Quy hoạch KĐT Hòa Bình có thể phá hủy những giá trị cốt lõi của Đà Lạt?

Hàng loạt công trình gắn liền với những dấu ấn lịch sử, được ví như những biểu tượng của Đà Lạt có nguy cơ phải phá hủy nếu phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, Đà Lạt vừa được UBND tỉnh Lâm Đồng công bố được triển khai.

Nhiều công trình kiến trúc lịch sử bị xóa bỏ

Theo quy hoạch, Khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 30ha, thuộc phường 1, TP Đà Lạt được chia 5 phân khu. Cụ thể, phân khu 1 (khu vực chợ Đà Lạt – đường Nguyễn Thị Minh Khai) là khu vực chợ truyền thống, kết hợp với quảng trường trung tâm (quảng trường hoa mang tính đặc trưng của Đà Lạt); khu phố đi bộ kết hợp trung tâm thương mại và khu vực đậu xe ngầm. Tổng diện tích khu vực này là 6,95ha.

Phân khu 2 (khu trung tâm Hòa Bình) là khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách với tổng diện tích 3,37ha; Phân khu 3 (khu vực đồi Dinh) là khu thương mại, dịch vụ cao cấp với tổng diện tích 4,43ha.

Quy hoạch KĐT Hòa Bình có thể phá hủy những giá trị cốt lõi của Đà Lạt? - Ảnh 1
Khu trung tâm Hòa Bình được quy hoạch thành 5 phân khu.

Phân khu 4 (khu vực chỉnh trang đô thị) là khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Tổng diện tích khu vực này khoảng 9,19ha; Phân khu 5 (khu vực ven hồ Xuân Hương) là khu vực công trình dịch vụ - du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ Xuân Hương với tổng diện tích khoảng 6,06ha.

Khi các công trình được xây dựng, rạp hát Hòa Bình vốn đang bị xuống cấp sẽ bị đập bỏ, thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng. Khu vực đồi Dinh (rộng 4,43ha), nơi có tòa Dinh Tỉnh trưởng – công trình kiến trúc đẹp bậc nhất Đà Lạt sẽ được di dời nguyên khối đến vị trí mới, nhường khuôn viên để xây khu thương mại, dịch vụ cao cấp…

Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream, Thương xá Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ.

Quy hoạch KĐT Hòa Bình có thể phá hủy những giá trị cốt lõi của Đà Lạt? - Ảnh 2
Phối cảnh tổng thể dự án KĐT Hòa Bình - Đà Lạt

Đồ án quy hoạch này ngay lập tức đã gây ra những tranh cãi trong giới chuyên môn, các nhà nghiên cứu quy hoạch, kiến trúc đô thị và những người dân quan tâm đến lịch sử văn hóa Đà Lạt. Theo các chuyên gia, việc quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt là phù hợp trong giai đoạn hiện nay nhưng không vì thế mà bê nguyên ý tưởng của các thành phố lớn để áp đặt vào Đà Lạt.

Bởi Đà Lạt là thành phố mang những vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp giao thoa giữa văn hóa Phương Tây và văn hóa Việt Nam với các công trình kiến trúc thấp tầng thông thoáng, hài hòa với tự nhiên. Những con đường thoáng đãng, nhưng ngôi nhà thấp thoáng dưới những ngọn đồi thông vừa thanh bình, vừa mơ mộng… đã trở thành di sản đáng quý giá của thành phố này.

Quy hoạch phá vỡ những giá trị cốt lõi của Đà Lạt?

Nhiều người cho rằng, rạp hát Hòa Bình, Dinh Tỉnh trưởng là những công trình kiến trúc lịch sử đã trở thành biểu tượng của Đà Lạt. Nếu đồ án quy hoạch nói trên đi vào thực tế, các công trình này bị đập bỏ, hoặc di dời, thay bằng những tòa nhà có kiến trúc hiện đại thì Đà Lạt sẽ mất đi tính biểu trưng đó.

Dinh tỉnh trưởng được coi là dinh thự có kiến trúc đẹp bậc nhất Đà Lạt, đây cũng là nơi sinh sống và làm việc của thị trưởng kiêm tỉnh trưởng Tuyên Đức trước kia. Công trình được người Pháp xây dựng khoảng trước năm 1910, được thiết kế và xây dựng theo lối kiến trúc cổ điển của các dinh thự châu Âu cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX.

Theo thông tin trên Zing.vn, khu đồi dinh có khuôn viên rộng với rất nhiều cây cổ thụ. Từ trước tới nay, giới nghiên cứu về kiến trúc và phong thủy đánh giá vị trí tọa lạc của dinh là “cao điểm long mạch”, có tầm nhìn rộng về các hướng xung quanh. Vì vậy, việc di dời công trình này sang một vị trí khác đang tồn tại nhiều ý kiến không đồng tình.

Quy hoạch KĐT Hòa Bình có thể phá hủy những giá trị cốt lõi của Đà Lạt? - Ảnh 3
Dinh Tỉnh trưởng là một trong những công trình kiến trúc lịch sử lâu đời nhất của Đà Lạt.

Một công trình khác cũng đang đức trước nguy cơ bị phá bỏ là rạp hát Hòa Bình, đây được coi là nơi ghi dấu những ký ức của Đà Lạt, một đô thị trẻ với lịch sử 136 năm hình thành và phát triển.

Rạp Hòa Bình vốn là chợ cũ chuyển đổi thành rạp chiếu phim. Khu này từng là chợ chínhcủa thành phố Đà Lạt, sau này được xây dựng khu chợ Mới và đập bỏ khu chợ cũ (chợ Cây). Chợ Mới Đà Lạt nằm trong khu Hòa Bình dần trở thành nơi buôn bán sầm uất nhất thành phố và mang dấu ấn của cộng đồng đô thị Đà Lạt qua nhiều thời kỳ.

Dù vậy, theo đồ án quy hoạch mới, rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ, thay vào đó là khu phức hợp có tính chất giải trí có 5 tầng nổi. Công năng của rạp sẽ được xây dựng trong công trình ngầm. Đồ án này vấp phải nhiều sự phản đối bởi đã tác động trực tiếp dinh tỉnh trưởng và rạp hát Hòa Bình - hai điểm nhấn, chứng nhân cho những biến thiên lịch sử của thành phố di sản Đà Lạt.

Liên quan đến đồ án quy hoạch nói trên, KTS Nguyên Hạnh Nguyên đã chỉ ra một số sai lầm trong bản đề xuất quy hoạch này. Vị KTS này cho rằng, quy hoạch phá vỡ cảnh quan, các giá trị Đà Lạt “rừng trong thành phố”, nhà ẩn trong rừng không còn nữa. Khu đồi Dinh tỉnh trưởng bị đè lên khối 7 tầng chiếm chỗ quá lớn và làm mất đường chân trời vốn bình yên cúa khu đồi Dinh và của cảnh quan chung Đà Lạt.

Quy hoạch KĐT Hòa Bình có thể phá hủy những giá trị cốt lõi của Đà Lạt? - Ảnh 4
Đồ án quy hoạch chi tiết KĐT Hòa Bình - Đà Lạt đang gây nhiều tranh cãi.

Bản quy hoạch mới cũng sẽ tạo sức ép cho khu Hòa Bình hiện đang quá tải. Các chức năng mới khiến cho Đà Lạt sẽ bị nén như Sài Gòn, điều này sẽ làm mất hồn cốt của đô thị Đà Lạt.

Kiến trúc mới sẽ phá vỡ giá trị gốc của đô thị, làm mất bản sắc đô thị: Các kiến trúc mới quá xa lạ và na ná ở bất cứ nơi nào trên thế giới nhưng lại được “nhồi nhét” vào lõi đô thị cổ với một tỷ lệ quá lấn át – KTS Nguyên Hạnh Nguyên chia sẻ trên Diễn đàn của các nhà quản trị.

Cùng quan điểm trên, KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng, đồ án quy hoạch đã bỏ qua tính đặc thù về địa hình, văn hóa, lịch sử của Đà Lạt, việc hiện đại hóa thành phố này bằng việc xây nhà cao tầng, là tư duy sai lầm.

Với đồ án này, các nhà quy hoạch đang muốn biến Đà Lạt thành "Sài Gòn trên cao nguyên" trong khi Đà Lạt không có cùng địa kiện và giá trị thiên nhiên như thế để áp đặt. Sao chép mô hình đô thị của Sài Gòn mang lên cao nguyên thì không thể chấp nhận. Chúng ta không cần thêm một Sài Gòn trên cao nguyên", ông Sơn bày tỏ quan điểm.

Hải Lan

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục