Nhiều đại gia sụt giảm lợi nhuận khó bán căn hộ

Lợi nhuận của Hòa Phát, Tasco và nhiều đại gia trong lĩnh vực BĐS khác sụt giảm trong năm 2018 vì khó bán căn hộ.

Dự báo nhiều doanh nghiệp không đạt kế hoạch 2018

Bản tin chứng khoán của Công ty CP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ngày 10/10/2018 cho biết, lợi nhuận Quý III/2018 của Tập đoàn Hòa Phát (mã CK: HPG) hạ 4% so với dự báo lợi nhuận năm 2018.

Nguyên nhân được xác định là do tiến độ bán hàng tại dự án Mandarin Garden 2 (P. Tân Mai, Q. Hoàng Mai, TP. Hà Nội) do Tập đoàn Hòa Phát làm chủ đầu tư chậm hơn dự kiến và việc lùi hoạt động dây chuyền tôn mạ so với kế hoạch ban đầu.

BVSC cũng bày tỏ lo ngại về triển vọng mảng tôn mạ và ống thép hiện tại không khả quan như dự kiến, khi giá tôn Trung Quốc bán tại Việt Nam mặc dù đã bị áp thuế nhưng vẫn thấp hơn khoảng 7% so với giá tôn nội địa.

Nhiều đại gia sụt giảm lợi nhuận khó bán căn hộ - Ảnh 1
Tập đoàn Hòa Phát đang gặp khó tại dự án Mandarin Garden 2.

Trong khi đó, nguồn cung đang dư thừa do các doanh nghiệp đầu ngành tăng mạnh công suất giai đoạn 2017-2018, kết hợp cùng việc bị chống bán phá giá ở nhiều nước trên thế giới khiến triển vọng ngành tôn mạ kém khả quan.

Ngoài ra, tăng trưởng ống thép có dấu hiệu chậm lại và có thể đi vào trạng thái ổn định thay vì tăng trưởng nóng như 5 năm về trước. Chính vì thế BVSC dự báo lợi nhuận của Tập đoàn Hòa Phát sẽ giảm tới 10% vào năm 2019.

Trong tháng 9/2018, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài bất ngờ bán cổ phiếu của Công ty CP Tasco (Mã CK: HUT), trong thời gian này doanh thu, lợi nhuận của Tasco đang “rủ nhau” lao dốc.

Cụ thể 6 tháng đầu năm 2018, doanh thu HUT đạt 598,3 tỷ đồng; giảm 42,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó lợi nhuận đạt được là 41,2 tỷ đồng; giảm tới hơn 77%.

Theo Tasco, nguyên nhân khiến tình hình kinh doanh ảm đạm chủ yếu do doanh thu bất động sản giảm mạnh (giảm gần 62%).

Sự sụt giảm ở lĩnh vực này bắt đầu từ năm 2017, kéo dài sang tới quý 2/2018.

Nhiều đại gia sụt giảm lợi nhuận khó bán căn hộ - Ảnh 2
Thị trường chung cư tại Việt Nam đang dự báo có nhiều khó khăn.
Cạnh tranh khốc liệt giai đoạn cuối năm

Thời điểm cuối năm 2018 chứng kiến nhiều ông lớn trên thị trường BĐS tiếp tục bung hàng, nhắm vào phân khúc căn hộ cao cấp như TTC Land, Hưng Thịnh, Phú Long như Charmington Iris (quy mô 1.400 căn hộ), Urban Hill (mở bán tiếp 164 căn hộ), Dragon Hill Premier Nam Sài Gòn (mở bán tiếp 400 căn hộ), Saigon Riverside Complex (quy mô 3.000 căn hộ).

Tập đoàn Đại Phúc có kế hoạch tung ra thị trường 2 block chung cư của dự án Vạn Phúc City tại quận Thủ Đức, Hà Đô Group phát triển dự án chung cư hơn 1.000 căn tại quận 8 vào những tháng cuối năm nay…

Theo báo cáo của Savills, tính đến quý III/2018, tổng nguồn cung sơ cấp toàn thị trường Hà Nội đạt 27.380 căn hộ, tuy nhiên số căn bán được chỉ đạt 6.300 căn.

Như vậy, tồn kho trên thị trường Hà Nội là gần 21.000 căn hộ. Trong quý IV/2018 sẽ có khoảng 4.500 căn hộ được tung ra thị trường.

Chính điều này đã tạo ra cuộc cạnh tranh vô cùng lớn tại thị trường BĐS vào thời điểm cuối năm.

Ông Vũ Văn Phấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây Dựng khẳng định những tháng cuối năm 2018 sẽ không có biến động lớn.

Cụ thể, ông Phấn cho biết, ở phân khúc căn hộ chung cư nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp trong năm tới sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt tại các khu vực đô thị phát triển. Tuy nhiên, thị trường sẽ có sự phân hóa về khả năng tiêu thụ theo từng phân khúc..

"Trong năm 2018, khả năng vẫn tiếp tục thừa nguồn cung căn hộ trung và cao cấp, thiếu căn hộ bình dân. Sản phẩm thuộc phân khúc bình dân của các chủ đầu tư uy tín dự báo có khả năng thanh khoản cao; các sản phẩm cao cấp dự báo lượng giao dịch sẽ chững lại. Ở một số khu vực, giá bán bất động sản dao động nhẹ trong từng phân khúc", ông Phấn khẳng định.

Tiến Hoàng/Đất Việt

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục