trở lại. Sau khi được giao dịch trở lại, bất động sản Vân Đồn có dấu hiệu sôi động trở lại. Tuy nhiên, chuyện “sốt” đất chỉ là đồn thổi, do giới đầu cơ thêu dệt để tháo chạy, rút vốn. Vì vậy, sau khi cơ quan chức năng vào cuộc thanh tra, thị trường lại rơi vào cảnh "đóng băng".

Theo tìm hiểu, sau một thời gian bơm thổi giá bất động sản Vân Đồn, nhưng không có giao dịch, giới đầu cơ không thể thoát được hàng và “mắc cạn” tại Vân Đồn.

Chậm tiến độ, lập quy hoạch để "xí đất" và chuyện "chia tay đòi quà" của doanh nghiệp địa ốc - Ảnh 2
Thị trường Vân Đồn trầm lắng, giá đất đang chững lại.

Nhìn vào thực trạng diễn biến thị trường, vào cơ sở hạ tầng và các chính sách tại địa phương này thời gian qua, một chuyên gia địa ốc khẳng định, bất động sản Vân Đồn khó có chuyện tăng giá, sốt đất thực sự trong năm 2019, thậm chí trong 1 – 2 năm tới. Đặc biệt là trong bối cảnh rất nhiều nhà đầu tư muốn thoái vốn khỏi Vân Đồn, giá đất chững lại và không có giao dịch như thời điểm hiện nay.

Có thể nói, trong bối cảnh diễn biến thị trường không thuận lợi, nhiều nhà đầu tư đang muốn rút khỏi Vân Đồn thì việc liên danh các nhà đầu tư HD Mon, VTG và Sunny World đang triển khai lập quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 cho một “siêu” dự án tại thị trường này khiến nhiều người đặt dấu hỏi về tính khả thi của dự án…

Nếu dự án không thể triển khai theo kế hoạch, tiến độ, doanh nghiệp “ngâm” đất nhiều năm, quá thời hạn quy định thì chính quyền địa phương sẽ phải vào cuộc xử lý.

Hơn 50% dự án chậm triển khai tại Vân Đồn

Thực tế, thời gian qua, cơ quan chức năng một số địa phương, đặc biệt là Quảng Ninh đã thu hồi không ít dự án chậm tiến độ, chậm triển khai, triển khai không hiệu quả… để giao cho doanh nghiệp khác đầu tư xây dựng.

Đáng chú ý, câu chuyện một “ông lớn” trong lĩnh vực địa ốc sau khi bị cơ quan chức năng thu hồi dự án do chậm tiến độ triển khai hàng chục năm đã “đòi” lại tiền lập quy hoạch tại một dự án lớn ở Thanh Hóa đã xảy ra.

Cụ thể là dự án khu thương mại, văn phòng và nhà ở tại P.Đông Hương, TP.Thanh Hóa của Tập đoàn Bitexco. Dự án này rộng 31,6 ha, được UBND tỉnh Thanh Hóa giao cho Tập đoàn Bitexco từ hơn 10 năm trước. Sau khi được giao đất, Tập đoàn Bitexco liên tục chậm triển khai. Đến tháng 2/2018, sau nhiều lần thúc giục không được, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra quyết định thu hồi đất dự án của Tập đoàn Bitexco tại P. Đông Hương.

Chậm tiến độ, lập quy hoạch để "xí đất" và chuyện "chia tay đòi quà" của doanh nghiệp địa ốc - Ảnh 3
Quyết định thu hồi hơn 3,1ha đất của Công ty Bitexco tại phường Đông Hương, TP Thanh Hóa.

Sau khi dự án bị thu hồi, Công ty CP Bitexco đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa thanh toán chi phí lập quy hoạch dự án.

Được biết, đây là lần thứ 2 Tập đoàn Bitexco đề nghị hoàn trả phí tại một dự án mà đơn vị từng được công nhận là chủ đầu tư. Trước đó, vào đầu năm 2019, Tập đoàn Bitexco cũng có văn bản gửi tới Bộ GTVT đòi phí cơ hội tại dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết với số tiền lên tới 104 tỷ đồng.

Trong những năm qua, việc xuất hiện ngày càng nhiều dự án “treo” là một trong những vấn đề “nóng”, gây thiệt hại về kinh tế, lãng phí nguông lực đất đai, ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị và bức xúc trong dư luận… trong đó nổi lên tình trạng chủ đầu tư “xí phần” dự án nhưng không triển khai, “ngâm đất” trong nhiều năm hoặc chờ bán qua tay chủ đầu tư khác kiếm lời.

Tại Vân Đồn, tuy có nhiều doanh nghiệp lớn đổ bộ vào thị trường này để phát triển dự án bất động sản, nhưng tới nay, nhiều dự án đã công bố vẫn chỉ là nằm trên giấy, chưa được chủ đầu tư triển khai chính thức. Trong khi đó, những dự án bị bỏ hoang chưa triển khai này đa phần là những dự án có quỹ đất lớn hoặc nằm ở vị trí tương đối đắc địa.

Theo thông tin từ cơ quan chức năng Quảng Ninh, qua kiểm tra, trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện có 131 dự án, trong đó có 65 dự án chưa giao đất, 22 dự án đã hoàn thành, 23/44 dự án (chiếm hơn 50%) đã giao đất nhưng đang chậm tiến độ.

Trước tình trạng các dự án bị bỏ hoang, nhiều chuyên gia cho biết, “ý đồ” của nhiều doanh nghiệp thực chất là để “xí đất” thông qua việc chấp thuận địa điểm hay đăng ký dự án, theo đó khu đất đã có dự án đăng ký, thì các doanh nghiệp khác không thể chen chân.

Trên thực tế, việc công bố công khai để các doanh nghiệp đăng ký dự án không thực hiện được tốt, nên gần như không có trường hợp cùng một khu đất có nhiều doanh nghiệp đăng ký, nên cứ doanh nghiệp nào đăng ký là được lựa chọn. Thời gian từ việc chấp thuận địa điểm hay đăng ký dự án đến phê duyệt dự án kéo dài, chưa kể thủ tục điều chỉnh quy hoạch hoặc lập quy hoạch... Trong thời gian này, doanh nghiệp chưa được giao đất, nên vẫn chỉ nộp tiền thuê đất đối với đất thuê. Tiền thuê đất trước đây lại thấp, nên doanh nghiệp đủ sức chi trả để giữ đất...

Về các dự án “ngâm đất”, “xí phần”, chậm triển khai, thời gian qua lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã có những chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu cơ quan chức năng cần khẩn trương rà soát tất cả các dự án đã và đang triển khai tại huyện đảo Vân Đồn, kiên quyết thu hồi dự án chậm tiến độ, đất không sử dụng mà chuyển nhượng hoặc chuyển đổi sang mục đích khác, không để xảy ra tình trạng mua đi bán lại tại các dự án này.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục