Dòng tín dụng ngân hàng đang đổ mạnh vào BĐS

(Kinhdoanhnet) - Đó là ý kiến nhận định của nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA), ông Nguyễn Trần Nam khi phát biểu tại buổi lễ ra mắt Hội môi giới bất động sản khu vực phía Nam sáng 18/8 vừa qua.

Dòng tín dụng ngân hàng đang đổ mạnh vào BĐS - Ảnh 1
Dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS

Theo báo cáo của VNREA giao dịch tiếp tục tăng mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2015 Hà Nội có hơn 9.200 giao dịch thành công và TP.HCM có hơn 8.700 giao dịch thành công, tăng gấp hơn 2 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Lý giải về tình hình này, báo cáo cho thấy đó là do các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, gửi tiết kiệm đang dần trở nên kém hấp dẫn, và thị trường bất động sản tăng mạnh trở thành kênh đầu tư sáng giá nhất.

Còn theo ông Nguyễn Trần Nam, mặc dù thị trường có giao dịch tăng mạnh nhưng giá tương đối ổn định trừ một số trường hợp dự án bán tốt, tăng giá 1-2%. Dự án tốt thì có người mua nhiều, giá tăng là bình thường.

Bên cạnh giao dịch tăng mạnh thì theo ông Nam hiện nay dòng tiền đang đổ mạnh vào BĐS cũng là vấn đề đang được xã hội quan tâm. Điều đó có nghĩa là ngân hàng, người dân, công ty nước ngoài, các quỹ đầu tư …vẫn thấy đây là mảnh đất tạo được công ăn việc làm, tạo ra lợi nhuận tốt.

Trong lĩnh vực ngân hàng, số dư nợ tín dụng bất động sản cho đến nay đạt con số trên 360 nghìn tỷ đồng, so với con số thị trường bắt đầu khủng hoảng vào năm 2009 khoảng 180 nghìn tỷ (thấp nhất từ xưa đến nay) thì nay số vốn đã tăng lên gấp đôi, vượt cả thời điểm cao nhất 310 nghìn tỷ, đó là riêng tiền từ ngân hàng.

Còn dòng vốn từ người dân, theo tổng kết lượng kiều hối mỗi năm khoảng 11-12 tỷ USD. Riêng kiều hối đổ vào bất động sản ước tính khoảng 25% thì số tiền này cỡ khoảng 2,5-3 tỷ USD.

“Hiện nay một số quan chức đang có suy nghĩ bất động sản không khéo lại thế này thế kia, có ý định cắt giảm dòng tiền đổ vào BĐS, và cũng có những ý định phát ngôn là phải giảm dòng tiền xuống.” Ông Nguyễn Trần Nam nói.Tuy nhiên, theo quan điểm cá nhân ông Nguyễn Trần Nam không tán thành quan điểm này, và cho rằng cần tiếp tục có những đóng góp nhằm thúc đẩy thị trường phát triển nếu không thị trường sẽ lại gặp khó khăn.

Tính đến tháng 5/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89% chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tín dụng bất động sản đã tăng trở lại khá mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, nếu so với đầu năm 2012, tín dụng bất động sản đã tăng tới 70%. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 31/03/2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014.

Còn theo thông tin của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tính đến tháng5/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89% chiếm tỷ trọng 8,3% toàn hệ thống, cao hơn so với mức 7,96% của cùng kỳ năm ngoái.

Tuy nhiên, cũng theo Phó thống đốc, tín dụng bất động sản tăng chưa đến mức đáng lo ngại bởi tỷ trọng còn nhỏ. Hơn nữa, thời gian qua, tín dụng bất động sản chủ yếu đổ vào việc xây dựng hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở bán và cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân chứ không phải đầu tư vào kinh doanh bất động sản. Việc tín dụng bất động sản tăng đã góp phần giải phóng hàng tồn kho trong lĩnh vực xây dựng, sắt thép, xi măng…

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Báo Đầu tư)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục