Nhà tái định cư còn quá nhiều bất cập!

(Kinhdoanhnet) - Trong những năm qua, TP.Hà Nội đã quan tâm tới công tác đầu tư xây dựng và quản lý quỹ nhà TĐC để phục vụ cho công tác giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tuy nhiên, so với nhu cầu, quỹ nhà tại định cư luôn trong tình trạng thiếu và kém chất lượng không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Nhà tái định cư còn quá nhiều bất cập! - Ảnh 1
Dưới chân tòa nhà NO6 tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp, rác thải lưu cữu khiến tòa nhà trông như bỏ hoang lâu ngày.

Vừa yếu!...

Hiện nay, trên toàn TP Hà Nội có 155 tòa nhà tái định cư, trong đó có nhiều tòa nhà đang ở tình trạng xuống cấp trầm trọng mà không hề được bảo trì, sửa chữa gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân tại các khu này.

Chuyện nhà xuống cấp ở khu tái định cư Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội, không mới, vì đã được nói rất nhiều trên báo. Những người dân ở khu chung cư này, lâu nay vẫn ôm nguyên bức xúc vì tình trạng xuống cấp quá nhanh của khu nhà. Và họ đã bỏ rất nhiều công sức tiền của để sửa chữa, nhằm để có một chỗ ở khang trang hơn, sạch sẽ hơn. Nhưng cho tới nay tình hình vẫn không khá hơn là mấy. Được đưa vào sử dụng từ năm 2006, tới nay hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, vỉa hè, cầu thang máy... nơi đây đã bị xuống cấp, hư hỏng nặng.

Bà Đỗ Ngọc Ly chủ một căn hộ thuộc tòa nhà cao tầng N06 cho biết: Gia đình bà chuyển tới khu nhà ở tái định cư này từ năm 2007. Lúc mới dọn đến thì đã thấy toàn bộ khu nhà này bị sụt lún ở phần nền, móng cũng bị nứt nẻ. “Mọi người ở đây ai cũng than vì chất lượng công trình các tòa nhà. Chúng tôi trước đây ở khu vực Ngã Tư Sở. Chuyển về đây sống mà nhà không ra nhà, cửa không ra cửa. Không hiểu còn tình trạng này tới bao giờ? Hiện nay các cơ quan chức năng cũng đã cho người xuống để sửa chữa. Nhưng với tình trạng sụt lún như thế này thì không hiểu sửa như nào, tới bao giờ mới có thể yên tâm sinh sống?

Các dãy nhà cao tầng của khu tái định cư đều đã bị nứt, lún ở nhiều vị trí. Có nhiều điểm trở thành những cái hố sâu, những vết nứt chạy dài bao quanh cả tòa nhà. Thậm chí có những nơi còn trơ cả tường nhà cách nền đất đến mấy chục cm. Nếu đúng theo kỹ thuật thì dưới tường nhà này phải có phần móng để đỡ, đằng này thì… chẳng có gì cả.

Cũng trong tình trạng tương tự là tòa nhà tái định cư NO6 tại khu đô thị Pháp Vân - Tứ Hiệp. Tòa nhà NO6 được xây dựng theo diện nhà tái định cư từ năm 2004 và đến nay thể hiện rõ thiếu vắng sự quản lý, bảo trì, tu sửa. Tường tróc sơn, lở mốc, vữa rơi bong tróc tại đây từ lâu đã không còn là mối quan tâm chính của người dân, vì còn nhiều hệ lụy khác khiến cuộc sống khó khăn, chật vật hơn. Những người sống ở NO6 Pháp Vân - Tứ Hiệp cũng đang mong được đến một nơi có cơ sở hạ tầng tốt hơn chỗ ở hiện tại. 

15 năm kể từ khi nhận bàn giao nhà, đến nay, các hộ dân vẫn phải tự túc nước sinh hoạt, bằng cách mua của tòa nhà đối diện 8.800 đồng/m3, thực chất là đội lên tới gần 11.000 đồng/m3 khi phải cộng thêm chi phí rò rỉ, thuê người thu tiền. Nguyên nhân là từ khi bàn giao nhà, đơn vị quản lý đã không ký hợp đồng với doanh nghiệp cung cấp nước sạch.

Nhìn nhận về chất lượng nhà ở TĐC, Sở Xây dựng Hà Nội đã đưa ra một đánh giá chung rằng: chất lượng quỹ nhà TĐC còn nhiều hạn chế. Các khu nhà TĐC chưa được quy hoạch chi tiết, đồng bộ, hạ tầng kỹ thuật chưa gắn liền với hạ tầng xã hội như nhà trẻ, trường học, chợ khu vui chơi, giải trí… Việc phân bổ các địa điểm TĐC chưa đáp ứng được yêu cầu bố trí, sắp xếp lại dân cư hợp lý.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh, về lý thuyết, các khu TĐC phải là một đơn vị ở hoàn chỉnh đầy đủ cả về thương mại, giáo dục, dịch vụ, cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, trên thực tế, hầu như không dự án TĐC nào đáp ứng đầy đủ được các điều kiện trên. Việc bố trí các nơi TĐC xa nơi cư trú cũ còn khiến người dân bị tách xa địa bàn mưu sinh, không có việc làm, không còn nguồn thu nhập. Điều này dẫn đến hệ quả là chất lượng sống của người dân TĐC thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung, nhiều vấn đề bức xúc nảy sinh.

Nguyên nhân của tình trạng trên là do lâu nay, các khu nhà TĐC của chúng ta đều xây dựng theo cơ chế bao cấp. Khi xây xong, dù chất lượng thế nào cũng được nghiệm thu và đưa vào sử dụng. Ngoài ra, hầu hết các khu nhà TĐC không có chủ quản lý đích thực sau khi đưa vào sử dụng. Chủ đầu tư chỉ xây dựng công trình, sau đó bàn giao cho Công ty Quản lý và Phát triển nhà quản lý vận hành. Như vậy, chủ đầu tư gần như không còn trách nhiệm trong việc bảo đảm chất lượng công trình trong suốt quá trình sử dụng. “Do vậy, tình trạng thất thoát vật liệu, chất lượng nhà ở yếu, kém là điều khó tránh khỏi. Đó cũng chính là lý do vì sao chất lượng các khu nhà kinh doanh lại hơn hẳn các khu TĐC”, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh nhấn mạnh.

... Vừa thiếu!

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Thị Vinh, Tổng thư ký Hiệp hội các đô thị Việt Nam cho biết, theo thống kê chưa đầy đủ, kể từ năm 2000 đến nay, để phục vụ cho các dự án phát triển mở rộng Thủ đô, TP.Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở TĐC với trên 20.000 căn hộ. Trong đó, mới hoàn thành 12.000 căn hộ và đưa vào sử dụng gần 11.000 căn hộ

Chỉ tính riêng năm 2014, để phục vụ cho các dự án đang và sẽ triển khai, Hà Nội cần 6.500 căn hộ để bố trí chỗ ở cho người dân nhưng dự kiến đến cuối năm, quỹ nhà này cũng chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Dự tính, tổng số vốn để xây dựng nhà TĐC của Hà Nội lên đến 46.000 tỷ đồng.

Nguyên nhân chính gây ra tình trạng thiếu quỹ nhà TĐC tại Hà Nội là do một số chủ đầu tư các dự án TĐC không thực hiện đúng tiến độ đã cam kết. Lý do gây ra sự chậm trễ này, lãnh đạo một doanh nghiệp đang triển khai xây dựng dự án nhà TĐC tại Hà Nội cho hay, doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà TĐC theo chỉ định của Thành phố, vừa bị khống chế về lợi nhuận, lại vừa không được hưởng ưu đãi về tiền sử dụng đất, trong khi chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội lại được miễn tiền sử dụng đất và miễn, giảm nhiều loại thuế khác. Hơn nữa, với việc được miễn tiền sử dụng đất và giảm nhiều loại thuế, thì giá nhà ở xã hội sẽ thấp hơn từ 10-20% so với nhà TĐC, nên nhà TĐC cũng khó cạnh tranh với nhà ở xã hội.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Thanh niên, VTV, Báo Công Thương)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục