Chuyển nhượng BĐS: Quan trọng là dự án phải có khả năng tham gia thị trường!

(Kinhdoanhnet) - Để chuyển nhượng một dự án bất động sản, đổi khi chủ đầu tư phải chấp nhận lỗ, thậm chí lỗ nặng cũng chưa chắc đối tác đã chấp nhận mà điều quan trọng nhất là dự án đó phải có khả năng tham gia thị trường!

Chuyển nhượng BĐS: Quan trọng là dự án phải có khả năng tham gia thị trường! - Ảnh 1
Chuyển nhượng BĐS: Quan trọng là dự án phải có khả năng tham gia thị trường!

Đầu tư không hiệu quả, ngâm vốn lâu và dự án có thể bị thu hồi là tình cảnh của rất nhiều chủ đầu tư đang có ý định bán tháo bất động sản. Ông Nguyễn Văn Đực, Phó giám đốc Công ty Đất Lành, đơn vị đã chuyển nhượng Dự án Thái An 8x cho Hưng Thịnh Corp, cho biết: “Sức mình không làm được thì chuyển nhượng cho đối tác khác với giá mà cả hai bên cùng chấp nhận được.

Phải nhìn vào thị trường để thấy sau khi chuyển nhượng mình bớt được gánh nặng, còn chủ đầu tư mới phải có lãi. Muốn chuyển nhượng dự án, đừng bao giờ tính toán phải có lãi hoặc ít nhất phải hoà. Có khi phải chấp nhận lỗ, thậm chí lỗ nặng, nhưng cũng chưa chắc đối tác đã chấp nhận, mà điều cốt yếu họ muốn tìm hiểu là dự án có khả năng tham gia thị trường hay không”.

Tuy nhiên, các thương vụ M&A bất động sản thường rất kín tiếng là bởi trong quá trình thương thảo, bên mua và bên bán rất khó "gặp nhau" trong câu chuyện giá cả. Bên bán thì tiếc của, tiếc công bỏ ra nên hay "lăn tăn" khi lỗ quá, còn bên có tiền đương nhiên giữ thế thượng phong trong bối cảnh thị trường trăm người mua, vạn người bán hiện tạ

Về bối cảnh thị trường cho hoạt động M&A, ông Đặng Tiên Phong, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Sông Hồng phân tích: “Đây là giai đoạn các công ty nhà nước đang thoái vốn ngoài ngành, bất động sản là ngành được lựa chọn thoái vốn đầu tiên, bởi nguồn vốn đổ vào các khoản đầu tư này rất lớn. Những dự án có thể khởi động trở lại thì các công ty đã tính đến phương án khả thi như hợp tác đầu tư hoặc chuyển nhượng. Trong khi đó, bên có tiềm lực tài chính cũng ít khi tính đến phương án mua để dành cho tương lai, mà thường chọn những dự án có thể triển khai được ngay và có tiềm năng bán được hàng”.

Theo ông Hoàng Văn Thiềng, Chủ tịch HĐQT CTCP Du lịch Quốc tế Hòn Dấu, Công ty đang muốn chuyển nhượng lại dự án cho đối tác để chuyển hướng kinh doanh. Hiện khu du lịch này đã đi vào khai thác được khoảng 4 năm. Nhiều hạng mục đã đi vào hoạt động và doanh thu mỗi năm không nhỏ. Ông Thiềng cho biết, chuyển nhượng lúc dự án đang khai thác tốt thì mới dễ tìm đối tác. Tuy nhiên, với quy mô hơn 100 héc-ta, bao gồm hệ thống nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi giải trí, bãi biển nhân tạo lọc nước biển dài hơn 1 km cùng với nhiều lô biệt thự liền kề chưa có chủ…, thì đối tác chuyển nhượng phải thực sự có tiềm lực tài chính.

“Người mua phải thấy ngay rằng họ có lãi thì mới mua, còn bán rẻ hay không là do mình tính toán. Miễn hai bên đạt được thoả thuận. Muốn bán dự án lúc này không thể tham lam”, ông Thiềng nói.

Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, cho biết: "Các dự án khó bán vì có vị trí không đẹp, giá không tốt mặc dù đã có sổ đỏ, phê duyệt quy hoạch". Việc tìm kiếm nhà đầu tư mới cho dự án không hề dễ, và không phải thương vụ hợp tác nào cũng thành công. Một trong những chủ đầu tư chuyên đi mua lại dự án tiết lộ, việc mua lại dự án không phải dễ dàng. Không ít dự án chủ đầu tư đóng vai người đi mua cũng không đủ mạnh về tài chính nên mua lại dự án và rót vốn theo kiểu “nhỏ giọt”. Kết cục, cả hai bên đều đuối sức, bỏ cuộc, còn dự án thì tiếp tục “đắp chiếu”.

Trên thị trường bất động sản cũng đã có một số cuộc mua bán, hợp tác thành công, biến nhiều dự án “đắp chiếu” thành những dự án đắt hàng như Galaxy 9, Icon 5... của Tập đoàn Novaland. Những dự án này hầu hết đều có vị trí đẹp và giá cả hợp lý. Chính vì vậy, sau khi thay chủ đầu tư, dự án lại được hồi sinh, đổi tên và chào bán thành công trên thị trường.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo TBKTSG, ĐTCK)



KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục