CĐT không bàn giao phí bảo trì sẽ bị thực hiện cưỡng chế!

(Kinhdoanhnet) - Tại Tọa đàm góp ý cho bản dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư do Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 16-10 tại Hà Nội vừa qua, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho biết nếu chủ đầu tư vi phạm bàn giao phí bảo trì cho cư dân sẽ bị UBND tỉnh cưỡng chế.

CĐT không bàn giao phí bảo trì sẽ bị thực hiện cưỡng chế! - Ảnh 1
Nếu chủ đầu tư vi phạm bàn giao phí bảo trì cho cư dân sẽ bị UBND tỉnh cưỡng chế.

Hầu hết các tranh chấp tại các toà nhà chung cư hiện nay đều là do sự xuống cấp của các toà nhà, việc thành lập ban quản trị... Trong khi đó, nguyên nhân sâu xa của vấn đề này bắt nguồn từ những quy định về Quỹ bảo trì nhà chung cư chưa được thực hiện đầy đủ, nhiều nhà đầu tư cố tình “chây ì” chiếm dụng khoản tiền này khiến người dân vô cùng bức xúc.

Theo quy định của Luật Nhà ở, chủ đầu tư hoặc đơn vị được giao quản lý nhà chung cư có trách nhiệm chuẩn bị các nội dung để tổ chức hội nghị nhà chung cư để thành lập ban quản trị. Còn quỹ bảo trì chung cư được thành lập từ 2% giá trị các căn hộ được bán. Do đó, tổng kinh phí bảo trì của một.

Theo quyết định của Bộ Xây dựng, về quy chế quản lý sử dụng chung cư, ban quản trị sẽ nắm giữ tài khoản (hai cá nhân của ban quản trị sẽ đồng chủ tài khoản) tiền gửi để quản lý phí bảo trì chung cư. Nhưng thực tế, hội nghị nhà chung cư khó thực hiện, nhiều nhà chung cư đã đi vào hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa thể thành lập được ban quản trị do số người tham dự không đủ 50%. Việc thu phí bảo trì nhà chung cư bán trước ngày Luật Nhà ở có hiệu lực thi hành (1/7/2006) khó thực hiện, nhất là đối với nhà chung cư tái định cư. Chưa kể, thực trạng nhiều nhà đầu tư cố tình “chây ì”, chiếm dụng khoản tiền này không bàn giao lại cho Ban quản trị.

Tại Tọa đàm góp ý cho bản dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư do Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) tổ chức ngày 16-10 tại Hà Nội, nhiều khúc mắc trong vấn đề quỹ bảo trì nhà chung cư đã được đưa ra.

Theo Điều 36 tại dự thảo Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lập tài khoản để tạm quản lý kinh phí bảo trì. Trong thời hạn 7 ngày kể từ khi Ban quản trị hoạt động, chủ đầu tư có trách nhiệm chuyển giao kinh phí bảo trì đã thu của người mua, thuê mua và kinh phí bảo trì mà chủ đầu tư phải nộp đối với phần diện tích giữ lại không bán, không cho thuê mua hoặc chưa bán chưa cho thuê mua cho ban quản trị nhà chung cư. Kỳ hạn tiền gửi và chủ tài khoản quản lý kinh phí bảo trì do một người đứng tên hoặc đồng chủ tài khoản đứng tên.

Trường hợp chủ đầu tư không bàn giao hoặc bàn giao không đầy đủ, không đúng hạn kinh phí bảo trì thì UBND cấp tỉnh nơi có nhà chung cư thực hiện cưỡng chế.

Tại buổi hội thảo đại diện các chủ đầu tư và cả ban đại diện của cư dân cũng bày tỏ lo lắng về việc Ban quản trị tòa nhà sẽ tự ý chi tiêu quỹ bảo trì tòa nhà, trong khi số quỹ này ở một số tòa nhà rất lớn, lên tới vài chục tỷ đồng.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, khẳng định về nguyên tắc “tiền của ai người đó quản”, số tiền này vẫn sẽ giao cho Ban quản trị nhà chung cư. Tuy nhiên, để đảm bảo cho việc sử dụng số tiền này đúng mục đích, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư lần này quy định rất cụ thể, chặt chẽ về việc chi tiêu tài chính của Ban quản trị. 

Trong đó, đảm bảo có đủ các loại giấy tờ chứng minh theo quy định thì ngân hàng nơi Ban quản trị mở tài khoản mới cho phép rút tiền. Hội nghị nhà chung cư cũng sẽ quyết định với số tiền bao nhiêu thì Ban quản trị sẽ được rút tiền mặt để chi trả, từ mức bao nhiêu thì sẽ phải chuyển khoản cho các đơn vị.

Ông Khởi cũng cho biết, tài khoản quỹ bảo trì sẽ do Ban quản trị đứng tên, số lượng người đứng tên chủ tài khoản (1, 2 hay 3 người trong Ban quản trị) sẽ do Hội nghị nhà chung cư bàn bạc và quyết định. Liên quan đến hoạt động của Ban quản trị, ông Khởi cho biết, trong quy định về biểu quyết của Ban quản trị, việc rút tiền kinh phí yêu cầu phải đảm bảo 100% thành viên Ban quản trị biểu quyết mới được phép tiến hành.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục