Cư dân khu tập thể Giảng Võ quyết không di dời

(Kinhdoanhnet) - Dù đã có quyết định di dời khẩn cấp, nhưng các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể C8 đơn nguyên III Giảng Võ vẫn chưa thực hiện, bởi theo họ, kết cấu nhà không bị xuống cấp nghiêm trọng như kết luận.

Cư dân khu tập thể Giảng Võ quyết không di dời - Ảnh 1
Cư dân khu tập thể Giảng Võ quyết không di dời.

Chưa xuống cấp như kết luận!

Theo quyết định của UBND Thành phố Hà Nội, ngày 26/8/2014, toàn bộ các hộ dân đang sinh sống tại Khu tập thể C8 đơn nguyên III Giảng Võ phải di dời do tình trạng lún nứt cấp độ D tại khu chung cư này… Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, nhiều hộ dân ở đây vẫn chưa dời đi, bởi họ cho rằng không có tình trạng lún nứt như kết luận.

Những người dân tại khu tập thể này vẫn sinh hoạt, buôn bán bình thường khi quyết định di dời của UBND Thành phố Hà Nội có hiệu lực. Tự nhận là hộ gia đình nghèo nhất của khu dân cư này, bà Trần Thị Sâm đã dẫn phóng viên vào từng góc của căn nhà để giãi bày rằng nhà bà không hề nứt lún. 

Không đồng tình di dời là ý kiến của hầu hết các hộ dân tại Khu tập thể C8, đơn nguyên III Giảng Võ mà nguyên nhân được người dân ở đây đưa ra là ngoài hệ thống cầu thang xuống cấp đã được gia cố chắc chắn bằng khung thép, trong nhà không hề xảy ra lún nứt như một số phương tiện thông tin đại chúng đã nêu trong thời gian qua.

Ông Hoàng Văn Nhâm hiện nay đang sống tại phòng 216, đơn nguyên 3 nhà C8 - nguyên tổ trưởng tổ 36 phường Giảng Võ cho biết, thực tế cho thấy đơn nguyên 3 chỉ bị xuống cấp phần cầu thang. Đầu tháng 7/2013 thành phố đã yêu cầu cơ quan chức năng cho gia cố khung thép chịu lực toàn bộ khu vực cầu thang nên đến nay công trình vẫn được sử dụng ổn định và an toàn, không xuất hiện các vết nứt mới.

Theo ông Nhâm, khó hiểu ở chỗ, trong văn bản số 160 ngày 15/10/2013 Viện Khoa học Công nghệ và Kinh tế Xây dựng Hà Nội gửi Sở Xây dựng và UBND quận Ba Đình có nêu: Năm 2007 theo đánh giá của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn bộ nhà C8 ở cấp độ C. Nhưng đến tháng 6/2013, Viện này lại đánh giá đơn nguyên 3 nhà C8 nguy hiểm cấp độ D, đơn nguyên 1 và 2 cấp độ B. Như vậy theo thời gian, 2 đơn nguyên 1 và 2 không những không bị xuống cấp mà còn... tốt lên!

 Đi mà không biết ngày về

Ông Nhâm cũng cho biết, hiện các cơ quan chức năng chỉ đề cập đến vấn đề di dời người dân ra khỏi đơn nguyên 3 nhà C8 mà chưa đề cập đến phương án cải tạo toàn bộ nhà C8 cũng như phương án tái định cư cho các hộ dân nơi đây. Đến thời điểm hiện tại, các hộ dân cũng chưa biết đơn vị chủ đầu tư dự án là ai, công trình sẽ được xây dựng trong bao lâu và khi nào thì người dân được quay trở lại... “Trong trường hợp nhà C8 đã thực sự xuống cấp đến mức nguy hiểm phải xây dựng lại thì nguyện vọng của người dân là được tái định cư tại chỗ”, ông Nhâm đề nghị.

Còn theo bà Nghiêm Thị Duyện, 80 tuổi sống tại phòng 217 nhà C8 Giảng Võ, cách đây không lâu, các hộ dân nhận được thông báo sẽ chuyển về khu đô thị mới Pháp Vân - Tứ Hiệp. Khu đô thị này cách xa nơi người dân đang sinh sống hơn 12km nên rất bất tiện cho sinh hoạt, đặc biệt là việc học hành của các cháu, khi mà năm học mới sắp đến gần. Mong muốn trước mắt của các hộ dân là Bộ Xây dựng cần chỉ định một đơn vị độc lập tiến hành thẩm định lại chất lượng đơn nguyên 3 nhà C8 Giảng Võ theo đúng trình tự, thủ tục quy định có sự chứng kiến của các cơ quan chức năng và người dân sống tại đây.

Băn khoăn của các hộ dân sống tại tại đây không phải là không có sơ sở. Để đảm bảo cuộc sống của người dân, tránh phát sinh những bức xúc không đáng có, thành phố cần sớm chỉ đạo các đơn vị liên quan nhanh chóng kiểm tra, giải đáp thắc mắc của các hộ dân, nhằm tạo cho họ niềm tin và sự đồng thuận trong việc giải quyết các vấn đề liên quan đến nhà C8 Giảng Võ.

Thuỳ Dương - (Tổng hợp theo VTV, ANTĐ).

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục