Hơn 1.700 dự án đô thị "đắp chiếu"

(Kinhfdoanhnet) - Đó là thông tin được Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra tại Hội thảo Đô thị Hà Nội, 60 năm xây dựng và phát triển 1954 – 2014 vừa diễn ra. Theo đó, ông Phong cho biết: "Cả nước hiện có hơn 1.700 dự án đô thị “đắp chiếu”, trong khi thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu trên 60% dân lao động vốn chỉ thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng". .

Hơn 1.700 dự án đô thị "đắp chiếu" - Ảnh 1
Cả nước hiện có hơn 1.700 dự án đô thị “đắp chiếu”, trong khi thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu trên 60% dân lao động/\.

Thông tin từ ông Phong cho biết, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến năm 2013, cả nước có 8.955 dự án quy hoạch thuộc mọi lĩnh vực ở cấp trung ương lẫn địa phương, với kinh phí lập hơn 6.720 tỷ đồng. Theo kế hoạch lập quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tới năm 2020, cả nước có 19.285 quy hoạch được lập, với tổng kinh phí gần 8.000 tỷ đồng. Trong đó, quy hoạch của xây dựng và đô thị chiếm 63%, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chiếm 22%, quy hoạch sử dụng đất chiếm 15%.

Nhiều quy hoạch sau khi phê duyệt không được thực hiện, hoặc triển khai thực hiện không đúng quy hoạch, song vẫn không bị kiểm tra, giám sát, xử lý và cũng không có đánh giá quy hoạch sau khi hết kỳ quy hoạch. Cả nước hiện có hơn 1.700 dự án đô thị “đắp chiếu”, trong khi thị trường nhà ở giá thấp vẫn chưa đáp ứng cho nhu cầu trên 60% dân lao động vốn chỉ thu nhập dưới 10 triệu đồng/tháng".

Cũng theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tổng nhu cầu vốn đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng các dự án theo quy hoạch cả giai đoạn 2011-2020 là khoảng 5.900 - 6.100 nghìn tỷ đồng, tính theo giá thực tế thì con số này vào khoảng 9.500-9.700 nghìn tỷ đồng. Nếu giữ tỷ lệ đầu tư vào phát triển hạ tầng như hiện nay, thì trong 10 năm, tổng mức đầu tư chỉ là 5.300-5.350 nghìn tỷ đồng tính theo giá thực tế.

Con số đó mới đáp ứng được 50% nhu cầu vốn đầu tư theo quy hoạch…Trong bối cảnh đó, Hà Nội đã và sẽ tiếp tục thông qua hàng loạt quy hoạch phát triển đủ loại cấp độ, ngành, lĩnh vực. Điều này đã tạo nên nhiều ý kiến trái chiều nhau, tồn tại trong cả thời gian dài, phàn nàn về một số hạn chế và bất cập trong chất lượng một số quy hoạch phát triển thủ đô. "Dù bỏ qua những điều trên, vẫn có thể khẳng định rằng nhu cầu vốn và nguy cơ mất cân đối vốn đầu tư nói chung, vốn triển khai các quy hoạch phát triển nói riêng trên địa bàn Thủ đô là có thật và không dễ tìm lời giải tối ưu…", TS. Nguyễn Minh Phong nhận định. 

Sở Xây dựng TPHCM cũng cho biết, hiện thành phố có khoảng 600 dự án bất động sản (BĐS) sau khi xin giấy phép xây dựng đã bị “phơi sương” triền miên theo năm tháng. Đơn cử như dự án Khu đô thị Đông Tăng Long (Q.9) do TCty Đầu tư phát triển nhà và đô thị (HUD) làm chủ đầu tư. Với diện tích hơn 159 ha, dự án được khởi công từ năm 2005 và từng được coi là dự án trọng điểm của Q.9. Tuy nhiên, dù đã được đầu tư hạ tầng nhưng đến nay, dự án vẫn chỉ là một khu đất trống bạt ngàn cỏ hoang, lác đác vài căn nhà xiêu vẹo mọc lên. Dự án Đảo Kim Cương tại Q.2 cũng được thành phố dành cho một diện tích đất khá tốt để triển khai các hạng mục đầu tư từ nhiều năm qua, nhưng đến nay chủ đầu tư cũng chỉ hoàn thành một block chung cư, còn nhiều diện tích đất đang bị bỏ hoang rất lãng phí. 

Không riêng gì các dự án tại khu vực ngoại thành, tại các quận thuộc trung tâm thành phố, nhiều dự án “vang bóng một thời” vẫn ngủ mê mệt. Một khối tài sản lớn của chủ đầu tư và khách hàng đang chôn vùi tại các dự án này, gây nên một sự lãng phí lớn. Đơn cử như dự án Kenton Residences do Cty TNHH XD - SX - TM Tài Nguyên làm chủ đầu tư nằm trên trục đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiểng, huyện Nhà Bè. Đây là một dự án có vị trí khá đắc địa. 

Tuy nhiên, với việc đi bước đi sai về chiến lược kinh doanh đã khiến chủ đầu tư trả giá nặng nề. Dự án bán không được vì vấp phải sự cạnh tranh khốc liệt của các dự án giá thấp hơn ở cùng vị trí. Chủ đầu tư cạn vốn. Dự án từng một thời được mệnh danh là "thiên đường nhiệt đới" này nay lâm vào cảnh vắng bóng người. Từ năm 2011 đến nay, dự án này đã gần như ngừng thi công. Đặc biệt, tại các hạng mục còn dang dở, sắt thép đã han gỉ, cỏ mọc um tùm. Mỗi khi đêm về, dự án không khác gì ngôi nhà hoang giữa lòng khu đô thị mới.

Bản danh sách vẫn còn một số dự án khác dừng thi công hoặc thi công cầm chừng như: M&C Tower (Q.1), Waseco-Indochina Plaza (Tân Bình), Blue Star Block 1 (Phú Xuân, Nhà Bè), Song Da Riverside (P.Hiệp Bình Phước, Q.Thủ Đức), Ngọc Đông Dương (Q.Bình Tân), 584 Lilama Nguyễn Oanh (Gò Vấp)... Nhiều dự án ở Nhà Bè, Q.2, Q.7, Q.8... cũng trong tình trạng tương tự.

Để siết lại tình trạng “đắp chiếu” dự án này, mới đây, UBND TPHCM cho biết sẽ siết chặt hơn trong việc áp dụng Nghị định 43/2014/NĐ-CP, trong đó có quy định buộc các chủ đầu tư phải ký quỹ trước khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư BĐS, áp dụng không chỉ ở lĩnh vực kinh doanh nhà ở, văn phòng cho thuê mà cả lĩnh vực đầu tư hạ tầng khu công nghiệp. 

Theo ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, dự án có vốn càng cao thì số tiền ký quỹ sẽ càng lớn, sao cho tương ứng. Đồng thời, chủ đầu tư phải có bản cam kết tiến độ thực hiện dự án hết sức rõ ràng. Nếu dự án nào không triển khai đúng tiến độ thì dứt khoát sẽ bị mất tiền ký quỹ, buộc trả lại giấy chứng nhận đầu tư để thành phố kêu gọi NĐT có đủ năng lực thực hiện. Giải thích về quy định này, ông Nguyễn Hữu Tín cho biết, đây không phải là chuyện thành phố tạo ra chế tài nhằm gây khó cho NĐT mà để tạo cơ hội bình đẳng cho mọi thành phần kinh tế. Ngoài việc áp dụng các quy định trên, UBND TPHCM đã giao nhiệm vụ cho Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường rà soát triệt để các dự án đã xin giấy phép từ nhiều năm nay nhưng vẫn chưa xây dựng xong để xử lý thu hồi hoặc hỗ trợ chủ đầu tư tiếp tục triển khai tùy theo từng trường hợp.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Diễn Đàn Đầu Tư, Lao động).

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục