Ban quản trị nhà chung cư sẽ phải đi học để được cấp giấy chứng nhận

(Kinhdoanhnet) - Đó là một trong những điểm mới của dự thảo Thông tư quy định về hoạt động bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ vận hành quản lý nhà chung cư do Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản vừa lấy ý kiến thông qua. Theo đó, thành viên Ban quản trị nhà chung cư sẽ phải đi học để được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định mới của Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực từ 01/7/2015.

Ban quản trị nhà chung cư sẽ phải đi học để được cấp giấy chứng nhận - Ảnh 1
Thành viên Ban quản trị nhà chung cư sẽ phải đi học để được cấp giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý, sử dụng nhà chung cư theo đúng quy định mới của Luật Nhà ở 2014.

Quy định tại Điều 2 của dự thảo Thông tư cho biết, đối tượng áp dụng bao gồm những đơn vị vận hành quản lý chung cư; thành viên Ban quản trị hoặc đại diện các chủ sở hữu nhà chung cư; cán bộ nhân viên làm việc ở các bộ phận chuyên môn của đơn vị quản lý vận hành chung cư; các cơ sở bồi dưỡng, đào tạo kiến thức chuyên môn nghiệp vụ vận hành quản lý nhà chung cư.

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng đưa ra quy định thành viên Ban quản trị cần phải tham gia lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật về nhà chung cư. Học viên sẽ được cấp giấy chứng nhận có giá trị trong thời hạn 5 năm sau khi hoàn thành nội dung khóa học gồm 12 tiết.

Về vấn đề này, cũng có nhiều ý kiến đồng tình với quy định trên. Theo các ý kiến này, bồi dưỡng kiến thức pháp luật về nhà chung cư và cấp giấy chứng nhận quản lý nhà chung cư cho Ban quản trị là đúng. Bởi vì, đây là những người đại diện cho các cư dân điều hành những công việc liên quan tới vận hành tòa nhà có hàng trăm hộ gia đình sinh sống. 

Vì thế, đòi hỏi các thành viên Ban quản trị cần phải có kiến thức cơ bản về vận hành quản lý nhà chung cư như kiến thức về quản lý điện tích sở hữu chung riêng, kiến thức về phòng cháy chữa cháy, kiến thức về quản lý chi tiêu quỹ bảo trì chung cư, kiến thức về việc ký kết hợp đồng thuê đơn vị tổ chức vận hành quản lý chung cư…

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng không nên quy định điều đó bởi nhiều tòa nhà chung cư rất khó khăn khi bầu Ban quản trị vì cư dân không muốn tham gia vào Ban quản trị nên việc đi học lại càng khó khăn hơn.

Một thực tế hiện nay là quy định thành lập Ban quản trị vì quy định quá rườm rà, phức tạp, các vấn đề góp ý dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều tranh cãi trái chiều. Quy định tại Quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội, quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Hội nghị này sẽ bầu ra Ban quản trị và thông qua bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư. 

Tuy nhiên hiện nay, trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn còn quá ít dự án chung cư thành lập được ban quản trị. Hiện trạng này đang khiến người dân sống trong các khu chung cư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi phát sinh những khiếu nại, tranh chấp với chủ đầu tư.

Trước thực trạng này, nhiều ý kiến cho rằng không nên có quá nhiều quy định, bởi điều đó sẽ khiến cư dân không muốn tham gia vào Ban quản trị, trong khi việc thành lập Ban quản trị lại có một vai trò rất quan trọng đối với một tòa nhà chung cư.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Xây dựng Online, CAND)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục