Hơn 80% toà nhà chung cư tại Hà Nội chưa có ban quản trị

(Kinhdoanhnet) - Sở Xây dựng thành phố Hà Nội cho biết, hiện nay, trên địa bàn thành phố có tổng số 478 toà nhà chung cư, tuy nhiên mới chỉ có 79 ban quản trị đang quản lý 95 tòa nhà (đạt tỷ lệ gần 20%). Hiện trạng này đang khiến người dân sống trong các khu chung cư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi phát sinh những khiếu nại, tranh chấp với chủ đầu tư.

Hơn 80% toà nhà chung cư tại Hà Nội chưa có ban quản trị - Ảnh 1
Hơn 80% toà nhà chung cư tại Hà Nội chưa có ban quản trị

Có thể kể đến một số ví dụ như Khu đô thị Việt Hưng đã đi vào hoạt động nhiều năm nay song mới có 2/40 tòa nhà có Ban quản trị. Khu chung cư M3, M4 đưa vào khai thác từ cuối năm 2004 nhưng đến nay vẫn chưa có Ban quản trị. Tương tự, như vậy là hàng loạt tòa nhà khu vực Trung Hòa-Nhân Chính, Nam Từ Liêm, Việt Hưng (Long Biên)... Cuộc sống hàng ngày của hàng vạn hộ dân với vô vàn vấn đề bức xúc liên tục phát sinh thường chậm được giải quyết.

Đơn cử như, tòa nhà Nam Đô hiện có khoảng 500 hộ dân về ở, tương đương gần 2.000 người. Tòa nhà tới nay đã vận hành gần tròn 1 năm nhưng chưa có Ban quản trị. Vừa qua, tại khu chung cư này đã xảy ra một số tranh chấp giữa các hộ dân và chủ đầu tư, nhất là vấn đề nước sạch sinh hoạt bị ô nhiễm, ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người dân. Tuy nhiên, do chưa có Ban quản trị nhà chung cư nên người dân phải làm việc với chủ đầu tư qua hình thức Ban liên lạc bảo vệ quyền lợi. 

Theo quy định tại Quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội, quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Hội nghị này sẽ bầu ra Ban quản trị và thông qua bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư. Rõ ràng, trách nhiệm thành lập Ban quản trị nhà chung cư thuộc về chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã. Dù mô hình nhà chung cư đã tồn tại ở Hà Nội 16-17 năm, song tới nay, có tới 80% số tòa nhà vẫn chưa có Ban quản trị.

Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này trước hết do các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Tiếp đến, việc kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương mà trực tiếp là UBND quận, huyện, phường, xã, thị trấn cũng chưa quyết liệt.

Về giải pháp khắc phục, đảm bảo quyền lợi của cư dân chung cư, UBND TP Hà Nội cho biết, đã yêu cầu UBND các quận, huyện, thị xã khẩn trương kiểm tra, rà soát toàn bộ các tòa nhà chung cư theo địa bàn, có biện pháp đôn đốc các chủ đầu tư, đơn vị được giao quản lý vận hành khẩn trương tổ chức Hội nghị nhà chung cư theo đúng quy định. TP cam kết sẽ xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân cản trở việc thành lập Ban Quản trị nhà chung cư.

TP cũng đã giao Sở Xây dựng tăng cường công tác hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã trong việc thành lập Ban quản trị nhà chung cư; phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã giải quyết những khó khăn, vướng mắc, phát sinh trong công tác quản lý sử dụng, vận hành nhà chung cư... Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Quốc Hùng nêu rõ: “TP đã chỉ đạo các quận huyện rà soát lại tất cả các chung cư trên địa bàn, kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan tới việc chậm trễ thành lập Ban quản trị nhà chung cư. TP kiên quyết không để tình trạng này kéo dài mãi...”.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo CAND, Tiền Phong)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục