Hà Nội: Hàng loạt dự án 'đắp chiếu' trên 'đất vàng'

Những dự án “đắp chiếu” hàng thập kỷ khiến tài nguyên đất bị lãng phí, dẫn đến tình trạng nhiều hộ dân "đi không nỡ, ở chẳng xong" do dự án treo là câu chuyện nhức nhối tại Hà Nội nhiều năm qua.

Thực tế hiện nay trên địa bàn Hà Nội có hàng loạt dự án “ôm đất” cả thập kỷ nhưng chủ đầu tư vẫn chưa triển khai. Thậm chí nhiều dự án chủ đầu tư không thực hiện mà cho thuê sử dụng đất trái mục đích gây bức xúc cho người dân.

Hà Nội: Hàng loạt dự án 'đắp chiếu' trên 'đất vàng' - Ảnh 1
Khu đất dự án BV Đa khoa Quang Trung.

Điển hình phải kể đến là dự án Bệnh viện Đa khoa Quang Trung (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) đã chậm gần 8 năm so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư được phê duyệt. Theo Sở TN&MT , việc dự án chậm thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư có nguyên nhân chính do Công ty CP Bệnh viện Đa khoa Quang Trung không chứng minh được năng lực và không bố trí được nguồn kinh phí để triển khai. Do vậy, Sở TN&MT đã có đề xuất UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư lập hồ sơ thu hồi dự án.

Hà Nội: Hàng loạt dự án 'đắp chiếu' trên 'đất vàng' - Ảnh 2
Khu đất của dự án khu đô thị mới Thịnh Liệt được sử dụng làm bãi đỗ xe.

Cũng nằm trên địa bàn quận Hoàng Mai, dự án Khu đô thị mới Thịnh Liệt với trên 35 ha có quyết định của UBND TP. Hà Nội thu hồi đất từ năm 2004 giao cho Tổng Công ty Licogi làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay, sau 14 năm, dự án vẫn dậm chân tại chỗ, khiến hàng trăm hộ dân trong diện bị thu hồi đất phải sống trong điều kiện không điện, không nước sạch, không hộ khẩu. Điều đáng nói, gần đây người dân càng bức xúc khi phản ánh tình trạng những phần diện tích đất đã giải phóng mặt bằng lại được cho thuê làm bãi đỗ xe, nhà xưởng, trạm trộn bê tông để kiếm lời.

Hà Nội: Hàng loạt dự án 'đắp chiếu' trên 'đất vàng' - Ảnh 3
Dự án 131 Thái Hà cũng "đắp chiếu" cả chục năm.

Dự án tòa nhà đa năng 131 Thái Hà (do Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Huy Hùng và Công ty Cổ phần Kinh doanh và Xây dựng - Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội làm chủ đầu tư) được khởi công năm 2008, trên khu “đất vàng” có diện tích 6.745m2 ngay mặt đường Thái Hà (Đống Đa, Hà Nội). Dự kiến thời gian hoàn thành dự án là năm 2010, tuy nhiên, sau khi thi công tầng hầm và 11 tầng nổi thì chủ đầu tư tạm dừng thi công cho đến nay. Ngang nhiên hơn, chủ đầu tư còn cho một đơn vị kinh doanh là Siêu thị Minh Hoa thuê 2 tầng để kinh doanh.

Còn tại các ô đất trên hai mặt đường Trần Kim Xuyến thuộc Khu đô thị mới Yên Hòa (Phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) do Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Dân dụng Hà Nội làm chủ đầu tư cũng đã khởi công từ lâu nhưng đến nay hàng loạt nhà xưởng, bãi trông giữ xe, nhà hàng mọc lên trái phép. Đặc biệt, dự án Trường mầm non quốc tế Global tại ô đất C4 Khu đô thị mới Yên Hoà cũng chưa xây dựng do chủ đầu tư Khu đô thị mới Yên Hoà chưa bàn giao đất cho Công ty CP tư vấn và đầu tư giáo dục Toàn Cầu để thực hiện dự án.

Hà Nội: Hàng loạt dự án 'đắp chiếu' trên 'đất vàng' - Ảnh 4
Dự án Twin tower 1152 đường Láng.

Ngoài ra, hàng loạt những cái tên khác như Dự án BIDV Diamond Phạm Hùng (Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam – BIDV - là chủ đầu tư); Dự án Tòa tháp HaBiCo 288 Phạm Văn Đồng (Công ty CP Hải Bình – HABICO - làm chủ đầu tư); Dự án 16 Láng Hạ (Công ty TNHH phát triển Phương Đông làm chủ đầu tư); Dự án Twin Tower 1152 Đường Láng (Công ty cổ phần Tân Phú Long (Công ty Tân Phú Long – Handico 6)… cũng đang “đắp chiếu” trên những mảnh “đất vàng” giữa thủ đô.

Theo quy định, sau 12 tháng từ khi nhận bàn giao đất ngoài thực địa mà nhà đầu tư không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm hơn 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án thì Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ lập hồ sơ, trình thành phố thu hồi đất đã giao. Quy định là vậy nhưng việc thực hiện không hề dễ dàng.

Thực tế, cũng có những dự án chậm tiến độ do thay đổi quy hoạch, hay vướng điều chỉnh chính sách. Theo các chuyên gia, cần xem xét từng trường hợp cụ thể để tạo công bằng cho các doanh nghiệp.
 

Nhằm thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 3/1/2018 của Thủ tướng Chính phủ về chấn chỉnh, tăng cường công tác quản lý đất đai và xây dựng hệ thống thông tin đất đai, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, quận, huyện triển khai thực hiện; theo đó, yêu cầu Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với các sở, quận, huyện, thị xã khẩn trương triển khai, hoàn thành việc điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 trên địa bàn thành phố và các quận, huyện, thị xã, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, thống nhất và khả thi.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu: Rà soát các công trình, dự án đã có quyết định thu hồi đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng còn tồn đọng chưa triển khai thực hiện được (nhất là các dự án, công trình trọng điểm) và các trường hợp có quyết định thu hồi đất từ trước ngày 10/7/2014; làm rõ nguyên nhân và kế hoạch, biện pháp khắc phục để đẩy nhanh tiến độ dự án, sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018. 

Đặc biệt, phải tiến hành tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của các quận, huyện và các đối tượng sử dụng đất; rà soát, đề xuất điều chỉnh hoặc hủy bỏ các dự án, công trình có trong kế hoạch sử dụng đất nhưng đã quá 3 năm chưa thực hiện theo quy định của pháp luật; báo cáo UBND TP trước ngày 30/4/2018.

 

Đình Khang/GD&PL

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục