Novaland - Á quân địa ốc Sài Gòn vẫn còn những rủi ro?

(Kinhdoanhnet) - Giữ vị trí Á quân về lượng giao dịch tại thị trường TP. Hồ CHí Minh, nhưng Novaland vẫn đối diện với những rủi ro, khiến doanh nghiệp này đang phải có những điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh.

Phát triển quá nóng

Theo số liệu thống kê của Bộ Xây dựng, năm 2015 thị trường địa ốc TP. HCM tăng trưởng vượt bậc, với khoảng 38.000 giao dịch thành công, trong đó, có đến 50% giao dịch địa ốc tại đây đến từ các dự án của đại gia địa ốc Vingroup và Novaland.

Trong số 50% giao dịch trên thị trường, Vingroup chiếm số lượng áp đảo, khi bán được khoảng 12.640 căn trong năm 2015. Tập đoàn Novaland giữ vị trí Á quân, với khoảng cách khá xa, nhưng đạt được khoảng 6.000 sản phẩm bán ra thị trường.

Với Novaland, 6.000 sản phẩm được giao dịch thành công cho thấy sự phát triển quá nóng của doanh nghiệp này. Bởi trong năm 2013, theo thống kê, doanh nghiệp chỉ bán được 2.000 căn. Năm 2014,  số sản phẩm Novaland bán được tăng lên 3.000 căn. Tuy nhiên, con số sản phẩm bán ra đã tăng gấp đôi, lên 6.000 sản phẩm trong năm 2015.

Novaland - Á quân địa ốc Sài Gòn vẫn còn những rủi ro? - Ảnh 1
Đối diện rủi ro tài chính, Novaland đang phải “bán tháo” sản phẩm với chiết khấu lớn để thu hút khách mua nhà?

Việc Novaland bán được lượng sản phẩm khổng lồ ra ngoài thị trường trong năm 2015 không mấy khó hiểu. Vì có đến 2/3 trong tổng số trên 20 dự án lớn, với hàng vạn sản phẩm do Novaland làm chủ đầu tư đều đang được doanh nghiệp này triển khai và bán hàng.

Đây cũng là  giai đoạn thanh khoản của thị trường được cải thiện cao nhất. Đặc biệt, những chương trình ưu đãi khủng, tỷ lệ chiết khấu lớn, được ví như việc Novaland “tháo khoán” bán nhà để huy động vốn triển khai dự án khiến nhiều đối thủ phát sốt.

Ngoài ra, việc Novaland phải dùng chiến lược “tổng lực” khi liên tiếp tổ chức bán hàng, liên tiếp giới thiệu dự án, cơ hội đầu tư căn hộ của Novaland tại thị trường Hà Nội cho thấy sự phát triển nóng đã khiến doanh nghiệp này chịu sức ép tài chính rất lớn trong việc triển khai các dự án theo đúng tiến độ.

Và những rủi ro

Theo tìm hiểu của Kinhdoanhnet, trong năm 2014-2015, khi thị trường địa ốc đang hồi phục, Novaland đã thâu tóm, mua lại hàng loạt dự án, với tổng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng. Ngay sau khi thâu tóm dự án, Novaland đã gấp rút triển khai nhiều dự án và bán ra thị trường. Cụ thể, đến giữa năm 2015, có đến 2/3 trong tổng số trên 20 dự án được Novaland triển khai.

Việc thâu tóm nhiều dự án của Novaland cho thấy doanh nghiệp có những tham vọng lớn trong lĩnh vực bất động sản. Việc triển khai nhiều dự án trong bối cảnh thị trường địa ốc có nhiều chuyển biến tích cực cũng là điều bình thường, cho thấy định hướng thực dụng của doanh nghiệp.

Thế nhưng, với Novaland, việc triển khai quá nhiều dự án và dồn dập bán hàng sau khi đã chi hàng nghìn tỷ để thâu tóm hàng loạt dự án lại là một điều bất thường, khiến nhiều người phải đặt những nghi ngờ về năng lực tài chính của doanh nghiệp.

Trao đổi với Kinhdoanhnet, một đại diện doanh nghiệp địa ốc tại Tp. Hồ Chí Minh cho biết: Sự hồi phục của thị trường khiến địa ốc Tp. Hồ Chí Minh trong năm 2015 khiến thị trường xuất hiện tình trạng “nhà nhà làm dự án”. Việc Novaland đồng loạt triển khai nhiều dự án lớn, theo đại diện này, đã khiến thị trường chịu nhiều sức ép trong bán hàng. Thậm chí chính Novaland cũng chịu sức ép, khi liên tục phải tung những chiến dịch khuyến mãi siêu khủng để tăng sự hấp dẫn của sản phẩm đối với nhà đầu tư.

Theo tìm hiểu của Kinhdoanhnet, với việc bán được 6.000 sản phẩm trong năm 2015, Novaland đã phần nào giải quyết được những khó khăn. Thế nhưng, đây chỉ là số sản phẩm ít ỏi trên tổng lượng sản phẩm hàng vạn căn hộ tại nhiều dự án lớn Novaland đang đồng loạt triển khai.

Rủi ro với Novaland đang tăng cao khi thị trường bước sang năm 2016, đã có những dấu hiệu thay đổi không mấy tích cực, được dự báo sẽ có tác động không tốt đến thanh khoản của thị trường. 

Có thể, việc cho rằng Novaland vẫn còn những rủi ro, đối với nhiều người chỉ là suy diễn. Bởi Novaland vẫn chưa niêm yết trên sàn, những thông tin tài chính doanh nghiệp vẫn chưa được báo cáo rõ ràng, nên không ai biết những rủi ro thật sự đối với những dự án Novaland đang triển khai lớn thế nào.

Thế nhưng, những rủi ro với Novaland chắc chắn là có và đang lớn dần, khi mới đây, đại diện của Novaland, ông Phan Thành Huy - Tổng giám đốc Tập đoàn cho biết, năm 2016 tập đoàn này sẽ có những điều chỉnh chiến lược.Theo đó, sẽ hạn chế mua thêm dự án mới, chỉ đưa ra kế hoạch phát triển 5 dự án với khoảng 4.000 sản phẩm, tập trung vào triển khai 12 dự án đã mua lại trong năm 2015, kiểm soát tín dụng,…

Gia Hân- Mai Hoa

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục