Khó thành lập Ban quản trị vì quy định quá "rườm rà"?

(Kinhdoanhnet) - Đó là ý kiến của bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM. Theo đó, bà Loan cho rằng: Với các quy định về ban quản trị rắc rối như luật hiện nay thì chẳng ai muốn tham gia Ban quản trị vì quy định quá rườm rà, phức tạp.

Khó thành lập Ban quản trị vì quy định quá "rườm rà"? - Ảnh 1

Khó thành lập ban quản trị vì quy định "rườm rà"?

Hơn 80% toà nhà chung cư tại Hà Nội chưa có ban quản trị, đây thực là một vấn đề hết sức nan giải trong công tác quản lý nhà chung cư. Trong khi đó, các vấn đề góp ý dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều tranh cãi trái chiều.

 

Sáng 24/4 vừa qua tại TPHCM, Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản thuộc Bộ Xây dựng, đã tổ chức buổi tọa đàm góp ý dự thảo Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư. Phát buổi tại tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Dũng, Giám đốc Công ty Xây dựng Kinh doanh và Phát triển nhà Thành Trường Lộc, cho rằng dự thảo quy chế cần quy định rõ quyền hạn, trách nhiệm của Ban quản trị (BQT) chung cư để tránh việc BQT “núp bóng” dưới danh nghĩa đại diện cho cư dân để trục lợi.

Ông Dũng đề nghị cần có tên gọi khác hoặc một định nghĩa khác để nêu rõ hơn bản chất danh xưng BQT để tránh nhầm lẫn, tránh để những người làm BQT có thể lợi dụng và lạm quyền như hiện nay.

Tiếp đó, phát biểu với tư cách một cư dân tại một dự án cao cấp ở quận 7, bà Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, các quy định về ban quản trị rắc rối như luật hiện nay thì chẳng ai muốn tham gia BQT vì quá rườm rà, phức tạp. Cũng theo bà Loan, không phải dự án nào cũng cần BQT chung cư, nhất là các dự án cao cấp thì chủ đầu tư đã làm công việc quản lý, vận hành chung cư rất tốt. Bà Loan cho rằng, nếu thù lao mỗi thành viên chỉ bằng 1,5 mức lương tối thiểu hiện nay thì chẳng ai làm, trong khi ông Khởi phủ nhận mức thù lao này và cho hay, thù lao của mỗi thành viên tương đương với thù lao của một… tổ trưởng dân phố.

Theo ông Nguyễn Mạnh Khởi, Cục phó Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cũng cho rằng luật đã quy định như vậy thì bắt buộc chung cư phải có BQT với 3-5 thành viên mỗi tòa chung cư.

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và công sở - Sở Xây dựng TPHCM, đưa ra giải pháp, dự thảo quy chế nên cho phép chủ đầu tư đồng thời là BQT nếu được cư dân trong hội nghị nhà chung cư thống nhất. Theo ông Hải, điều này sẽ thuận tiện hơn cho những chung cư cao cấp, khi mà cư dân không mặn mà với việc tham gia BQT.

Cũng theo kinh nghiệm của ông Hải, dự thảo nên quy định chặt chẽ phần quản lý sở hữu chung, sở hữu riêng của chung cư để tránh trường hợp, các các chủ đầu tư trục lợi của khách hàng. Cụ thể, theo quy định mới, chủ đầu tư có quyền lựa chọn bãi giữ xe ô tô là sở hữu chung hay sở hữu riêng của chủ đầu tư. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư chọn hạng mục này là sở hữu riêng nhưng vẫn tính tiền vào giá trị chung cư để chia đều cho giá bán.

Nói về kinh phí quản lý vận hành chung cư, ông Nguyễn Tiến Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sài Gòn Triển Vọng – Savista, cho rằng dự thảo quy chế nên quy định rõ ràng chủ thể thu và quản lý việc sử dụng kinh phí quản lý là đơn vị quản lý hay BQT.

Theo ông Dũng, thực tế hiện nay tại các chung cư, có hai hình thức chính là thu hộ-chi hộ, tức là BQT sẽ là chủ thể thu các khoản phí, đơn vị quản lý được hưởng thù lao theo hợp đồng dịch vụ. Ngoài ra, còn hình thức tự thu-tự chi là đơn vị quản lý tự thu, tự chi trong khoản kinh phí quản lý chung cư.

Quy định tại Quyết định 01/2013 của UBND thành phố Hà Nội, quyết định 08/2008 của Bộ Xây dựng, khi có 50% tổng số căn hộ được bán trở lên thì chủ đầu tư phải có trách nhiệm tổ chức Hội nghị nhà chung cư lần đầu. Hội nghị này sẽ bầu ra Ban quản trị và thông qua bản nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư. Rõ ràng, trách nhiệm thành lập Ban quản trị nhà chung cư thuộc về chủ đầu tư và UBND các quận, huyện, thị xã. 

Hiện, trên địa bàn thành phố có tổng số 478 toà nhà chung cư, tuy nhiên mới chỉ có 79 ban quản trị đang quản lý 95 tòa nhà (đạt tỷ lệ gần 20%). Dù mô hình nhà chung cư đã tồn tại ở Hà Nội 16-17 năm, song tới nay, có tới 80% số tòa nhà vẫn chưa có Ban quản trị. Hiện trạng này đang khiến người dân sống trong các khu chung cư gặp rất nhiều khó khăn, nhất là khi phát sinh những khiếu nại, tranh chấp với chủ đầu tư.

Sở Xây dựng cho biết, nguyên nhân của tình trạng này trước hết do các chủ đầu tư chậm triển khai tổ chức Hội nghị nhà chung cư. Tiếp đến là việc kiểm tra, đôn đốc của chính quyền địa phương mà trực tiếp từ các cơ quan quản lý chưa quyết liệt, đặc biệt là do cơ chế chính sách còn quá nhiều tranh cãi cần tháo gỡ.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo TBKTSG, CAND)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục