Phân khúc BĐS nào đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất hiện nay?

(Kinhdoanhnet) - Nhận định về xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam hiện nay, ông Rudolf Hever, Giám đốc điều hành Công ty Tư vấn Bất động sản (BĐS) Alternaty cho rằng, phân khúc nhận được sự quan tâm nhất trên thị trường bất động sản và có nhiều giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là mặt bằng bán lẻ. Những nhà đầu tư này chủ yếu tới từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...

Phân khúc BĐS nào đang được các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm nhất hiện nay? - Ảnh 1
Năm 2015, BĐS Việt Nam sẽ có sự bứt phá nhờ các chính sách mới thông thoáng hơn dành cho đầu tư nước ngoài vào thị trường bất động sản.

Theo ông Rudolf Hever, các nhà đầu tư nước ngoài hiện đang rất quan tâm tới cơ hội đầu tư vào Việt Nam cùng với sự khởi sắc của thị trường BĐS và một hành lang pháp lý thông thoáng hơn. Đầu tiên, tôi muốn nhấn mạnh rằng, nền kinh tế vĩ mô ở Việt Nam đã ổn định và được cải thiện rõ rệt, con số lạm phát giảm mạnh và có thể sẽ giảm nữa trong thời gian tới. Thị trường BĐS khởi sắc nhờ nền tảng bối cảnh kinh tế chung này.

Năm 2015 cũng là năm nhiều chính sách kinh tế mới theo hướng thông thoáng, cởi mở hơn chính thức có hiệu lực, nhất là việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh BĐS, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp... Các đạo luật này được nhà đầu tư ngoại rất quan tâm và có tác động lớn tới tâm lý của họ khi quyết định đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Theo tôi, đây là một tiến trình đúng đắn đối với sự phát triển của thị trường BĐS Việt Nam.

Hiện tại, niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường BĐS hiện đã được cải thiện, đặc biệt hành lang pháp lý thông thoáng hơn đang tạo nên nhiều cơ hội cho những nhà đầu tư ngoại - ông Rudolf Hever khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Rudolf Hever cũng cho rằng, so với thời gian trước, thị trường BĐS Việt Nam hiện tại đã có những chuyển biến tích cực hơn. Từ ngay sau Tết Nguyên đán, nhiều chủ đầu tư nội địa đã khẩn trương hoạt động trở nhằm bảo đảm tiến độ đưa sản phẩm ra thị trường và thời hạn bàn giao nhà cho người mua.

Tôi cho rằng, tại thị trường Việt Nam hiện nay, phân khúc nhận được sự quan tâm, có nhiều giao dịch của nhà đầu tư nước ngoài là mặt bằng bán lẻ. Những nhà đầu tư này chủ yếu tới từ châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Singapore...

Trong những năm tới, xu hướng này vẫn tiếp tục được duy trì nhưng sẽ không có các cơn sóng như trong giai đoạn từ 2007-2008. Đặc biệt, chúng tôi cũng không mong muốn điều này xảy ra bởi không muốn có thêm "bong bóng" BĐS một lần nữa. Theo tôi, trong thời gian tới, thị trường BĐS Việt Nam phát triển chậm hơn nhưng sẽ ổn định hơn.

Tôi không nghĩ, trong năm nay, sẽ có làn sóng ồ ạt với hàng nghìn, hàng trăm thương vụ M&A dự án BĐS sẽ diễn ra mà tôi tin rằng các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có sự cân nhắc cẩn thận. Hiện nay, thị trường đang theo chiều hướng tích cực nên về lâu dài, những thương vụ M&A sẽ tiếp tục diễn ra và đương nhiên sẽ không ồ ạt với số lượng lớn mà sẽ là các dự án có quy mô lớn, trung bình. Theo tôi, để hiện thực hóa những thương vụ này, nhà đầu tư ngoại sẽ quan tâm nhiều hơn tới các quy định của pháp luật Việt Nam nhằm đảm bảo rằng giao dịch của họ mang lại hiệu quả và hợp pháp - ông Rudolf Hever khẳng định.

Theo thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa công bố tình hình đầu tư nước ngoài 2 tháng đầu năm 2015. Theo đó, tính chung trong 2 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,192 tỷ USD; bằng 77,5% so với cùng kỳ năm 2014. Tính đến ngày 20/02/2015, ước tính các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đã giải ngân được 1,2 tỷ USD, tăng 7,1 % so với cùng kỳ năm 2014.

Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20/2/2015 cả nước có 148 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 712,29 triệu USD; bằng 85,7% so với cùng kỳ năm 2014; và có 58 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 480,5 triệu USD; bằng 67,8 % so với cùng kỳ năm 2014.

Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 111,43 triệu USD, chiếm 9,3% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ 3 là lĩnh vực bán buôn bán lẻ sửa chữa với 17 dự án đầu tư mới và 4 dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 71,22 triệu USD.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Đầu tư chứng khoán. Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục