Năm 2015: Nhiều doanh nghiệp BĐS chưa thoát khó

(Kinhdoanhnet) - Thị trường BĐS đang trên đà hồi phục, tuy nhiên thực tế thống kê trên báo cáo tài chính của các doanh nghiệp bất động sản trong quý 1/2015 cho thấy có khoảng hơn 50% doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm so với cùng kỳ, trong đó thậm chí có một số doanh nghiệp còn thua lỗ. Trước đó, kết quả kinh doanh năm 2014 cho thấy nhiều doanh nghiệp vẫn chưa thoát khỏi vòng xoáy khó khăn.

Năm 2015: Nhiều doanh nghiệp BĐS chưa thoát khó - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp BĐS chưa thoát khó

Trong quý 1/2015 đã ghi nhận nhiều cái tên tiếp tục thua lỗ. Doanh nghiệp thua lỗ nhiều nhất là Đầu tư hạ tầng và Đô thị Dầu khí (PTL) với mức lỗ lên đến 15 tỷ đồng. Ngay quý trước đó, PTL đã có lợi nhuận 16 tỷ đồng nhưng lợi nhuận cả năm 2014 chỉ ở mức tượng trưng gần 3 tỷ đồng. Trước đó năm 2013, PTL đã thua lỗ tới 137 tỷ đồng. Doanh nghiệp về nhì trong việc thua lỗ là Kinh doanh & Phát triển Bình Dương (TDC) với mức lỗ 14 tỷ đồng trong quý 1. Những cái tên thua lỗ khác không thể không nhắc đến là Đầu tư và kinh doanh nhà Intresco (ITC), Đầu tư địa ốc Khang An… cũng bị thua lỗ nhẹ trong quý 1.

Ngoài những cái tên bị thua lỗ ở trên thì một dấu hiệu khác cho thấy ngành bất động sản vẫn chưa thoát khó khi có rất nhiều doanh nghiệp có kết quả kinh doanh sụt giảm. Những đại gia trong giới bất động sản như Quốc Cường Gia Lai (QCG), Sacomreal (SCR), Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIG), Nhà Từ Liêm (NTL), Năm bảy bảy (NBB) chỉ có lợi nhuận ở mức tượng trưng một vài tỷ đồng trên số vốn chủ sở hữu hàng nghìn tỷ đồng.

Hiện QCG có vốn chủ sở hữu gần 4.000 tỷ đồng, tổng nợ gần 3.000 tỷ đồng. QCG có tỷ lệ đòn bẩy tài chính không cao so với nhiều doanh nghiệp khác nhưng hoạt động của QCG rủi ro không ít. Trong suốt từ năm 2011 đến nay thì lợi nhuận của QCG chỉ đạt ở mức tượng trưng và việc triển khai các dự án của doanh nghiệp này rất chậm chạp. Doanh nghiệp này tích lũy một quỹ đất khổng lồ nhưng không có thanh khoản nên hàng năm “còng lưng” nộp lãi. Phần lớn lãi vay thực hiện dự án đều được vốn hóa nên làm cho giá thành sản phẩm lên rất cao.

Tương tự như QCG thì Sacomreal cũng gặp nhiều khó khăn trong những năm qua. Kết quả kinh doanh quý 1 của Sacomreal khá tốt. Tuy nhiên, rất may cho Sacomreal là trong thời gian vừa qua đã thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ bằng cách bán một số khoản đầu tư và chuyển đổi công năng một vài dự án. Mới đây Sacomreal cho biết đã chuyển nhượng thành công dự án Celadon City cho Gamuda Land Vietnam với tổng giá trị hợp đồng khoảng 1.400 tỷ đồng. Ngoài ra, Sacomreal cũng cho biết đã bán thành công 1.200 sản phẩm trong quý 2/2015. Mặc dù vậy, nhiều ý kiến vẫn cho rằng Sacomreal vẫn còn nhiều khó khăn và được thể hiện trong mức giá của doanh nghiệp này đang ở mức 8.000 đồng/cổ phiếu.

Thị trường bất động sản đang có những chuyển biến khá tích cực và nhiều doanh nghiệp đang hồi sinh mạnh mẽ. Tuy nhiên, dường như đây vẫn chỉ là bước khởi đầu. Thực tế rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang gặp khó khăn. Giá bất động sản dù phục hồi nhưng đang ở dưới mức giá vốn của họ do giá vốn tăng cao bởi lãi suất tích lũy trong suốt nhiều năm qua. Chắc chắn trong thời gian tới sẽ có một sự tái cấu trúc mạnh mẽ trên thị trường bất động sản.

Bên cạnh đó, qua thực tế trên thị trường cho thấy, nguồn cung căn hộ trên thị trường bất động sản hiện nay là rất lớn, trong khi hàng tồn kho còn nhiều đang đặt ra thách thức lớn trên thị trường, Đơn cử như tại Hà Nội trong III quý đầu năm, thị trường Hà Nội dự đoán sẽ đón nhận khoảng 13.000 căn hộ, trong đó, phần lớn căn hộ thuộc phân khúc hạng trung, có giá trên dưới 2 tỷ đồng/căn hộ. 

Do lượng căn hộ hạng trung quá lớn, nhiều chuyên gia trên thị trường bất động sản tỏ ra lo ngại về tình trạng dư cung có thể diễn ra trong thời gian tới. Bởi nếu tại phân khúc có nhu cầu lớn nhất bị dư cung, thị trường rất có thể sẽ lại rơi vào khó khăn hơn.

Do nguồn cung căn hộ quá lớn, ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư và Phát triển bất động sản EZ Việt Nam lo ngại thị trường sau một thời gian ngắn sốt nóng, sẽ chuyển sang "sốt lạnh" vì nguồn cung quá lớn. Khả năng này không phải không có cơ sở, bởi theo ông Toản, thị trường bất động sản đang hồi phục, nhiều dự án đã vội tăng giá, nhóm nhà đầu cơ cũng đã quay lại thị trường, chiếm khoảng 20% giao dịch. Trong khi đó, ngân hàng cũng đang bắt đầu dễ dãi trong việc cho vay vốn mua hoặc đầu tư bất động sản.

Cùng với đó, thời gian gần đây, thị trường bất động sản đang nghi nhận sự tăng giá đồng loạt tại nhiều dự án. Về vấn đề này, ông Trần Ngọc Quang, Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho rằng, Cần tránh tình trạng tăng giá bán một cách đột biến qua hệ thống bán hàng bởi điều đó sẽ phá vỡ sự phát triển lành mạnh của thị trường. Mục tiêu chúng ta là đưa giá BĐS về sát với giá trị thực, gần với nhu cầu của người dân, chứ không phải đưa giá BĐS ngày càng cao lên, sẽ rất nguy hiểm”

Mai Hoa -(Tổng hợp theo Cafeland, Báo Đầu tư)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục