Giá nhà ở xã hội chỉ nên ở mức 8 - 10 triệu/m2 là phù hợp

(Kinhdoanhnet) - Theo nhiều chuyên gia cho rằng, nhà ở xã hội phải có giá từ 8-10 triệu đồng/m2 thì mới có thể giải quyết được nhu cầu mua nhà đang rất cao của người nghèo.

 

Giá nhà ở xã hội chỉ nên ở mức 8 - 10 triệu/m2 là phù hợp - Ảnh 1
Một số dự án nhà ở xã hội hiện nay còn có giá cao hơn giá của nhà thương mại giá rẻ!

 

Một căn nhà ở xã hội tại Tp.HCM hiện có giá bán tầm 14-15 triệu đồng/m2. Như vậy, mặt bằng giá có thể còn cao hơn cả nhà ở thương mại giá rẻ, trong khi thủ tục mua nhà lại quá nhiêu khê.

Theo khảo sát, dự án nhà ở xã hội Jamona Apartment của công ty Sacomreal được chào bán với giá 14,7 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì. Một nhân viên kinh doanh dự án này cho biết thêm phía công ty sẽ “bao” toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết để khách hàng được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Khách hàng chỉ việc làm giấy tờ chứng minh tình trạng chưa có nhà ở và đủ khả năng trả nợ ngân hàng.

Dự án nhà ở xã hội của công ty Hoàng Quân là HQC Plaza có mức giá 14,7 triệu đồng/m2, dự án HQC Hóc Môn đang có giá bán 14,2 triệu đồng/m2, được ngân hàng BIDV hỗ trợ vay vốn đến 20 năm. Một doanh nghiệp khác có dự án nhà ở xã hội nằm tại quận 12 lại có mức giá chào bán “nhỉnh” hơn là 15 triệu đồng/m2.

Trong khi đó, cũng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều dự án nhà ở thương mại nằm tại những vị trí trung tâm thành phố với hạ tầng giao thông khá thuận lợi, tiện ích nội khu được các doanh nghiệp (DN) đầu tư khá tốt… nhưng lại có mức giá ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn một số dự án nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đa số các dự án thương mại này đều có sự hỗ trợ vay vốn khá tốt, thời hạn vay đến 15 năm từ nhiều ngân hàng.

Cụ thể, nằm tại trung tâm quận 2, dự án Citihome của tập đoàn Kiến Á hiện có giá chào bán là 14,2 triệu đồng/m2. Dự án Linh Trung Apartment nằm tại quận Thủ Đức có giá bán cũng khá cạnh tranh là 14,6 triệu đồng/m2, khách hàng sẽ được bàn giao nhà vào quý 4/2015 này. Một số dự án nhà ở thương mại của công ty Tổ chức nhà quốc gia (N.H.O) đang trong quá trình xây dựng cũng sẽ có giá bán ở tầm 15 triệu đồng/m2.

Một số dự án khác có giá 15-16 triệu đồng/m2 đáng chú ý như dự án An Gia Star có giá 15,8 triệu đồng/m2; dự án 8x Rainbow của công ty Hưng Thịnh 15,6 triệu đồng/m2; Sunview của Đất Xanh, chuỗi dự án Ehome của Nam Long, một số dự án của công ty Lê Thành cũng bán với giá 15-15,5 triệu đồng/m2…

Bà Phạm Thanh Hiền, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Tp. HCM cho rằng: “Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao ngất ngưởng khiến người thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở. Quy định về mức thu nhập cũng như sự hạn chế trong việc vay gói 30.000 tỷ đã không ủng hộ người thu nhập thấp”.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, thực tế cho thấy chương trình nhà ở xã hội được khởi động từ rất lâu nhưng đến nay đến không mang lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương mạnh tay đôn đốc, doanh nghiệp cứ thoái lui vì tỷ lệ lợi nhuận quá thấp. Bất cập nằm ở chỗ, nhà ở xã hội phải tốt nhưng giá phải rẻ, đầy đủ tiện ích, cho nên đầu tư vào nhà ở xã hội thật sự không hấp dẫn các nhà đầu tư.

“Tp.HCM phải nói là quá khan hiếm nhà ở giá rẻ. Gọi là nhà ở xã hội mà có giá bán ngang bằng với nhà ở thương mại, trong khi DN làm nhà ở xã hội được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, người thu nhập thấp muốn mua được nhà thì phải trải qua quá nhiều thủ tục rườm rà. Nếu như nhà ở xã hội có giá từ 8-10 triệu đồng/m2 thì mới có thể giải quyết được nhu cầu mua nhà đang rất cao của người nghèo”, ông Đực nói.

Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở xã hội của Việt Nam hiện nay là rất lớn. Cả nước hiện có trên 770 đô thị, dân số đô thị chiếm gần 34% dân số cả nước và khu vực này đóng góp khoảng trên 70% tổng thu ngân sách. Đầu tư phát triển ở khu vực đô thị có ảnh hưởng quyết định đến quy mô, năng lực, hiệu quả đầu tư của toàn xã hội.

Tuy nhiên, hạn chế hiện nay là hệ thống đô thị phát triển nhanh về quy mô nhưng thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Phát triển đô thị bị đánh giá là chưa có kế hoạch, không căn cứ vào khả năng thanh toán của nền kinh tế. Điều này dẫn đến nhiều dự án đô thị được cấp phép nhưng không có đủ nguồn lực thực hiện, đầu tư thiếu đồng bộ hoặc bỏ hoang, làm lãng phí các nguồn lực xã hội…

Theo kế hoạch phát triển nhà ở TP Hà Nội, năm 2015, Hà Nội phát triển khoảng 812.000m2 nhà ở xã hội, hơn 95.000m2 nhà ở công nhân thuê, khoảng 60.000m2 nhà ở sinh viên. Giai đoạn 2016-2020, Hà Nội tiếp tục phát triển khoảng 4,6 triệu mét vuông nhà ở xã hội, khoảng 600.000m2 nhà ở công nhân và khoảng 1 triệu mét vuông nhà ở sinh viên. Diện tích nhà ở này được phát triển đều theo từng năm. 

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ,HNM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục