Người nước ngoài mua nhà sẽ tạo động lực để thị trường phát triển đa dạng

(Kinhdoanhnet) - Quy định người nước ngoài sở hữu, mua nhà tại Việt Nam sẽ tạo động lực cho thị trường bất động sản phát triển đa dạng. Nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam khẳng định, đây là một xu hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Người nước ngoài mua nhà sẽ tạo động lực để thị trường phát triển đa dạng - Ảnh 1
Người nước ngoài mua nhà sẽ tạo động lực để thị trường phát triển đa dạng

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA), việc mở rộng điều kiện cho cá nhân nước ngoài được mua nhà ở chính là hoạt động xuất khẩu tại chỗ, làm gia tăng tổng tài sản quốc gia, tạo điều kiện phát triển các ngành nghề và tạo việc làm cho người lao động, tăng tổng cầu cho thị trường bất động sản và không ảnh hưởng tiêu cực đến phân khúc thị trường nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình, thu nhập thấp trong nước.

Giải thích thêm về chuyện có hay không thị trường sẽ có nhiều biến động khi “thả cửa” cho người nước ngoài mua nhà, đặc biệt là chuyện dự án sẽ bị thâu tóm nhiều, ông Lê Hoàng Châu cho biết: “Luật Nhà ở đã có những quy định chặt chẽ về vấn đề này, nhất là ở việc người nước ngoài được mua bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất, diện tích bao nhiêu và tại những vùng hay khu vực nào. Đó là điều chúng ta không lo, mà phải thấy rằng đây là một động lực mạnh mẽ để thị trường phát triển đa dạng”.

Tuy nhiên, ở một giác độ khác, ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, thì cho rằng chúng ta khoan hãy nói về việc hai bộ luật liên quan đến BĐS sắp có hiệu lực sẽ tạo đà mạnh cho thị trường phát triển. Khi nói đến luật thì chúng ta cần nhiều thời gian để chờ các quy định, văn bản dưới luật ra đời. Các cơ quan quản lý cũng cần có thời gian để lắng nghe ý kiến từ các chuyên gia đầu ngành, tín hiệu từ thị trường để có được những chính sách phù hợp.

Chẳng hạn như, Luật Nhà ở là Việt Nam đã cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà dài hạn. Điều này có thể sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng thị phần. Tuy nhiên, Việt kiều hay người nước ngoài hiện vẫn còn tâm lý chờ đợi là chính vì chưa rõ các quy định hướng dẫn thi hành các Luật trên như thế nào.

Chung quan điểm trên, ông Phùng Chu Cường, Tổng Giám đốc Công ty Địa Ốc Phú Long, nhận định chúng ta cũng phải nhìn nhận rằng những chính sách này cần sớm chi tiết, cụ thể hơn khi đi vào thực tiễn cuộc sống, hoạt động của doanh nghiệp nhiều hơn nữa. Ví như, Luật hiện thời cho phép người nước ngoài được sở hữu nhà ở dài hạn tại Việt Nam, nhưng việc họ có được quyền thế chấp tài sản này cho các ngân hàng nước ngoài được không vẫn còn đang đặt nhiều câu hỏi.

“Bên cạnh đó, các ngân hàng trong nước có đủ cơ sở pháp lý để cho người nước ngoài vay tiền mua nhà hay không? Rồi liệu đối tượng này có được tham gia vay vốn từ các gói tín dụng hỗ trợ thị trường hiện tại không? Vẫn còn nhiều vấn đề xem xét lại”, ông Cường nói.

Cũng theo ông Cường, hệ thống luật chúng ta đã có rồi nhưng vẫn chưa áp dụng được vì vẫn phải đợi chờ các văn bản hướng dẫn dưới luật. Không dừng lại đấy, khi các văn bản mới này có hiệu lực thi hành sẽ có những phát sinh mà chúng ta không lường trước được. Thị trường BĐS còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố khác như nền kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư để tạo sức hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Tổng giám đốc Công ty TNHH CBRE Việt Nam, ông Marc Townsend, phân tích trên thị trường hiện có nhiều nhóm đầu tư nước ngoài đang nhắm vào thị trường BĐS Việt Nam vì khả năng sinh lời ở thị trường nước họ đã bảo hòa. Trong đó, có nhóm gồm các chủ đầu tư BĐS, họ xem xét cơ hội đầu tư vào Việt Nam ở mọi khía cạnh của thị trường, từ văn phòng cho thuê, nhà ở, đất nền, khu đô thị,căn hộ thương mại và ngay cả nhà ở xã hội… Tuy nhiên, yếu tố chính sách dưới luật vẫn quyết định tất cả.

Ông Timothy Horton – Tổng Giám Đốc Công ty Tư vấn Bất Động Sản Cushman & Wakefield, cho biết, tôi cũng thấy rằng năm 2015 sẽ là một năm mà các nhà đầu tư nước ngoài vẫn trong tình trạng nghe ngóng và chờ thời trong khi đó các nhà đầu tư trong nước vẫn tiếp tục các hoạt động mua bán của mình.

“Nhân tố chính sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài nhảy ngay vào cuộc chơi này chính là sự cải thiện tính minh bạch trong môi trường kinh doanh hiện nay. Một số những nhà đầu tư nước ngoài đang tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam mà chúng tôi đã từng tiếp xúc cho biết họ đã thấy những dấu hiệu khả quan trong việc xúc tiến đầu tư, tuy nhiên vẫn còn đó một vài các yếu tố khác cần phải xem xét lại, họ sẵn sàng chờ thêm một thời gian nữa trong khi vẫn không ngừng tìm kiếm các cơ hội đầu tư những dự án có khả năng sinh lời tại các nước khác”, ông nói thêm.

Việc cho người nước ngoài mua nhà là việc đã trở nên bình thường ở hầu hết các nước trên thế giới. Mở cửa cho người nước ngoài mua nhà cũng trở thành một kênh kích thích đầu tư, thu hút nguồn vốn và phát triển dịch vụ. Hơn thế, đây còn được xem là một tiêu chí đánh giá sự hội nhập và môi trường kinh doanh quốc tế của quốc gia đó. Thực tế, người Việt Nam đi ra nước ngoài mua nhà đã được hưởng lợi từ việc này.

Cũng trong xu hướng đó, dự thảo của Luật Nhà ở đã quy định mở quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức cá nhân nước ngoài và đặc biệt là quy định mang tính đột phá: cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh có quyền sở hữu nhà ở Việt Nam.

Nói về vấn đề này, mới đây, Bộ trưởng Xây Dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, việc mở thị trường nhà ở cho người nước ngoài nó đáp ứng được nhiều mục tiêu, trước hết là để phát triển kinh tế, và nếu phát triển kinh tế được thì chúng ta mới giải quyết được các vấn đề xã hội, bởi vì người nước ngoài vào mua nhà ở VN thì đây là một kênh đầu tư và chúng ta xuất khẩu tại chỗ một sản phẩm mà chúng ta có khả năng làm được. Thông lệ quốc tế thì nhiều nước họ đã mở cửa cho người nước ngoài mua nhà”.

Ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam nhấn mạnh, nếu chúng ta hạn chế là tự trói chân, vừa không thu hút được ngoại tệ, vừa lãng phí nguồn lực trong nước. Vì vậy, nên cho mua nhà không hạn chế số lượng để đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ. Nếu mua nhà mà không ở, cho mượn hay cho thuê sẽ bị đánh thuế cao, nhà nước cũng có thêm nguồn thu.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Vietnamnet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục