Hàng trăm dự án tại các đô thị đang bị bỏ hoang

(Kinhdoanhnet) - Đây đang là một thực tế đau lòng mỗi khi kiểm kê quỹ đất dự trữ tại các đô thị. Nó không chỉ khiến cho ngân sách nhà nước bị thất thu mà còn khiến nhiều DN khác có nhu cầu về mặt bằng sản xuất kinh doanh bị ngưng trệ, khiến nhiều hộ dân nằm trong vùng dự án không thể canh tác trên chính thửa đất của mình.

Hàng trăm dự án tại các đô thị đang bị bỏ hoang - Ảnh 1
Lấy đất nông nghiệp giá rẻ rồi phân lô, bán nền, nhiều dự án bất động sản ven đô đang biến những vùng đất nông nghiệp phì nhiêu của Hà Nội thành những vùng đất “chết”.

Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có tới hàng trăm dự án bất động sản lớn nhỏ nằm “chết”, được cấp phép xây dựng nhiều năm mà vẫn bỏ hoang. Tình trạng dự án “chết” tràn lan, trong khi nhu cầu nhà ở và đất trồng cấy còn đó như một nghịch lý nhức nhối. Trên khắp các quận, huyện ven nội thành Hà Nội như Đông Anh, Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng, Hà Đông, Quốc Oai... đang tràn làn các dự án "chết".

Số dự án “chết” nhiều phải kể đến huyện Mê Linh. Hiện địa phương này có khoảng 50 dự án “chết”, quy mô lớn nhỏ từ 10ha đến 100ha. Các dự án này đều đã được giao đất nhiều năm, nhưng đến thời điểm này, các dự án hầu hết đang là “bãi hoang”. Nhiều dự án tập trung ở các xã Tráng Việt, Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm với các dự án quy mô lớn từ vài chục đến vài trăm ha như: Khu đô thị Minh Giang Đầm Và, Phúc Việt, Hà Phong, Tiền Phong, Chi Đông, River land, AIC, Diamond Park New, Cienco 5... Hầu hết các dự án được khởi công từ năm 2008 - 2009, nhưng đến nay qua nhiều năm hạ tầng vẫn dang dở.

Còn tại huyện Hoài Đức, một trong những khu vực giáp danh Hà Nội, nơi từng được xem là điểm nóng nhất về nhà đất đang có vài chục dự án bất động sản trong đó có rất nhiều những dự án cũng hoang tàn như Mê Linh. Theo ban giải phóng mặt bằng huyện Hoài Đức, số lượng dự án nhà ở, khu đô thị nằm trên địa bàn huyện 14 dự án. Tuy nhiên, số dự án đã hoàn thành xong nhà chỉ lác đác vài dự án như Lideco, Bắc An Khánh...Số còn lại đã giải phóng xong mặt bằng từ lâu nhưng các chủ đầu tư không xây dựng. 

Lý giải về hiện tượng này, các chủ đầu tư thường phàn nàn về giá cả đền bù cao, bao gồm cả những chi phí đặc biệt mà họ phải trả cho việc giải phóng mặt bằng. Phần lớn nhất của sự chênh lệch giữa giá đền bù và giá thị trường này được biện minh là chi phí phát triển hạ tầng. Thêm nữa, cơ chế đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư lại chỉ được tiến hành đối với các lô đất nhỏ lẻ, hầu hết các dự án có diện tích được tính bằng héc-ta hiện vẫn được quyết định bằng cơ chế giao đất. Từ đây nảy sinh vô vàn khó khăn cho những người trong cuộc.

Thế nhưng, giá đất không phải là vấn đề duy nhất đáng lo ngại. Mất đất nông nghiệp cho các chủ đầu tư và các dự án xây dựng hạ tầng, người dân không còn phương tiện để sản xuất. Một phần tiền đền bù đều được chi tiêu vào xây dựng nhà và mua sắm. Việc làm không có, cùng lúc, giá đất trong làng tăng cao, người dân bắt đầu phải bán diện tích vườn nằm trong khu đất ở để nhanh chóng có một nguồn vốn. Có tiền trong tay, cộng với những ảnh hưởng tiêu cực của quá trình đô thị hóa, nguy cơ làm suy đồi lớp trẻ khiến nhiều người lo lắng. Và để “chống” lại sự ảnh hưởng này, họ chỉ có thể dựa vào các phong tục như là một bức tường thành bảo vệ.

Những khó khăn này với hộ gia đình làm nông, đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp và có con cái phụ thuộc càng lớn. Do khả năng thích nghi với nghề mới ở các nhà máy ít, nên sự lựa chọn duy nhất của họ là bán dần đất và khi khoản thu nhập này cạn kiệt, họ lại dần bị đẩy sâu hơn vào tình cảnh đói nghèo. Đây là một thực tế của quá trình đô thị hóa mà họ phải đối mặt.

Các chủ đầu tư hiếm khi, có lẽ chính xác hơn là không bao giờ, tính đến những tác động của các dự án của họ lên các làng xung quanh và cố cho rằng việc đền bù sẽ giải quyết được tất cả. Bởi thế, việc đưa các làng vào quá trình quy hoạch các dự án phát triển (dù lẽ ra việc này phải làm sớm hơn) sẽ giúp giảm sự phản đối trong dân chúng và tránh biến các làng có niên đại nhiều thế kỷ với lịch sử và truyền thống độc đáo trở thành những khu nhà ổ chuột của Hà Nội tương lai.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Vietnamnet, Báo Xây Dựng) 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục