Doanh nghiệp bất động sản “rửa” nợ xấu bằng trái phiếu doanh nghiệp?

“Rửa tiền” chắc nhiều người đã từng nghe, hiểu lơ mơ ....chủ yếu qua phim ảnh phản ánh một hiện thực không phổ biến ở tít tận trời Tây. “Rửa nợ xấu” nghe lạ, rất lạ nhưng nó lại là một thực tế đã và đang diễn ra trên thị trường vốn Việt Nam dưới cái tên mỹ miều hơn đó là “ tái cơ cấu nợ”.

Bùng phát trái phiếu giá cao

Trong 8 tháng đầu năm 2019, tổng lượng chào bán Trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) là 129.016 tỷ đồng, quy mô thị trường nhảy vọt lên mức khoảng 10,2% GDP. Trái phiếu bất động sản chiếm ưu thế với 44 trên tổng số 108 doanh nghiệp chào bán trái phiếu, tổng lượng chào bán cũng rất lớn, lên đến 47.804 tỷ đồng.

Doanh nghiệp bất động sản “rửa” nợ xấu bằng trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp nhỏ cũng phát hành hàng trăm tỷ tiền trái phiếu với lãi suất thậm chí gấp đôi lãi suất huy động của ngân hàng.

Ngoài những doanh nghiệp có tên tuổi, còn có các đợt phát hành của những doanh nghiệp “mới toe”, nhưng phát hành khối lượng khủng lên tới hàng nghìn tỷ đồng, với lãi suất cao thậm chí cao gấp đôi lãi suất huy động dài hạn của ngân hàng. Ví dụ như bất động sản Phát Đạt huy động mức 14,45%/năm.

Thật khó lý giải khi lãi suất phát hành của doanh nghiệp bất động sản lên tới 14,45 % chưa tính chi phí phát hành (thường là 3-4%).

Vậy doanh nghiệp phải làm gì nếu thời gian thi công kéo dài, hàng tồn kho tăng cao với chi phí tài chính lên tới 18-19%/năm ?

Một thắc mắc nữa là tại sao trong 137 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm tới nay mà chủ yếu chỉ có các tổ chức là các ngân hàng, định chế tài chính, công ty chứng khoán mua là chủ yếu chiếm tới chiếm 93,9% - thông tin Bộ Tài chính cho biết. Thậm chí, nhiều gói trái phiếu giá trị lớn từ vài trăm tới hàng nghìn tỷ đồng được ngân hàng ôm trọn.

Hiện tại, Techcombank là ngân hàng nắm giữ lượng trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất, khoảng 60 nghìn tỷ đồng, tiếp theo là SHB, BIDV, VietinBank, MBB.

Và vô lý nữa là nhiều doanh nghiệp BĐS có kết quả kinh doanh bết bát như tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu quá cao, dòng tiền kinh doanh bị âm “nặng” nhưng vẫn phát hành trái phiếu doanh nghiệp.

Cụ thể, Tập đoàn Đất Xanh bị âm dòng tiền kinh doanh gần 565 tỷ đồng trong quý II. Cùng kỳ năm trước, công ty âm 996 tỷ đồng. Đất Xanh cũng là doanh nghiệp âm dòng tiền kinh doanh trong suốt 3 năm qua, kể từ 2016. Một doanh nghiệp khác có thể kể đến là  Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) hiện cũng đang “ôm” khoản nợ lên đến hơn 7.600 tỷ đồng. Khoản nợ này đều là những khoản nợ dài hạn. Đồng thời, khoản mục nợ phải trả của Công ty từ năm 2015 là 5.270 tỷ đồng cũng đã tăng lên 43% lên mức 7.545 tỷ đồng cuối năm 2018.

Tại thời điểm cuối tháng 6, lưu chuyển tiền thuần sử dụng vào hoạt động kinh doanh của PDR trên bảng lưu chuyển tiền tệ âm 1.070,1 tỷ đồng (cùng kỳ dương 216,6 tỷ đồng) là những ví dụ cụ thể về sự bất hợp lý trong việc phát hành TPDN.

Tuy phát hành trái phiếu nhiều, nhưng quan sát thị trường lại thấy lượng hàng hóa bất động sản được đưa ra thị trường rất khiêm tốn trong thời gian qua.... Vậy tiền thu được từ việc phát hành trái phiếu đã đi đâu và về đâu ?

Doanh nghiệp bất động sản “rửa” nợ xấu bằng trái phiếu doanh nghiệp? - Ảnh 2
Phát hành trái phiếu - giải pháp "cả nhà cùng vui", làm biến mất nợ xấu của doanh nghiệp và ngân hàng, nhưng rủi ro rất lớn lại chuyển sang cộng đồng.

"Rửa" nợ xấu?

Thực tế, mục đích sử dụng vốn huy động được từ việc phát hành trái phiếu rất đa dạng, trong đó có nhiều trường hợp doanh nghiệp phát hành hay dự án đang triển khai không hề nhận được đồng tiền “ tươi” nào mà nó được dùng để “rửa” các khoản nợ xấu theo những cách sau:

Cụ thể, doanh nghiệp A có khoản nợ lớn đến kỳ phải trả của ngân hàng B. Doanh nghiệp đang bị ngân hàng thúc ép vì khoản nợ có khả năng chuyển hạng từ nợ đến kỳ phải trả đến (chuyển nhóm nợ 1-5) đến mức nợ có khả năng mất vốn.

Với những khoản nợ lớn, nếu bị chuyển nhóm nợ ngân hàng đối mặt với nhiều nguy cơ: bị cảnh báo toàn hệ thống, bị NHNN tuýt còi, hạ hạn mức cấp tín dụng, khó vay trong liên ngân hàng ...

Trong hoàn cảnh này, doanh nghiệp bàn với ngân hàng thuê Công ty chứng khoán C vào “ tái cơ cấu nợ” bằng việc phát hành gói TPDN có giá trị lớn hơn hoặc bằng khoản nợ xấu. Ngân hàng B chính là đơn vị mua trái phiếu của doanh nghiệp A nhưng không phải là “tiền tươi” mà được khấu trừ cho khoản nợ mà A đang nợ B. Tùy vào thỏa thuận với B, hai bên chủ động đưa ra các điều kiện thanh toán gốc và lãi trên tinh thần “Win-Win” cho cả A và B.

Sau khi “mua” xong gói trái phiếu với lãi suất cao ngất ngưởng (10-12 thậm chí 14.45%), căn cứ vào uy tín doanh nghiệp, mức độ an toàn của trái triếu đang nắm giữa (thường căn cứ vào báo cáo của bộ phận đánh giá rủi ro), kết hợp với các nghiệp vụ “củng cố niềm tin”, B xé nhỏ và chuyển nhượng số trái phiếu này cho các khách hàng, nhà đầu tư tổ chức/cá nhân sau khi giữ lại khoảng 1,5-2%.

Như vậy, doanh nghiệp A đã huy động được vốn dài hạn; có bảng cân đối kế toán “đẹp” và tránh được áp lực của các khoản vay ngắn hạn và ngân hàng B sẽ tránh bị NHNN tuýt còi; thu được vốn về để kinh doanh và lại “ngang cơ” với các ngân hàng khác trong hoạt động vay nợ liên ngân hàng.

Như vậy, việc phát hành TPDN đã giúp loại trừ, xua những “cục máu đông” mang tên nợ xấu, tránh đổ vỡ ngân hàng, góp phần bảo vệ sự an toàn hệ thống nhưng lại chuyển rủi ro cho cộng đồng.

Các nhà đầu tư cá nhân/ tổ chức thiếu thông tin, không đủ khả năng kiểm tra và thẩm định thì hãy cảnh giác do tính “lỏng” về điều kiện phát hành của TPDN mà có thể mất trắng vì là trái chủ. Bởi khi rủi ro xảy ra, nhà đầu tư chỉ được thanh toán sau khi toà án giải quyết cho các nghĩa vụ thuế, phí, các khoản nợ thế chấp của doanh nghiệp rồi mới đến QUÍ trái chủ.

Nguyễn Đỗ Việt - Chuyên gia tài chính

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục