Hơn một nửa số dự án phát triển nhà ở tại TP. HCM đang đắp chiếu

(Kinhdoanhnet) - Theo kết quả khảo sát từ Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh cho biết, năm 2014 thành phố có khoảng 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng (chiếm 49,1%) và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư.

Hơn một nửa số dự án phát triển nhà ở tại TP. HCM đang đắp chiếu - Ảnh 1
Hơn một nửa số dự án phát triển nhà ở tại TP. HCM đang đắp chiếu

 

Qua khảo sát của HoREA, năm 2014 thành phố có khoảng hơn 1.400 dự án phát triển nhà ở, trong đó có 426 dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng (chiếm 30,36%), 201 dự án đang triển khai xây dựng (14,32%), 689 dự án đang ngưng triển khai đầu tư xây dựng (chiếm 49,1%) và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư. Đáng chú ý, trong số các dự án đang triển khai thực hiện, ngoài các dự án nhà ở trung bình và dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp thì có gần 110 dự án nhà ở vẫn chưa xác định được phân khúc.

Trong số các sự án triển khai chỉ có 46 dự án nhà ở dành cho người thu nhập thấp, đạt tỷ lệ gần 6,8% và 40 dự án nhà ở cao cấp, chiếm tỷ lệ 5,9%; còn lại là 108 dự án nhà ở chưa xác định được phân khúc, chiếm hơn 15,9%. Thực trạng này cho thấy còn khá nhiều chủ dự án đang phân vân, chưa xác định sẽ đầu tư theo phân khúc nào cho phù hợp để có thể tiêu thụ được sản phẩm ngay từ khi được phép rao bán căn hộ hình thành trong tương lai.

Mặt khác, với số lượng vỏn vẹn chỉ có 46 dự án nhà ở được xác định dành cho người thu nhập thấp sẽ hoàn thành trong những năm sắp tới so với nhu cầu còn rất lớn hiện nay, thị phần nhà ở giá rẻ này tại TP Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục đối mặt với nguy cơ thiếu hụt. Cũng do chỉ có 40 dự án nhà ở cao cấp, nên về lý do nhiều dự án bất động sản cao cấp dù tồn kho cũng ít chịu giảm giá những năm gần đây; việc giảm giá chỉ xảy ra với các nhà đầu tư thứ cấp, mua đi bán lại…

Ông Lê Hoàng Châu cho rằng, nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn đầu tư ở phân khúc thị trường bất động sản cao cấp với nhận thức là nhu cầu ở phân khúc này luôn luôn có sẵn. Đến cuối năm 2014, lượng hàng tồn kho trong 36 dự án điển hình được khảo sát trước đó 2 năm đã giảm rõ rệt. Phân khúc bất động sản cao cấp hồi phục cũng nhờ vị trí đắc địa, nhiều tiện ích, giá hợp lý và phương thức thanh toán linh hoạt.

Do đó, theo ông Châu ý kiến quan ngại về khả năng khủng hoảng thừa trong phân khúc thị trường căn hộ cao cấp tại TP Hồ Chí Minh là khó xảy ra nếu không nói là thiếu khi thị trường bất động sản nóng trở lại, nhất là khi quy định cho người nước ngoài được mua và sở hữu nhà không quá 30% căn hộ trong 1 tòa nhà chung cư, không quá 250 căn nhà trong 1 địa bàn phường được thực hiện trong năm nay.

Nhiều chuyên gia bất động sản tại TP Hồ Chí Minh đã cho rằng, thị trường nhà ở thành phố sẽ còn nhiều dự án ở phân khúc trung bình phải xuống hạng để giảm giá bán cho phù hợp với phân khúc nhà ở giá rẻ. Đồng thời, sẽ còn nhiều dự án trong số vài trăm dự án đang tạm ngưng triển khai nêu trên tiếp tục được chuyển nhượng cho các chủ đầu tư có tiềm lực, bởi lý do thiếu vốn.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã kiến nghị và đang chờ UBND TP.HCM xem xét hướng giải quyết đối với 689 dự án phát triển nhà ở đang tạm ngưng và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ đầu tư để giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp bất động sản, cũng như tránh thiệt hại cho nền kinh tế.

Cụ thể, ông Châu cho rằng, đối với 689 dự án phát triển nhà ở đang tạm ngưng triển khai đầu tư xây dựng và 85 dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ trương đầu tư, UBND TP.HCM cần quan tâm xem xét, có hướng xử lý, hỗ trợ chủ đầu tư có năng lực có cơ hội tái khởi động dự án theo quy định của pháp luật hiện hành để giúp cho DN vượt qua khó khăn, tránh lãng phí của cải xã hội và không gây thiệt hại cho nền kinh tế và tài sản hợp pháp của DN.

Theo ông Lê Hoàng Châu, sở dĩ quá trình chuyển đổi các dự án nhà ở vẫn diễn ra chậm, cũng như nhiều dự án vẫn đang trong quá trình xem xét một phần là do kết quả giải ngân gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng còn khiêm tốn. Ông Quân cho biết, không chỉ riêng tại TP.HCM, đến nay trong toàn quốc các ngân hàng mới giải ngân được hơn 12% là quá thấp và không đạt như kỳ vọng vì chưa tạo được cú hích cho thị trường bất động sản. 

Để tạo cú hích cho các dự án tạm ngưng, cũng như dự án đã bị thu hồi hoặc hủy bỏ chủ đầu tư, HoREA tiếp tục đề nghị thành phố cần thông thoáng khi quy định điều kiện và thủ tục cho chuyển nhượng dự án bất động sản giữa các nhà đầu tư và tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có năng lực thực hiện dự án.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Công An Nhân Dân, Đại đoàn kết)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục