HoREA: Có thể có nhiều đơn vị quản lý vận hành trong một tòa chung cư

Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về dự thảo Thông tư ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng và nêu một số ý kiến bổ sung.

Cụ thể, về trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư, Khoản 4 Điều 4 Thông tư 02/2016/TT-BXD và Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Thông tư quy định "người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư".

Tuy nhiên, HoREA cho rằng quy định này trái với quy định tại Khoản 1 Điều 108 Luật Nhà ở, chỉ quy định người mua, người thuê mua căn hộ chung cư, người sở hữu các phần diện tích khác trong nhà chung cư (là các chủ sở hữu nhà chung cư) có trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư, chứ không quy định người sử dụng nhà chung cư phải đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 4 Dự thảo Thông tư, quy định: Người mua, người thuê mua căn hộ chung cư, người sở hữu các phần diện tích khác trong nhà chung cư có trách nhiệm đóng kinh phí bảo trì nhà chung cư; người mua, người thuê mua căn hộ chung cư, người sở hữu các phần diện tích khác trong nhà chung cư, người sử dụng nhà chung cư có trách nhiệm đóng kinh phí quản lý vận hành nhà chung cư.

Bên cạnh đó, theo HoREA, quy định "Mỗi tòa nhà chung cư chỉ có 1 đơn vị quản lý vận hành để quản lý vận hành phần sở hữu chung của cả tòa nhà. Đối với tòa nhà chung cư có thể phân chia riêng biệt phần diện tích thuộc sở hữu chung, hệ thống kỹ thuật giữa phần căn hộ và phần diện tích khác không phải là căn hộ thì chủ sở hữu căn hộ, chủ sở hữu các phần diện tích khác này có thể thuê đơn vị quản lý vận hành riêng để thực hiện quản lý vận hành cho phần sở hữu riêng của mình" là hợp lý và phù hợp với loại hình nhà chung cư, cụm nhà chung cư có nhiều chức năng hỗn hợp đang phát triển mạnh ở các thành phố lớn.

HoREA cũng đề nghị chỉnh sửa quy định về việc chuyển nhượng, cho thuê chỗ để xe ô tô của nhà chung cư. Cụ thể, Khoản (4.d) Điều 8 Thông tư 02/2016/TT-BXD và Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Thông tư quy định "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư".

HoREA: Có thể có nhiều đơn vị quản lý vận hành trong một tòa chung cư - Ảnh 1
Ảnh minh họa
Theo HoREA, quy định không cho chuyển nhượng chỗ để xe ô tô cho cá nhân, tổ chức bên ngoài nhà chung cư đã làm hạn chế quyền của chủ sở hữu chỗ để xe ô tô, nên không phù hợp với tinh thần của Hiến pháp và Bộ Luật Dân sự về quyền sở hữu tài sản của các chủ sở hữu chỗ để xe ô tô. Nhưng trong tình trạng thiếu chỗ để xe ô tô hiện nay, thì việc quy định chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó, là phù hợp.

Tuy nhiên, việc quy định "hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư" lại không phù hợp đối với trường hợp chủ đầu tư không còn là chủ sở hữu nhà chung cư. Nếu chủ đầu tư vẫn còn là chủ sở hữu nhà chung cư thì lại không cần thiết quy định "hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư", vì chủ đầu tư cũng là chủ sở hữu nhà chung cư.

Vì vậy, Hiệp hội đề nghị sửa đổi Khoản 4 Điều 8 Dự thảo Thông tư như sau: "Người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó", không cần thiết quy định "hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư".

Ngoài ra, Theo HoREA, trong dự thảo có quy định Hội nghị nhà chung cư phải tổ chức trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày nhà chung cư đó được bàn giao đưa vào sử dụng và có tối thiểu 50% (thay vì 75% như hiện hành) số căn hộ đã được bàn giao cho người mua (không bao gồm số căn hộ mà chủ đầu tư giữ lại không bán hoặc chưa bán) đang được nhiều người quan tâm và cho rằng điều này phù hợp với thực tế.

Theo đó, đối với Hội nghị nhà chung cư thì phải có tối thiểu 50% đại diện chủ sở hữu căn hộ đã nhận bàn giao tham dự. Nếu không đủ số người tham dự quy định tại điểm này thì vẫn tiến hành tổ chức họp Hội nghị nhà chung cư và lấy ý kiến của các chủ sở hữu không tham dự Hội nghị về các nội dung quy định tại Khoản 3 Điều 102 Luật Nhà ở.

Về quyền biểu quyết tại Hội nghị nhà chung cư: Theo dự thảo mới, quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị căn hộ và được quy định như sau: "a) Mỗi căn hộ trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết; b) Đối với phần diện tích khác trong nhà chung cư không phải là căn hộ thì mỗi phần diện tích sàn xây dựng tương đương với diện tích sàn xây dựng của căn hộ có diện tích lớn nhất theo thiết kế được phê duyệt tại nhà chung cư đó có một phiếu biểu quyết".

HoREA nhận định, dếu tính theo quy định hiện hành, cách tính quyền biểu quyết trong hội nghị nhà chung cư của các chủ sở hữu nhà chung cư không công bằng giữa những người sở hữu căn hộ lớn, căn hộ vừa, căn hộ nhỏ và cho chủ đầu tư.

Do đó, HoREA kiến nghị quyền biểu quyết tại hội nghị tòa nhà chung cư, cụm nhà chung cư được tính theo đơn vị m2 diện tích của chủ sở hữu, chủ sở hữu phần diện tích khác và được quy định, như sau: a) Mỗi m2 diện tích căn hộ, hoặc mỗi m2 diện tích khác trong nhà chung cư tương ứng với một phiếu biểu quyết.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục