Năm 2014: Vốn FDI đổ vào BĐS tăng gấp 3 lần so với năm 2013

(Kinhdoanhnet) - Theo thông tin từ Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2014, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào BĐS đã tăng gấp gần 3 lần so với năm 2013.

Năm 2014: Vốn FDI đổ vào BĐS tăng gấp 3 lần so với năm 2013 - Ảnh 1
Năm 2014: Vốn FDI đổ vào BĐS tăng gấp 3 lần so với năm 2013

Cụ thể, tính đến ngày 15/12/2014, ngành BĐS đã thu hút được 35 dự án đầu tư đăng ký mới, với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Năm 2014, vốn FDI vào BĐS tăng gần gấp 3 lần so với lượng vốn FDI đăng ký vào bất động sản năm 2013. Lĩnh vực kinh doanh BĐS đứng thứ 2 trong việc thu hút vốn FDI.

Cũng theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, trong năm 2013, vốn FDI vào bất động sản cao cấp mới và tăng thêm chỉ dừng ở mức 951 triệu USD với 20 dự án (năm 2012 là 1,9 tỷ USD).

Năm 2014, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu trong số các ngành, lĩnh vực thu hút vốn FDI với 774 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,49 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Lĩnh vực xây dựng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký.

Trái ngược với những lo ngại của nhiều chuyên gia về vốn FDI đổ nhiều vào bất động sản, Bà Phạm Chi Lan cho rằng vốn FDI đổ vào bất động sản đồng nghĩa với nguy cơ nhập siêu tăng cao trong tương lai bởi các nhà đầu tư phải nhập khẩu nguyên liệu để triển khai các dự án. Hơn nữa, các dự án bất động sản không tham gia xuất khẩu nên sẽ gây khó khăn cho việc cân đối ngoại tệ của Việt Nam khi các nhà đầu tư nước ngoài thu hồi vốn bằng nội tệ nhưng lại chuyển vốn ra nước ngoài bằng ngoại tệ, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài Phan Hữu Thắng cho rằng dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào lĩnh vực bất động sản là tín hiệu tốt cho nền kinh tế Việt Nam. 

Ông Phan Hữu Thắng lập luận rằng Việt Nam đang trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nguồn cung bất động sản còn thiếu rất nhiều. Trong khi các nhà đầu tư bất động sản trong nước gặp khó khăn, nếu nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục có nhu cầu thì “chúng ta vẫn hoan nghênh và tạo điều kiện cấp phép đầu tư”, ông Thắng nói. 

Còn theo ông Lê Đăng Doanh, việc gia tăng đầu tư vào bất động sản không giúp tạo ra việc làm cho người lao động, không thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, sản xuất và xuất khẩu và đặc biệt là có thể phá vỡ quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội. Một số chuyên gia khác còn cho rằng các dự án bất động sản hiện chỉ dồn vào phân khúc thị trường cao cấp, trong khi phân khúc nhà ở cho người thu nhập trung bình và thấp - đối tượng có nhu cầu thực sự về nhà ở - lại ít được quan tâm.

Tuy nhiên, theo ông Phan Hữu Thắng, vấn đề quan trọng hiện nay là các cơ quan chức năng và các địa phương phải nâng cao năng lực quản lý, giám sát và phân bổ nguồn vốn trong lĩnh vực bất động sản để đảm bảo sự phát triển cân bằng, bền vững của nền kinh tế và phù hợp quy hoạch phát triển.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo TTXVN, Báo Xây Dựng)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục