Phát triển đô thị theo chiều cao vẫn... chỉ là mơ ước!

(Kinhdoanhnet) - Tại hội thảo Pháp – Việt với chủ đề Thành phố bền vững vừa diễn ra ngày 10-12 vừa qua tại TPHCM, kiến trúc sư (KTS) Jonathan Thornhill, Công ty Loci Anima, cho rằng Việt Nam nên phát triển các thành phố theo chiều thẳng đứng để dành đất cho cây xanh, không gian công cộng. Theo ông, một thành phố phát triển theo kiểu lan tỏa, thiếu kiểm soát sẽ không bền vững và không đảm bảo môi trường sống tốt cho người dân.

Phát triển đô thị theo chiều cao vẫn... chỉ là mơ ước! - Ảnh 1
Với mức sống của người dân cũng như tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì việc phát triển đô thị theo chiều cao có lẽ chưa thể thực hiện được ngay.

Theo kiến trúc sư (KTS) Jonathan Thornhill, nếu chọn hướng phát triển đô thị nén (giảm diện tích xây dựng, tăng chiều cao công trình) sẽ đưa được nhiều cây xanh vào đô thị, đồng thời bảo vệ được hệ sinh thái của khu vực xung quanh đô thị (đô thị không lan tỏa),

Và, để phát triển đô thị theo chiều thẳng đứng được bền vững, KTS Julien Schnell, Giám đốc Công ty Urbanica lưu ý khi quy hoạch phải chú ý đến sự kết nối giữa cao ốc với hệ thống giao thông công cộng; thiết kế các không gian ở sao cho không gian ngầm cũng lấy được gió và ánh sáng tự nhiên…

Việt Nam đang có tốc độ đô thị hóa khá cao. Song tốc độ hóa đô thị của Việt Nam có sự khác với một số nước, thay vì phát triển theo chiều sâu thì đô thị hóa của Việt Nam phát triển theo chiều rộng. Điều này chính là nguyên nhân khiến đô thị ở Việt Nam “ngốn” khá nhiều tiền trong quá trình đô thị hóa. Đơn cử như Hà Nội, hiện nay đã trở thành một trong những Thành phố rộng nhất thế giới. Khi đô thị phát triển theo chiều rộng, nhà nước sẽ phải đầu tư rất nhiều cho việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối với các đô thị hiện hữu. Ngoài ra, việc phát triển theo chiều rộng khiến cho việc sử dụng tài nguyên đất bị lãng phí. 

Quá trình đô thị hóa mang lại nhiều lợi ích và không nước nào có thể đạt mức thu nhập cao mà không đô thị hóa trước tiên. Trong thực tế hầu hết các nước đều phải đô thị hóa ít nhất là 50% trước khi đạt mức thu nhập trung bình. Tại Việt Nam, quá trình đổi mới tạo ra những chuyển biến về kinh tế, với đô thị hóa củng cố mạnh mẽ tăng trưởng kinh tế. Đô thị hóa mang lại sự tăng trưởng này trong vòng chưa đầy 30 năm, nhưng nó cũng mang lại nhiều nhức nhối như chất lượng không khí thấp, tắc nghẽn giao thông, và giá đất tăng ngoài khả năng chi trả của người dân. 

Đô thị hóa, đặc biệt là ở hai trung tâm kinh tế lớn này, đóng vai trò trọng tâm trong tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam. Tuy nhiên, hệ thống đô thị hiện nay của TP.HCM và Hà Nội đang hạn chế lợi thế cạnh tranh của chính các thành phố này, đặc biệt là nút thắt hậu cần, chi phí vận chuyển cao bất thường, tắc nghẽn giao thông gia tăng và thị trường đất đai bị bóp méo. Các nhà quy hoạch cần giải quyết các vấn đề giao thông đô thị để nâng cao chất lượng sống và cung cấp thêm nhiều lựa chọn giao thông cho người dân, kể cả người nghèo, trẻ em, người già và người tàn tật.

Chính vì vậy, Giáo sư Phan Văn Trường, một Việt kiều Pháp đang giảng dạy tại Đại học Quốc gia TPHCM cho rằng, nếu phát triển đô thị theo chiều thẳng đứng thì Việt Nam sẽ hạn chế được xe cá nhân (nhất là xe máy) và thuận lợi hơn trong việc phát triển nhanh chóng hệ thống giao thông công cộng, tạo động lực mới cho nền kinh tế…

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia có mặt tại buổi hội thảo cũng thừa nhận một thực tế là việc chọn phát triển đô thị theo chiều cao hay theo chiều rộng phụ thuộc vào từng thời kỳ và điều kiện kinh tế của từng thành phố. Và với mức sống của người dân (nhiều người đang chi 5 đô la Mỹ cho chi phí ở mỗi tháng) cũng như tiềm lực của nền kinh tế Việt Nam hiện nay thì việc phát triển đô thị theo chiều cao có lẽ chưa thể thực hiện được ngay.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo TBKTSG, Báo Đầu tư)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục