HoREA: Thị trường BĐS TP.HCM đang lâm vào tình thế khó khăn

Theo Báo cáo của Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) về tình hình thị trường nhà ở trong 9 tháng năm 2019, thị trường BĐS TP HCM hiện đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù và bất bình thường.

Theo báo cáo của HoREA, thị trường bất động sản TP. HCM đang trong xu thế sụt giảm. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2019, toàn thành phố chỉ có 1 dự án nhà ở được chấp thuận chủ trương đầu tư, giảm khoảng 83%.

Đặc biệt, không có dự án mới nào được công nhận chủ đầu tư, và chỉ 12 dự án được chấp thuận đầu tư, giảm khoảng 72% và chỉ có 24 dự án được cấp phép xây dựng, giảm khoảng 38%, so với cùng kỳ năm 2018.

Thành phố cũng chỉ có 32 dự án nhà ở hình thành trong tương lai đủ điều kiện huy động vốn với 19.662 căn nhà, giảm 58,44% về số lượng dự án và giảm 30,56% về số lượng căn nhà so với năm 2018.

Số lượng dự án nhà ở hoàn thành cũng sụt giảm mạnh khi chỉ có 17 dự án (bằng 1/3 năm 2018), trong đó có 3 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 111,43 ha, quy mô 12.453 căn nhà (10.085 căn hộ chung cư, 2.368 nhà ở thấp tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 1.306.320 m2).

Tình trạng thiếu sản phẩm nhà ở, nhất là căn hộ nhà ở thương mại bình dân có giá vừa túi tiền và nhà ở xã hội, dẫn đến giá nhà đất tăng (do “tổng cầu” quá lớn nhưng nguồn cung ít), làm cho số đông người tiêu dùng là người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị khó tạo lập nhà ở hơn.

HoREA cho rằng, khó khăn lớn nhất đối với thị trường nhà ở TP HCM hiện nay là nhiều dự án nhà ở bị “ách tắc, đứng hình” dẫn đến tình trạng thiếu nguồn cung dự án, thiếu nguồn cung sản phẩm.

Tình trạng mất cân bằng “cung-cầu” do nguồn cung quá ít trong lúc nhu cầu quá cao làm cho giá nhà dễ bị đẩy lên cao, dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, đầu tư lướt sóng.

HoREA: Thị trường BĐS TP.HCM đang lâm vào tình thế khó khăn - Ảnh 1
HoREA nhận định, Thị trường BĐS TP.HCM đang lâm vào tình thế khó khăn.

Tuy nhiên, theo HoREA, về bản chất, thị trường bất động sản thành phố không xấu, song hiện đang lâm vào tình thế khó khăn có tính nhất thời, đặc thù và bất bình thường mà nguyên nhân là do vướng mắc, xung đột của một số quy phạm pháp luật và do cả công tác thực thi pháp luật.

Tuy nhiên, do thị trường bất động sản có "độ trễ" nên nếu không có biện pháp xử lý hiệu quả các vướng mắc và điểm nghẽn hiện nay, thì tình trạng sụt giảm quy mô thị trường sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới, dẫn đến một số doanh nghiệp bất động sản gặp nhiều khó khăn, thậm chí có thể có nguy cơ phá sản.

HoREA cho biết, trong 9 tháng qua, các doanh nghiệp xây dựng cũng bị sụt giảm khoảng 30-50% số lượng hợp đồng nhận thầu xây lắp; các nhà cung cấp thiết bị, vật tư bị sụt giảm doanh thu bán hàng; các doanh nghiệp sản xuất thiết bị, vật liệu xây dựng gặp khó khăn trong khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; người lao động thiếu việc làm, giảm thu nhập; các ngân hàng thương mại có thể gặp khó khăn trong việc thu hồi nợ; nguồn thu ngân sách nhà nước từ tiền sử dụng đất và thị trường bất động sản có thể còn bị sụt giảm hơn nữa.

Về tình hình các dự án bị ngừng triển khai rồi được cho phép hoạt động, HoREA dẫn số liệu: từ ngày 01/07/2015 (ngày Luật Nhà ở có hiệu lực) đến tháng 08/2018, đã có 126 dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp bị dừng các thủ tục đầu tư, dù đã có quyết định chủ trương đầu tư, nhưng không làm được thủ tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 để làm tiếp các thủ tục đầu tư xây dựng.

HoREA cũng cho biết, kể từ sau ngày 07/03/2017 (ngày ban hành Văn bản 342/TTg-V.I), đã có khoảng 150 dự án nhà ở liên quan đến sử dụng quỹ đất công, đã bị tạm dừng để được rà soát các thủ tục đầu tư đã được thực hiện trước đây.

Đến tháng 03/2019, lãnh đạo cơ quan trung ương và thành phố đã công bố cho 124 dự án được tiếp tục hoạt động bình thường, nhưng thực chất nhiều dự án đến nay vẫn chưa hoạt động bình thường.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục