"Ngâm" sổ đỏ 1 năm, CĐT sẽ bị phạt lên tới 1 tỷ đồng!

(Kinhdoanhnet) - Đó là quy định trong Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ ban hành. Theo Nghị định, tùy mức độ vi phạm, đối tượng có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai sẽ bị phạt từ 500 nghìn đồng đến 1 tỷ đồng.

"Ngâm" sổ đỏ 1 năm, CĐT sẽ bị phạt  lên tới 1 tỷ đồng! - Ảnh 1
"Ngâm" sổ đỏ 1 năm, CĐT sẽ bị phạt lên tới 1 tỷ đồng!

Theo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai vừa được Chính phủ ban hành, có hiệu lực từ 25/12/2014, thì tổ chức được Nhà nước giao đất xây dựng nhà ở để bán nhận trách nhiệm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận cho người mua nhà ở, người nhận quyền sử dụng đất ở mà chậm làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận kể từ ngày bàn giao nhà ở, đất ở thì hình thức và mức xử phạt.

Cụ thể, nếu chậm làm thủ tục từ 3-6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10-30 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; phạt tiền từ trên 30-50 triệu đồng đối với trường hợp làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 50-100 triệu đồng.

Trường hợp chậm làm thủ tục từ trên 6-9 tháng, phạt tiền từ trên 30-50 triệu đồng đối với trường hợp làm chậm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; phạt tiền từ trên 50-100 triệu đồng đối với trường hợp làm chậm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 100-300 triệu đồng.

Từ trên 9-12 tháng, đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân sẽ bị phạt tiền từ trên 50-100 triệu đồng; phạt tiền từ trên 100-300 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 300-500 triệu đồng.

Trường hợp trên 12 tháng trở lên sẽ bị phạt tiền từ trên 100-300 triệu đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho dưới 30 hộ gia đình, cá nhân; đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 30 đến dưới 100 hộ gia đình, cá nhân thì sẽ bị phạt tiền từ 300-500 triệu đồng; phạt tiền từ trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng đối với trường hợp chậm làm thủ tục cho từ 100 hộ gia đình, cá nhân trở lên.

Nghị định nêu rõ, đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Qua rà soát kiểm tra từ đầu năm 2014 đến nay, Sở TN-MT Hà Nội đã hướng dẫn thủ tục và cấp “sổ đỏ” cho 36.110 căn, còn lại 76.040 căn đang trong tình trạng nợ “sổ đỏ” kéo dài nhiều năm, trên tổng số 370 dự án nhà ở tương đương 216.580 căn chung cư.

Được biết, trong thời gian tới, Bộ TN-MT sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng thanh tra 55 dự án. Trên cơ sở đó sẽ có phương án xử lý thích đáng, nghiêm khắc, xử phạt hành chính thật nặng đối với trường hợp chủ đầu tư chây ì, nợ sổ đỏ.

Trên thực tế, việc người dân bị "làm khó' khi tiến hành sang tên, làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất từng được nhiều lần phản ánh. Gần đây nhất khi Ủy ban thường vụ Quốc hội họp ngày 29/9, đại biểu Sỹ Cương cho hay, theo nghị quyết của QH, Hà Nội phải giải quyết việc cấp sổ đỏ lần đầu tỷ lệ tối thiểu 85% nhưng không hoàn thành. Có rất nhiều dự án người mua nhà đã thanh toán đầy đủ, chủ đầu tư đã bàn giao cho người sử dụng hàng năm nay nhưng không thấy nói gì đến sổ đỏ.

"Theo người dân thì nguyên nhân căn bản nhất dẫn tới việc cấp sổ đỏ chậm trễ phần lớn do tiêu cực, nhũng nhiễu", đại biểu Cương nói thẳng. Sau đó ông phản ánh việc cấp sổ đỏ tại các dự án nhiều năm không làm riêng lẻ từng trường hợp đối với các dự án chung cư mà phải làm từng tòa nhà thông qua chủ đầu tư. Lợi dụng việc này, chủ đầu tư đã phổ biến phải nộp 8 triệu đồng mới được làm nhanh sổ đỏ.

"Vì họ đòi tiền quá cao nên nhiều người dân không có điều kiện, người ta xót xa không nộp và kết quả là những người nộp phí bôi trơn thì đã được cấp, những người khác thì không biết đến bao giờ. Điều đáng nói là phí bôi trơn này chỉ nói miệng và thu tiền không có biên lai, biên nhận gì cả", đại biểu Cương nêu rõ vấn đề.

Từ thông tin này ngay sau đó UBND Thành phố Hà Nội đã vào cuộc để "truy" thông tin về tình trạng "bôi trơn" này nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả chính thức. Trên nhiều diễn đàn các nhà quản lý của thành phố cho rằng không có hiện tượng "bôi trơn" làm sổ đỏ nhưng rải rác các nguồn tin người dân vẫn đang tiếp tục hé lộ những thông tin liên quan đến hiện tượng này.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Vietnamnet, Đất Việt)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục