Tháng 7/2015: Tỷ lệ giao dịch BĐS của người nước ngoài chiếm gần 10%

(Kinhdoanhnet) - Đó là một tín hiệu đáng mừng trên thị trường bất động sản. Theo đó, trong tháng 7, khoảng 10% trong tổng số 3.500 giao dịch tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM thuộc về Việt kiều và người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam.

Tháng 7/2015: Tỷ lệ giao dịch BĐS của người nước ngoài chiếm gần 10% - Ảnh 1
 Trong tháng 7, khoảng 10% trong tổng số 3.500 giao dịch tại hai thị trường lớn là Hà Nội và TP.HCM thuộc về Việt kiều và người nước ngoài.

Trước đó, theo thống kê của Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng), trong tháng 7/2015, lượng giao dịch thành công và giá BĐS tại nhiều địa phương tiếp tục tăng so với các tháng trước đó. Trong đó, thị trường BĐS Hà Nội có khoảng 1.800 giao dịch thành công, tăng 3% so với tháng trước đó, tăng gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Giá BĐS ở các dự án mới triển khai có vị trí đẹp, các dự án sắp hoàn thành bàn giao hoặc tại các dự án nhà ở đã xây xong tăng 4 - 6% so với giá ban đầu. Trong phân khúc nhà liền kề, biệt thự tại một số khu vực, giá tăng nhẹ, chủ yếu tăng ở thị trường thứ cấp.

Tại TP.HCM có khoảng 1.750 giao dịch thành công trong tháng 7/2015, tăng 3% so với tháng trước đó và tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm 2014. Phân khúc đất nền, biệt thự, nhà liền kề, có vị trí đi lại thuận tiện, được nhiều khách hàng đặt mua.

Giá nhà ở TP.HCM chỉ tăng nhẹ ở phân khúc chung cư có diện tích nhỏ và đất nền ở những khu vực có hạ tầng tốt.

Theo ông Marc Townsend, Tổng giám đốc CBRE Việt Nam, nếu như thời điểm đầu năm còn có những nghi hoặc về sự hồi phục của thị trường, thì đến thời điểm này, toàn cảnh thị trường đã trở nên khá rõ ràng và thị trường nhà ở đang hồi phục mạnh mẽ.

Điều này thể hiện rõ nhất ở tốc độ bán hàng, khi phần lớn lượng giao dịch thành công đã chuyển hướng từ các phân khúc bình dân hoặc trung cấp năm 2012 - 2013 sang phân khúc cao cấp thời gian gần đây tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM. Theo Luật Kinh doanh BĐS sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7/2015,doanh nghiệp nước ngoài sẽ được phép cho thuê lại BĐS mà họ đang thuê. Đây sẽ là một bước tiến quan trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh của các chủ đầu tư nước ngoài.

Trên thực tế, sau 1 tháng Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh BĐS có hiệu lực, theo ước tính của Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (Novaland), Việt kiều mua căn hộ trong các dự án do doanh nghiệp này làm chủ đầu tư chiếm tới 10% tổng lượng giao dịch. Các hợp đồng mua căn hộ của Việt kiều đa phần tập trung vào các chung cư cao cấp có vị trí đắc địa.

Sự thay đổi mạnh mẽ về chính sách nhà ở và thị trường BĐS, việc tái cơ cấu sản phẩm và phân khúc thị trường của các chủ đầu tư cũng như cách tiếp cận khách hàng linh hoạt của các đơn vị phân phối, nguồn tín dụng của cácngân hàng dành cho BĐS được khơi thông trở lại, thị trường tiếp tục phục hồi và tăng trưởng vững chắc.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang hội tụ nhiều yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư quốc tế, nhất là các nhà đầu tư đến từ Singapore và Nhật Bản. Việt Nam đứng thứ 3 sau Malaysia và Úc về sự hấp dẫn khi đầu tư vào thị trường bất động sản các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Theo ông Winston Lee, Giám đốc phát triển sản phẩm Property Gugu, trong một nghiên cứu mới đây nhất, khảo sát các nhà đầu tư Singapore về sự hấp dẫn khi đầu tư vào thị trường bất động sản các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thì Việt Nam đứng thứ 3 sau Malaysia và Úc.

Sự hấp dẫn của bất động sản Việt Nam do nhiều yếu tố, như nền kinh tế đang phục hồi khá mạnh, chính sách mở rộng cho người nước ngoài được sở và kinh doanh bất động sản, tình hình chính trị ổn định... Tuy nhiên, vấn đề của Việt Nam là phải làm thế nào để các nhà đầu tư Singapore nhìn thấy được các cơ hội này và quyết định đổ vốn vào thị trường bất động sản Việt Nam.

Ngoài các yếu tố trên, một lý do khác giúp bất động sản Việt Nam hấp dẫn các nhà đầu tư Singapore, theo ôngLewis Ng, Giám đốc điều hành Property Gugu, hiện thị trường bất động sản Singapore không còn nhiều cơ hội kiếm lời, trong khi người dân Singapore rất ưa thích đầu tư bất động sản, đồng thời đây là đất nước có đến 40% dân số là những triệu phú đôla.

Theo ông Lewis Ng. - Giám đốc điều hành Property Guru nhận định: chính sách mở của của Việt Nam tạo đà thông thoáng và mang lại nhiều yếu tố thiệt thực cho thị trường. Tuy nhiên Viet Nam chỉ mới mở cửa, đối với nhiều nhà đầu tư quốc tế nhất là nhà đầu tư cá nhân, thị trường Việt Nam còn khá mới mẻ, thông tin về thị trường, doanh nghiệp cũng như sản phẩm rất hạn chế nên khó tránh khỏi những nghi ngại từ nhà đầu tư. 

Thay vì để nhà đầu tư tự tìm đến với mình, các doanh nghiệp Việt Nam nên chủ động trong việc quản bá thương hiệu, sản phẩm của mình ra các quốc gia khác trong khu vực. 

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Baodautu, Nhịp sống thời đại)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục