Mức gửi tiết kiệm hàng tháng cho người mua NOXH nên ở mức dưới 1 triệu đồng

(Kinhdoanhnet) - Đó là kiến nghị của Hiệp hội BĐS TP. HCM nhằm tạo điều kiện cho người mua nhà ở xã hội trước quy định về điều kiện phải gửi tiết kiệm để được vay vốn ưu đãi mua, thuê mua nhà ở xã hội.

Mức gửi tiết kiệm hàng tháng cho người mua NOXH nên ở mức dưới 1 triệu đồng  - Ảnh 1
Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay.

Theo Khoản 2 điều 74 Luật Nhà ở 2014 đã quy định: "Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định", có thể hiểu là sau thời gian tối thiểu 12 tháng đã gửi tiết kiệm thì hộ gia đình, cá nhân mới đạt được điều kiện để vay vốn ưu đãi (gửi tiết kiệm trước). 

Tuy nhiên, tại khoản 5 điều 13 Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ đã quy định: "Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng Chính sách xã hội hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay", lại có thể hiểu là hộ gia đình, cá nhân phải gửi tiết kiệm kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng (gửi tiết kiệm sau), nên tại mục (3.a) văn bản 2526/NHCS-TDSV ngày 27/07/2016 của Ngân hàng Chính sách xã hội đã quy định người vay vốn phải đáp ứng đủ các điều kiện, trong đó có điều kiện "phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng tại Ngân hàng Chính sách xã hội với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Chính sách xã hội" (gửi tiết kiệm sau). 

Về vấn đề này, Hiệp hội BĐS TP. HCM kiến nghị, người có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội có thể chọn thực hiện việc gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ thời điểm hiện nay, hoặc có thể chọn gửi tiết kiệm hàng tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng để mua, thuê mua nhà ở xã hội; 

Bên cạnh đó, Hiệp hội cũng cho rằng, thời hạn gửi tiết kiệm 12 tháng là đủ điều kiện về việc phải gửi tiết kiệm nếu muốn mua, thuê mua nhà ở xã hội và mức lãi suất tiết kiệm bằng mức lãi suất tiết kiệm bình thường đối với các khoản tiền gửi trên 12 tháng theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, hợp lý hơn mức lãi suất do Ngân hàng Chính sách xã hội đề nghị, để khuyến khích người tiêu dùng tham gia tạo thêm nguồn lực thực hiện chính sách nhà ở xã hội (Tại văn bản số 2510/NHCS-TDSV ngày 26/07/2016 gửi Văn phòng Chính phủ, và Hiệp hội Bất động sản thành phố Hồ Chí Minh, "Ngân hàng Chính sách xã hội đã báo cáo và trình cấp có thẩm quyền quyết định lãi suất tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu vay vốn nhà ở xã hội bằng lãi suất cho vay nhà ở xã hội cho từng thời kỳ". Ghi chú: Theo Quyết định số 1013/QĐ-TTg ngày 06/06/2016 quy định lãi suất cho vay ưu đãi năm 2016 áp dụng tại Ngân hàng Chính sách xã hội là 4,8%/năm). 

Về mức gửi tiết kiệm, theo Hiệp hội BĐS, Ngân hàng Chính sách xã hội quy định khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi phải thực hiện gửi tiết kiệm với "Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn". Quy định này sẽ dẫn đến mức gửi tiết kiệm khác nhau do giá mua nhà ở xã hội khác nhau. Hơn nữa, trường hợp người gửi tiết kiệm chưa đến lượt được mua nhà ở xã hội (do cung không đáp ứng đủ nhu cầu) thì sẽ không xác định được "mức trả nợ hàng tháng" để gửi tiền tiết kiệm. 

Do vậy, Hiệp hội đề nghị cần quy định một mức gửi tiền tiết kiệm nhà ở xã hội hàng tháng mà mọi đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội đều thực hiện như nhau. 

Ngoài ra, quy định này còn có điểm bất hợp lý là mức gửi tiết kiệm hàng tháng cao, bên cạnh đó người vay còn phải trả lãi vay hàng tháng trong năm đầu chưa phải trả nợ gốc, và trước đó đã phải trả 20% giá trị hợp đồng mua nhà ở xã hội, thì toàn bộ chi phí hàng tháng sẽ là gánh nặng cho người vay ưu đãi (Ví dụ: Vay 600 triệu đồng, lãi suất 5%/năm trong 15 năm. 

Nếu "mức trả nợ hàng tháng" được ân hạn trong năm đầu chưa trả nợ gốc thì chỉ trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, và mức gửi tiết kiệm sẽ là khoảng 2,5 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 5 triệu đồng/tháng; Nếu "mức trả nợ hàng tháng" được tính bao gồm cả trả lãi và nợ gốc thì khoảng 5,8 triệu đồng (trả lãi khoảng 2,5 triệu đồng, trả nợ gốc khoảng 3,3 triệu đồng), nên mức gửi tiết kiệm sẽ lên đến khoảng 5,8 triệu đồng, tổng cộng phải chi khoảng 8,3 triệu đồng/tháng rất nặng cho người vay ưu đãi).

Hiệp hội đề nghị Ngân hàng Chính sách xã hội xem xét nên ấn định mức gửi tiết kiệm nhà ở xã hội cố định hàng tháng có thể ở mức 500.000 đồng hoặc không quá 1 triệu đồng thì phù hợp hơn với khả năng tài chính của người vay.

Mai Phương

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục