Bỏ thủ tục công chứng khi chuyển nhượng HĐMB nhà ở liệu có hợp lý?

(Kinhdoanhnet) - Bộ Xây dựng gần đây đã có văn bản về dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi. Theo đó, đối với giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở và giao dịch góp vốn bằng nhà ở nếu có một bên là tổ chức thì không cần phải công chứng, chứng thực.

Bỏ thủ tục công chứng khi chuyển nhượng HĐMB nhà ở liệu có hợp lý? - Ảnh 1
Bỏ thủ tục công chứng khi chuyển nhượng HĐMB nhà ở liệu có hợp lý?

Cụ thể, giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở được hiểu không phải là mua bán nhà ở mà là chuyển nhượng các quyền và nghĩa vụ của người mua nhà theo hợp đồng mua bán nhà ở. Loại giao dịch này có ba bên tham gia, bao gồm: Chủ đầu tư: là nơi có trách nhiệm xác nhận vào văn bản chuyển nhượng hợp đồng để kết thúc giao dịch với bên mua nhà ở lần đầu và thực hiện giao dịch với bên nhận chuyển nhượng hợp đồng; người mua nhà của chủ đầu tư và bên nhận chuyển nhượng hợp đồng.

Được coi là một chủ đầu tư theo pháp lý thì chủ đầu tư phải là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, có con dấu để thực hiện các giao dịch trên và có tư cách pháp nhân. Vì thế, thay vì phải công chứng, giao dịch này chỉ cần có xác nhận của chủ đầu tư. Việc làm này vẫn đảm bảo về mặt pháp lý, tuy nhiên sẽ thuận lợi hơn cho người tham gia giao dịch đồng thời giảm bớt các thủ tục hành chính.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cho rằng đối với giao dịch góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức - có tư cách pháp nhân, có con dấu, hoạt động theo quy định của pháp luật thì cũng không cần công chứng. Khi tham gia giao dịch này, bên góp vốn vẫn tiếp tục tham gia thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình trong toàn bộ quá trình hợp tác nên trường hợp này cũng không nên bắt buộc phải có công chứng hoặc chứng thực.

Trong tháng 10/2014, khi góp ý về dự thảo trên, Bộ Tư pháp đề nghị: Cần phải công chứng hoặc chứng thự đối với các giao dịch chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở và giao dịch góp vốn bằng nhà ở mà có một bên là tổ chức. Việc làm này nhằm bảo đảm an toàn pháp lý, các bên tham gia giao dịch được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp. Tuy nhiên, đề xuất này không được Bộ Xây dựng đồng tình, được lý giải với những phân tích như trên.

Bộ Tư pháp cũng đề nghị về thời điểm có hiệu lực của hợp đồng về nhà ở đối với các hợp đồng phải công chứng, chứng thực. Theo đó, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.

Bộ Xây dựng cũng phân tích, để chặt chẽ và đảm bảo quyền lợi của các bên, thời điểm có hiệu lực của loại hợp đồng phải công chứng, chứng thực do các bên thỏa thuận nhưng phải sau khi hợp đồng được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật. Trường hợp các bên không có thỏa thuận thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.

Trong khi đó, lâu nay, việc mua bán nhà ở nói chung đều phải thông qua công chứng chứng thực bản hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở. Đối với người giao dịch, với người dân, thì đó được coi như một phần tất yếu để đảm bảo hành lang pháp lý.

Thực tế hiện nay, việc xảy ra tranh chấp kiện tụng trong giao dịch mua bán nhà ở là rất dễ xảy ra. Đối với hầu hết người dân, việc mua bán chuyển nhượng nhà ở là một việc lớn. Thế nên có sự chứng thực của cơ quan nhà nước trên bản hợp đồng chuyển nhượng nhà ở, đất đai sẽ giúp họ yên tâm hơn.

Nhiều ý kiến trái chiều hiện nay đang cho rằng nếu không làm công chứng hợp đồng chuyển nhượng mua bán nhà ở thì không đủ hành lang pháp lý cho mỗi giao dịch khi có tranh chấp xảy ra. Và lúc đó, những người dân cũng sẽ khó để tìm chỗ dựa pháp lý cho mình.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Pháp luật Tp.HCM Online, Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục