Đề xuất giảm lãi suất vay gói 30 nghìn tỷ nhằm tạo điều kiện cho người mua nhà

(Kinhdoanhnet) - Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa đề nghị NHNN xem xét hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống 3-3,5%/năm để góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ đồng.

Đề xuất giảm lãi suất vay gói 30 nghìn tỷ nhằm tạo điều kiện cho người mua nhà - Ảnh 1
Đề xuất tiếp tục giảm lãi suất cho vay gói 30 nghìn tỷ nhằm tạo điều kiện cho người mua nhà

Theo đó, Hiệp hội bất động sản TP.HCM vừa đề nghị NHNN xem xét hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội xuống 3-3,5%/năm. Đồng thời kiến nghị tăng thêm thời gian vay lên 20 năm so với 15 năm như hiện nay và cho đối tượng vay mua nhà thời gian ân hạn 3 năm đầu không phải trả lãi gốc.

T.S Đỗ Thị Loan - Phó chủ tịch Hiệp hội cho biết, Hiệp hội rất hoan nghênh Chính phủ đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách mới rất toàn diện, sát với yêu cầu của tình hình thực tế. Đặc biệt là gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng nhằm giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu bất động sản, hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, hỗ trợ người có thu nhập thấp tiếp cận nhà ở.

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM cũng cho biết, lý do khiến Hiệp hội BĐS TP HCM kiến nghị hạ lãi suất cho vay mua nhà ở xã hội thuộc gói 30.000 tỷ đồng của Chính phủ xuống 3 – 3.5%/năm là bởi từ cuối năm 2014, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được đẩy lùi, lãi suất giảm sâu, chênh lệch tỷ giá được rút ngắn, giá vàng giảm, giá dầu giảm... Chính vì thế hoàn toàn có cơ sở để lãi suất giảm thêm, bất động sản sẽ ấm dần lên. Chính vì thế hiệp hội BĐS TP HCM mới đề nghị giảm lãi cho vay gói 30.000 tỷ xuống 3 - 3.5%/năm cùng gia tăng thời gian vay 20 năm, ân hạn 3 năm đầu tiên cho người tiêu dùng không phải trả lãi gốc.

Bên cạnh đó, nguyên nhân quan trọng theo tìm hiểu của chúng tôi từ khi thông tư 11/2013/TT-NHNN về các chính sách giải ngân gói tín dụng 30.000 tỷ đồng này được đưa ra vào tháng 6/2013, tại Khoản 2, Điều 8 của Thông tư 11/2013/TT-NHNN chúng tôi thấy quy định không phù hợp: mức lãi suất tái cấp vốn từ NHNN cho các NHTM thấp hơn 1,5% lãi suất mà các NHTM cho khách hàng vay.

Với quy định này, nếu năm 2013 NHTM cho khách hàng vay với lãi suất 6%/năm thì họ chỉ phải trả 4,5% lãi suất tái cấp vốn về NHNN, còn 1,5% là lãi suất các NHTM hưởng lợi. Đến năm 2014, NHNN có Thông tư số 32/2014/TT-NHNN ban hành tháng 11/2014 ra đời, lãi suất cho vay xuống 5%/năm. Tuy nhiên, mức lãi suất tái cấp vốn theo Khoản 2, Điều 8 tại Thông tư 11/2013/TT-NHNN vẫn giữ như cũ: lãi suất tái cấp vốn mà NHNN dành cho NHTM thấp hơn lãi suất NHTM cho khách hàng vay 1,5%.

Một ví dụ minh họa rõ nét hơn về việc duy trì mức lãi suất tái cấp vốn thấp hơn 1,5% lãi suất các NHTM cho người dân vay là không phù hợp thực tế là, nếu như thời điểm năm 2013, khi tôi vay 100 triệu để mua nhà ở xã hội từ NHTM với lãi suất 6%, lãi suất hàng tháng tôi phải trả là 6 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền 100 triệu mà NHTM cho người dân vay, thực tế các NHTM chỉ phải vay từ NHNN với mức lãi suất 4,5%, (tức 4,5 triệu/tháng), còn 1,5 triệu đồng ở lại các NHTM thực chất được tính vào chi phí quản lý của họ.

Nếu năm 2014, các người tiêu dùng vay 100 triệu từ NHTM, mức lãi suất là 5%/năm, họ phải trả 5 triệu/tháng thì cũng thời điểm đó, các ngân hàng chỉ phải trả lãi suất về cho NHNN 3,5 triệu/tháng còn 1,5 triệu, các NHTM thu về. Nếu các NHTM cùng chia sẻ với thị trường, với người tiêu dùng thì họ chỉ cần nhận chi phí quản lý 0,5% bởi cùng bộ máy ấy, con người ấy, chi phí vận hành như vậy thì thị trường và người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi rất lớn.

Trong khi đó, người thu nhập thấp, người trẻ thành thị luôn có khát khao mua nhà và khát khao kiếm tiền trả nợ nên việc tạo điều kiện vay và trả nợ cho họ là điều nên làm để thể hiện tính nhân văn của chương trình này.

Theo Thứ trưởng Xây dựng Nguyễn Trần Nam cũng cho rằng Bộ Xây dựng đang tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là phát triển NOXH. Ðồng thời phối hợp các bộ, ngành liên quan nghiên cứu đề xuất thêm các gói hỗ trợ khác nhằm mục tiêu tăng nhanh nguồn cung NOXH hiện đang còn thiếu, hỗ trợ, mở rộng thêm các đối tượng được thụ hưởng, nhất là những người có thu nhập thấp.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo VnMedia, Dân trí)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục