BĐS khởi sắc: Nhiều doanh nghiệp "rầm rộ" khởi công dự án mới

(Kinhdoanhnet) - Đón đầu sức mua trên thị trường bất động sản đã và đang được cải thiện đáng kể, nhiều doanh nghiệp chủ đầu tư đã “ra quân” triển khai các dự án mới khá rầm rộ.

BĐS khởi sắc: Nhiều doanh nghiệp "rầm rộ" khởi công dự án mới - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp "rầm rộ" khởi công dự án mới

Năm 2014, thị trường bất động sản Hà Nội có nhiều dấu hiệu ấm lên sau một thời gian dài rơi vào trầm lắng. Sự phấn khích của thị trường thể hiện rõ khi thanh khoản của phân khúc căn hộ liên tục tăng, hàng loạt dự án mới được khởi công hoặc các dự án đang triển khai từng “đắp chiếu” nhiều năm lần lượt được chủ đầu tư tái khởi động trở lại. Trong số các dự án được tái khởi động thời gian qua, có không ít cái tên khá mới trong làng bất động sản.

Ngày 1/7, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc - CTCP (KBC) và Công ty TNHH MTV Phát triển đô thị Tràng Cát, doanh nghiệp KBC sở hữu 100% đã khởi công xây dựng Dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Tràng Cát tại Hải Phòng.

Sau thành công giai đoạn 1 của Dự án Thăng Long Number One, Tổng công ty Viglacera sẽ đẩy nhanh tiến độ triển khai giai đoạn 2 dự án này tại Mễ Trì (Hà Nội), đồng thời khởi công Dự án Nhà ở Hoàng Hoa Thám giai đoạn 3 tại Ba Đình (Hà Nội), Khu công nghiệp Phong Điền (Huế), Khu nhà ở công nhân tại Khu công nghiệp Yên Phong (Bắc Ninh).

Tổng giám đốc Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng Viglacera Trần Anh Tuấn cho biết, trong định hướng của tổng công ty này, bất động sản vẫn là mảng được quan tâm đầu tư đặc biệt. Trên thực tế, đây chính là lĩnh vực đến sau nhưng đem lại lợi nhuận lớn nhất cho Viglacera. Không chỉ tập trung cho các dự án nhà ở thương mại, Tổng công ty còn đang theo đuổi kế hoạch mở rộng khu đô thị Đặng Xá với đề xuất tăng diện tích của khu đô thị tới tận sát cầu Thanh Trì.

Với Tổng công ty Vinaconex, sau gần 3 năm trầm lắng với hoạt động đầu tư bất động sản khi Khu đô thị Trung Hòa Nhân Chính, NƠ5, Splendora hoàn tất và bàn giao nhà cho khách hàng, Tổng công ty đã tái khởi động trở lại một loạt dự án mới như 97 – 99 Láng Hạ, Vinata Tower, 18,5 héc-ta Bắc An Khánh….

Trong năm 2015, Vinaconex sẽ cố gắng hoàn tất thủ tục đầu tư cho các dự án bất động sản này để có thể khởi công sớm nhất, có thể vào cuối năm nay. Bên cạnh bất động sản, sự hồi phục trở lại của đầu tư công cũng giúp các đơn vị xây dựng quy mô lớn như Vinaconex dễ thở hơn. Mới đây, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc và Liên danh nhà thầu Taisei – Vinaconex – Trường Sơn đã ký kết hợp đồng thực hiện gói thầu CP – 1A.

Làn sóng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sau khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết được dự đoán có tác động khá tích cực tới thị trường bất động sản. Đơn cử, tại Dự án Vinata Tower của Vinaconex, đã có nhà đầu tư Nhật Bản đặt vấn đề hợp tác và mua bao một lượng lớn sản phẩm tại đây. Nhiều dự án căn hộ thương mại cấp trung cao cấp tại Hà Nội cũng được quan tâm và tìm mua bởi các nhà đầu tư có mục đích cho người nước ngoài, hoặc các gia đình chồng Tây vợ Việt thuê dài hạn.

Ngoài Công ty Việt Hân, Văn Phú Invest và CTCP Ngôi Sao An Bình, bất động sản phía Tây Hà Nội thời gian qua cũng chứng kiến hàng loạt chủ đầu tư khác khởi động lại dự án. Chẳng hạn, tại Khu đô thị Nam An Khánh, huyện Hoài Đức; MeKong Land khởi công lại Dự án Tổ hợp Gemek Tower tại khu đô thị Lê Trọng Tấn, cũng tại huyện Hoài Đức…

Do nhu cầu về nhà ở thực tế vẫn rất lớn và giá cả thị trường đã trở về với giá trị thực, không còn tâm lý lo sợ giá ảo hoặc chờ đợi giá sẽ tiếp tục giảm nữa. Bên cạnh đó, ác đô thị phía Tây Hà Nội vốn có lợi thế về hạ tầng giao thông hướng ra các trục đường lớn như Đại Lộ Thăng Long, quốc lộ 32, đường vành đai 3, đường Lê Văn Lương. 

Bên cạnh đó là một số dự án của Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển nhà Hà Nội (Handico) cũng đang tái khởi động lại, C3 Lê Văn Lương đang xây thân, G3B Trung Kính đang xây thân và bán sản phẩm ra thị trường… Hay như dự án chung cư Hattoco (110 Trần Phú, Hà Đông), dự án này vốn bị bỏ hoang gần 3 năm nay do chủ đầu tư kiệt quệ về tài chính. Nhưng theo khảo sát PV, khoảng 1 tháng trở lại đây, chủ đầu tư dự án bắt đầu xây dựng trở lại. Trên công trường đã xuất hiện bóng công nhân làm việc.

Thời gian qua là thời gian khó khăn kéo dài đối với thị trường BĐS. Rất nhiều dự án bị đình trệ do thiếu vốn làm khách hàng mất niềm tin vào thị trường. Nhưng thực tế, đối với nhiều dự án, khi chủ đầu tư có năng lực, chủ động được nguồn vốn thì họ không bị lệ thuộc quá nhiều vào việc phải huy động vốn ứng trước, mà vẫn đảm bảo giữ đúng tiến độ xây dựng cam kết với khách hàng.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo đầu tư, VnMedia)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục