Bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

(Kinhdoanhnet) - Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội về việc “Đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đô thị” đã triển khai được 5 năm. Thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại, việc cải tạo chung cư cũ vẫn còn nhiều bế tắc do những khó khăn trong quá trình thực hiện.

Bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội - Ảnh 1
Bế tắc trong việc cải tạo chung cư cũ tại Hà Nội

Hà Nội, hiện đang có khoảng 1.100 khu chung cư cũ trong đó số lượng khu chung cư nguy hiểm mức độ C, D cần cải tạo là 68 khu. Trong đó, gần 10 năm qua Hà Nội mới chỉnh trang được 6 khu như I1, I2, I3 Thái Hà, khu Nguyễn Công Trứ, khu 51 Huỳnh Thúc Kháng… 

Khối lượng các khu chung cư cũ lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo đô thị. Số lượng ước tính, riêng khu vực quản lý của nhà nước có 23 khu chung cư cũ, 10 khu nhà ở thấp tầng với hơn 1.500 căn nhà, khoảng hơn 1 triệu m2 đất. Nếu kể thêm các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng bằng vốn tự có thì có khoảng 60 khu chung cư, nhà ở cũ.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 dự án được duyệt quy hoạch là khu tập thể Tân Mai, Nguyễn Công Trứ và 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng; Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch được 8 dự án gồm: Tập thể Thành Công, A2, B1 - 2 - 3 Ngọc Khánh, khu A, B, D1 - 2 - 3 Ngọc Khánh, tập thể Giảng Võ, Nghĩa Tân, tập thể Thượng Đình, Thanh Xuân, Vĩnh Hồ, Quỳnh Mai; Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng B4, B14 Kim Liên; A6 Giảng Võ; Đang hoàn thiện các thủ tục đưa công trình D2, C7 Giảng Võ vào sử dụng thực tế; hoàn thành xây thô nhà N3 Nguyễn Công Trứ…

Trao đổi với phóng viên, đại diện của nhiều quận nội đô cho biết, công tác cải tạo chung cư cũ vẫn còn thiếu cơ chế, giải pháp mạnh. “Quy hoạch bị chậm triển khai, hạn chế chiều cao xây dựng, cộng với chính sách giải phóng mặt bằng, TĐC theo kiểu thỏa thuận đang khiến công tác này gần như bị tê liệt”, đại diện lãnh đạo một quận nêu ý kiến.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Ngyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu các sở, ban, ngành thực hiện tốt các quy hoạch phát triển Thủ đô; nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý Nhà nước; tăng cường sự tham gia, giám sát của cộng đồng và thực hiện các quy hoạch, dự án được duyệt. Đồng thời, phải hoàn thành quy hoạch không gian kiến trúc đô thị tiêu biểu của Thủ đô; chú trọng vào việc bảo tồn, kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa, không gian, kiến trúc, cảnh quan phố cổ, làng cổ, thành cổ đặc trưng của Thủ đô. Bên cạnh đó, cần chú trọng phát triển đồng bộ, hiện đại hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; tập trung đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ, hiện đại, thân thiện với môi trường, đáp ứng yêu cầu phát triển đô thị văn minh hiện đại, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung: giao thông, cấp, thoát nước, mạng lưới điện, viễn thông…

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu xây dựng các nhà máy, hệ thống thu gom nước thải tập trung và các trạm xử lý nước thải cục bộ, đặc biệt ở các KĐTM. Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án phát triển đô thị, phấn đấu đưa diện tích nhà ở đô thị bình quân theo đầu người toàn TP đạt 29 m2/người vào năm 2020; Tiếp tục tập trung phát triển các dự án NOXH; Hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các nguồn lực kinh tế tham gia cải tạo chung cư cũ trên địa bàn. 

Tại TP. HCM, theo thống kê của Sở Xây dựng Tp.HCM cũng cho biết, thành phố hiện có 1.244 chung cư. Trong số đó, gần 500 chung cư xây dựng trước năm 1975. Theo Hiệp hội Bất động sản Tp.HCM, trên địa bàn thành phố có khoảng 200 chung cư cũ được xây từ giữa những năm 1960, hiện đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Không hiếm những dãy nhà xập xệ, cũ kỹ như chung cư Cô Giang (quận 1), chung cư 272 Trần Hưng Đạo (quận 5)...

Không chỉ là các chung cư tọa lạc trên những khu đất vàng tại quận 1, nhiều chung cư còn nằm ngay tại các quận điểm của Tp.HCM như tại quận 5, quận 10, quận 11 cũng có chung số phận. Chỉ tính riêng quận 10 cũng có tới 88 nhà tập thể và chung cư. Nhưng đại đa số 36 chung cư và nhà tập thể hiện hữu đều rơi vào tình trạng xuống cấp trầm trọng, quá niên hạn sử dụng. Thậm chí, những chung cư này còn đứng trước nguy cơ sụp đổ bất cứ khi nào.

Vừa qua, UBND Tp.HCM đã xây dựng kế hoạch di dời, tháo dỡ 70 chung cư với tất cả hơn 7.200 hộ dân. Bên cạnh đó, thành phố còn triển khai xây mới 61 chung cư cũ, tổng cộng gần 10.000 căn hộ, tương đương với 900.000m2 sàn. Kế hoạch là vậy nhưng trên thực tế, thành phố vẫn chỉ tháo dỡ được 10 chung cư cũ (diện tích 40.000m2 sàn) sau 5 năm ráo riết chỉ đạo. Đơn cử, chung cư 727 Trần Hưng Đạo tại quận 5 từ lâu đã được cảnh báo về mức độ an toàn. Vì thế, thành phố quyết định xây mới chung cư này. Tuy nhiên, sau gần 10 năm chỉ đạo, chung cư này vẫn đến nay vẫn như cũ, thiếu an toàn và nhếch nhác.

Thực tế, Tp.HCM cũng đã sớm chỉ đạo, kêu gọi doanh nghiệp tham gia cải tạo và xây mới các chung cư cũ. Nhưng dựa trên thống kê thực tế Sở Xây dựng Tp.HCM thông tin có thể thấy, doanh nghiệp không mặn mà trong việc cải tạo, nâng cấp, xây mới chung cũ rất nhiều lý do. Hầu hết doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến họ thờ ơ với việc xây mới, cải tạo chung cư cũ là vì chưa có chính sách hỗ trợ và không có cơ chế phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp và người dân. Các doanh nghiệp cho hay, muốn cải tạo được bộ dạng của những chung cư cũ hiện tại cần phải có giải pháp rất cụ thể để tiến hành phương thức xã hội hóa.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Tiền Phong, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục