Phấn đấu đạt mục tiêu nhà ở xã hội giá từ 300 - 500 triệu đồng

(Kinhdoanhnet) - Trong tháng 9, Bộ Xây dựng sẽ trình Chính phủ nghị định về phát triển NƠXH, trong đó Hà Nội đề xuất những khó khăn và giải pháp tháo gỡ mục tiêu là tạo ra các căn hộ có giá bán khoảng 300-500 triệu đồng.

Phấn đấu đạt mục tiêu nhà ở xã hội giá từ 300 - 500 triệu đồng - Ảnh 1
Phấn đấu đạt mục tiêu nhà ở xã hội giá từ 300 - 500 triệu đồng

Chương trình nhà ở xã hội kèm theo nhiều cơ chế ưu đãi, khuyến khích được triển khai đến nay đã hơn một năm. Nhiều dự án được đăng ký và có những dự án đã khởi công, chuẩn bị đưa vào sử dụng tuy nhiên, đến thời điểm này chỉ mới đáp ứng được một phần rất nhỏ so với nhu cầu thực.

Theo PGS.TS Lưu Đức Hải, Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) thì số lượng dự án đăng ký nhiều song nhiều dự án trong số này mới chỉ là ý tưởng chưa có quỹ đất, quy hoạch, thiết kế, nguồn vốn. Thủ tục đầu tư tuy đã giảm nhưng vẫn còn phức tạp. Thêm nữa là lợi nhuận từ mảng thị trường này không nhiều (tối đa 10%) và thu hồi vốn chậm, không như nhà ở thương mại. Vì vậy mà các dự án nhà ở xã hội chưa thực sự thu hút được sự quan tâm của các nhà đầu tư. 

Ông Hải cho biết thêm, ở các đô thị lớn với giá đất cao như hiện nay để hình thành một chung cư giá rẻ là một rào cản rất khó vượt qua. Mặc dù chính sách khuyến khích ghi rõ: doanh nghiệp được ưu tiên vay vốn, hỗ trợ lãi suất… nhưng thực tế chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ và ngân hàng cho vay ưu đãi. 

Thời gian qua, có nhiều ý kiến về việc có một số dự án nhà ở xã hội ở địa bàn Hà Nội đưa mức giá khá cao (trên 700 triệu đồng/ 1 căn hộ), nhưng vẫn tự coi đó là "nhà giá thấp" để được hưởng ưu đãi. Chính vì vậy, thực tế hiện nay cho thấy, người dân không mấy mặn mà với nhà ở xã hội do giá nhà vẫn ở mức cao, vượt quá khả năng chi trả của người dân. Thu nhập bình quân đầu người hiện nay ở Hà Nội ước khoảng 2.000 USD/năm (40 triệu đồng/năm). Như vậy đối tượng khó khăn về nhà ở, có mức thu nhập chia bình quân khoảng dưới 3,3 triệu đồng/người/tháng thuộc diện được mua nhà thu nhập thấp. Nếu tính theo mức thu nhập này, thì giá nhà thu nhập thấp "đúng nghĩa" chỉ nên ở mức 2 - 4 triệu đồng/m2 (150-200 triệu đồng/căn) thì người thu nhập thấp mới có thể "với" được!

Nhiều khu nhà ở thương mại đang được rao bán ở mức 14 -15 triệu đồng/m2, chênh nhau không đáng kể so với giá nhà thu nhập thấp. Trong khi đó, nhà thu nhập thấp lại quá nhiều thủ tục "nhiêu khê" từ khi mua cho đến việc chuyển nhượng cả chục năm sau khiến nhiều người cho rằng, nên cố để mua nhà ở thương mại là hơn.

Để được mua nhà ở xã hội, người có thu nhập thấp phải làm đơn ra phường và cơ quan phải đóng dấu xác nhận rằng mình thuộc diện có thu nhập thấp, được hưởng chính sách về nhà ở xã hội. Sau đó người có thu nhập thấp mang giấy xác nhận đó đến các doanh nghiệp, chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để thuê hoặc mua.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng thì việc này đã phân định rõ vai trò của doanh nghiệp xây dựng với chính quyền và người có thu nhập thấp đã được tăng thêm sự lựa chọn.

Hiện, Hà Nội hiện có khá nhiều dự án với hàng chục nghìn m2 đất đang bị "đắp chiếu", chậm thi công, trong khi quỹ đất "sạch" dành cho dự án NƠXH lại không nhiều. Doanh nghiệp xây nhà thu nhập thấp có lợi nhuận định mức không quá 10%. Để xây dựng dự án, chủ đầu tư phải chi phí lớn cho việc GPMB, đầu tư hạ tầng, điện, đường, trường, trạm… thì giá bán theo các chủ đầu tư, nếu "tính đúng tính đủ" mỗi m2 cũng trên dưới 10 triệu đồng. Do đó, để hạ giá thành căn hộ, giúp người thu nhập thấp tiếp cận được với nhà ở, ngoài việc chia nhỏ diện tích hay sử dụng thiết bị công nghệ thì việc giao cho chủ đầu tư một quỹ đất sạch đã có đầy đủ hạ tầng là điều thiết thực.

Theo đó, cùng với nguồn thu từ chuyển quyền sử dụng đất, nguồn vốn ODA, Hà Nội đề xuất nghiên cứu cơ chế xã hội hóa, huy động vốn từ xã hội, từ doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế. Sở Tài nguyên - Môi trường Hà Nội đề xuất, ngoài quỹ đất 20% của các dự án phát triển nhà ở, TP tiếp tục rà soát quỹ đất thu hồi từ dự án vi phạm (khoảng 30 dự án) để đưa vào sử dụng cho phát triển NƠXH.

 

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng, để người thu nhập thấp tiếp cận được với NƠXH, chính sách hỗ trợ nhà ở cho những đối tượng này cần linh hoạt, chứ không nên máy móc bằng cách cứ đầu tư xây nên các dự án dành riêng cho người có thu nhập thấp rồi bán như hiện nay. Nhà nước nên hỗ trợ doanh nghiệp theo nhiều cách để tạo ra thị trường nhà ở thương mại giá rẻ, phong phú về diện tích căn hộ, đồng thời, có cơ chế hỗ trợ vay tiền cho các đối tượng thu nhập thấp.

Thuỳ Dương - (Tổng hợp theo CAND, Báo Pháp luật & Xã hội, )

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục