Bài 5: Đã đến lúc cần thay đổi định kiến về sở hữu BĐS có thời hạn!

(Kinhdoanhnet) - Sở hữu rất nhiều những ưu điểm, thế nhưng, cho đến nay sau nhiều lần được đưa ra để tranh luận, loại hình sở hữu chung cư có thời hạn vẫn chưa thể có một chỗ đứng cho riêng mình trong Luật Nhà ở. Đã đến lúc cả xã hội cần phải có một sự thay đổi mang tính chất “bước ngoặt” trong định kiến về loại hình sở hữu nhà ở này!

Cái lợi của tâm lý đi thuê nhà?

Bài 5: Đã đến lúc cần thay đổi định kiến về sở hữu BĐS có thời hạn! - Ảnh 1
Những toà nhà chung cư không thể tồn tại vĩnh viễn

Những ưu điểm của loại hình sở hữu nhà ở có thời hạn về vị trí, giá cả cũng như cơ hội đầu tư… chúng tôi đã phân tích rất nhiều trong các bài viết trước, và có lẽ không cần phải nhắc lại. Điều mà chúng tôi muốn nói đến ở đây là yếu tố về tâm lý. Nếu những người dân sở hữu một căn hộ chung cư vô thời hạn có thể yên tâm rằng tài sản đó là của mình, nó tồn tại mãi mãi để truyền cho con cháu sau này. Thì với những căn hộ sở hữu có thời hạn, liệu người mua nhà có được lợi gì từ tâm lý? Có lẽ, câu hỏi này phải dành cho chính những người dân hiện đang sinh sống tại những toà chung cư thuộc loại hình nhà ở sở hữu có thời hạn trả lời.

Theo kết quả của một cuộc khảo sát mà phóng viên báo Kinh doanh và Pháp luật đã thực hiện tại một số dự án chung cư áp dụng phương thức sở hữu có thời hạn trên địa bàn thành phố Hà Nội, một kết quả đáng ngạc nhiên là những người mua nhà tại đây lại có một lợi thế về tâm lý khác hẳn. Theo phân tích của những người mua nhà tại đây cho rằng, khi mua những căn hộ có thời hạn này, họ đứng trên cương vị là người đi thuê nhà, họ chỉ đến đó để ở, còn tài sản đó vẫn thuộc quyền quản lý của chủ đầu tư. Chính vì vậy, chủ đầu tư vẫn có trách nhiệm quản lý, vận hành, bảo trì toà nhà ấy trong suốt thời gian sử dụng. Nói cách khác, những người dân này chỉ việc lo cho cuộc sống riêng của mình, ngoài ra các vấn đề chung khác họ không cần bận tâm tới…

Có chứng kiến thực tế đang sôi sình sịch chuyện ban quản trị, phí bảo trì tại tất cả các toà nhà chung cư sở hữu vô thời hạn trên thị trường hiện nay có lẽ mới thấy được “hạnh phúc” được làm người đi thuê nhà của những người dân này lớn lao đến mức nào! Đó là chưa kể đến việc, sở hữu có thời hạn sẽ giúp người dân tiết kiệm được một khoản tiền nhất định. Bới ngoài việc đóng 1 khoản tiền để mua căn hộ người dân sẽ không phải đóng thêm bất cứ một khoản chi phí bảo trì (theo quy định hiện nay là 2% giá trị căn hộ) nào khác.

Trong khi nhiều người vẫn đang có những suy nghĩ về một điều gì đó tồn tại vĩnh viễn, nếu không nói đó là suy nghĩ viển vông bởi một thực tế là nhà chung cư thì không thể nào tồn tại vĩnh viễn, thì có lẽ những người dân này đã có những bước đi sáng suốt hơn khi đánh đổi tư tưởng định kiến, cố thủ đó bằng những giá trị thực tế có lợi cho mình.

Sự thay đổi định kiến là cần thiết!

Bài 5: Đã đến lúc cần thay đổi định kiến về sở hữu BĐS có thời hạn! - Ảnh 2
GS. Đặng Hùng Võ: Nếu thay đổi được tư duy về sở hữu nhà ở có thời hạn, thị trường bất động sản sẽ dễ chịu hơn nhiều so với thời điểm hiện tại.

Đó là nhận định chung của rất nhiều chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản khi đưa ra ý kiến đánh giá về loại hình sở hữu chung cư có thời hạn. Theo Giáo sư Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, Loại hình nhà ở sở hữu có thời hạn áp dụng với nhà chung cư là rất phù hợp. Bởi nó không chỉ mang lại rất nhiều những điểm lợi cho người mua nhà mà nó còn giúp các nhà quản lý dễ dàng hơn trong quá trình quản lý tài nguyên và giải quyết các vấn đề của xã hội.

Tuy nhiên, ông Võ cũng cho rằng, Khi đưa ra cơ chế này trong Luật Nhà ở, nó đã vướng phải sự phản đối quyết liệt của những người đang ở chung cư hiện nay, họ vẫn cứ nghĩ rằng đất là vô thời hạn chính vì vậy họ vẫn có 1 thứ tài sản gắn với nhà chung cư ấy và gắn với đất. Như vậy, nếu chung cư sở hữu có thời hạn, đồng nghĩa với việc họ sẽ phải chịu thiệt thòi do giá của chung cư sẽ giảm trong khi họ đã phải mua với mức giá cao hơn từ trước đó.

Thực ra, tại thời điểm đó chúng ta chưa có những chiến dịch vận động, những cách thức vận động, cách thức giải thích để cho người dân hiểu rõ rằng, sự thực là chung cư đã có rồi thì chúng ta vẫn để nó tồn tại theo cơ chế cũ không ai làm mất giá trị của nó còn những chung cư mới thì mới áp dụng quy định sở hữu có thời hạn. Thế nhưng chúng ta đã không làm được điều này, thành ra những ý kiến phản đối loại hình nhà ở này vẫn rất gay gắt.

Bên cạnh đó, trong tâm lý của người Việt Nam từ xưa đến nay vẫn nghĩ rằng nhà ở là một thứ tài sản tài sản nó trường tồn, lâu dài để truyền lại cho con cháu nhiều đời chứ người ta không bao giờ nghĩ đến việc nhà ở lại có thời hạn. Thực ra, nó cũng là 1 cách tư duy giống như việc người ta đi thuê nhà. Người ta vẫn cảm thấy rằng việc đi thuê là hèn kém, đi thuê mảng cảm giác không được “oách”. Đó là một lối suy nghĩ đã cản trở rất lớn đối với loại hình nhà ở có thời hạn. Nếu thay đổi được cách tư duy này, khiến cho việc mua nhà trở nên nhẹ nhàng hơn chứ không phải là những vấn đề quá lớn lao thì lúc đó người ta sẽ cảm thấy thị trường nhà ở sẽ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều so với thời điểm hiện tại. Và cũng đã đến lúc, lối tư duy này cần được thay đổi Giáo sư Đặng Hùng Võ một lần nữa khẳng định..

Những ý kiến phân tích nhận định về loại hình sở hữu nhà ở có thời hạn sẽ tiếp tục được Báo Kinh doanh và Pháp luật đăng tải trong các số tới!

Nhóm PV

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục