Chung cư sẽ "tiếp tục cháy" nếu thiếu dự phòng rủi ro

(Kinhdoanhnet) - Tại Hà Nội thời gian vừa đã xảy ra khá nhiều vụ cháy lớn tại các tòa nhà chung cư gây thiệt hại lớn cho người dân về tài sản. Trong khi đó, điều quan trọng là những ẩn họa như vậy dường như vẫn đang hiện hữu, nhất là tại các tòa chung cư giá rẻ, nơi các chủ đầu tư tối thiểu hóa các chi phí và chưa thực hiện đúng quy định về bảo hiểm cháy nổ cho các khu chung cư.

Chung cư sẽ "tiếp tục cháy" nếu thiếu dự phòng rủi ro - Ảnh 1
Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ tại các tòa nhà chung cư (ảnh minh họa)

Theo Cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội, nhiều tòa nhà chung cư hiện nay vẫn thiếu các công cụ cần thiết để đảm bảo an toàn cháy nổ như chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy, chưa có giải pháp thoát nạn theo cầu thang bộ xuống tầng hầm; không có hệ thống hút khói tòa nhà…

Cũng theo cơ quan này, không chỉ với các khu chung cư thu nhập thấp, xét chung tại Hà Nội, có 60/779 công trình đã đi vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy (tính đến hết quý II/2015).

Chưa kể, nạn báo cháy giả tại các chung cư do thiết bị báo cháy thiếu chính xác đã trở thành hiện tượng như cơm bữa, kể cả với khu cao cấp và sẽ rất nguy hại nếu một lúc nào đó chuông báo cháy thật vang lên mà người dân vẫn chủ quan cho rằng… do thiết bị báo cháy có vấn đề. Cách đây 1 tuần, tại tòa nhà của một khu chung cư cao cấp ở Nguyễn Trãi cũng từng xảy ra sự vụ này và đang được giải thích theo nhiều cách khác nhau là do lỗi hệ thống, test thử…

Với các căn hộ chung cư, nếu như giấy chứng nhận về phòng cháy chữa cháy được xem như lá bùa bảo vệ chủ đầu tư trước khi sự cố cháy xảy ra thì giấy chứng nhận bảo hiểm chung cư (được cung cấp bởi 27/29 DN bảo hiểm phi nhân thọ) được xem như tấm lá chắn cuối cùng bảo vệ người dân sau sự cố gây thiệt hại về người và tài sản. Nhưng tại Hà Nội, số chung cư mua bảo hiểm hiện mới trên đầu ngón tay, trong đó hầu như chỉ các khu cao cấp như Royal City, Time City, Keangnam… là có tham gia bảo hiểm cháy nổ.

Mặc dù có hàng trăm xe máy bị thiêu rụi nhưng hiện chưa có một DN bảo hiểm phi nhân thọ nào công nhận là đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm cháy nổ bắt buộc cho các tòa nhà bị cháy trên. Trong khi đó, phần lớn xe máy tại Việt Nam cũng chưa được mua bảo hiểm cháy nổ. Và như vậy, nếu sự cố cháy nổ trên được quy về nguyên nhân khách quan thì thiệt hại phần nhiều sẽ nghiêng về các chủ sở hữu.

Liên quan đến trách nhiệm của chủ đầu tư tòa nhà, Quy chế Quản lý sử dụng nhà chung cư tại Quyết định số 08/2008/QĐ – BXD của Bộ Xây dựng quy định, chủ đầu tư có trách nhiệm lựa chọn và ký hợp đồng với doanh nghiệp có chức năng và chuyên môn để quản lý, vận hành nhà chung cư (kể cả doanh nghiệp trực thuộc chủ đầu tư) kể từ khi đưa nhà chung cư vào sử dụng cho đến khi Ban Quản trị được thành lập. Việc quản lý, vận hành tòa nhà sau đó tùy thuộc vào Ban Quản trị.

Theo Cơ quan Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy TP. Hà Nội, tính đến quý II/2015, toàn Thành phố có 891 công trình nhà cao tầng. Trong số 779 công trình mới đưa vào sử dụng, có 60 công trình chưa được thẩm duyệt về phòng cháy, chữa cháy, 121 công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy, chữa cháy.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư, Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục