Người dân phải làm gì khi "trót" mua nhà tại dự án nợ thuế?

(Kinhdoanhnet) - Hiện tại vẫn còn khá nhiều doanh nghiệp kinh doanh bất động sản còn nợ tiền sử dụng đất, đồng nghĩa với việc sẽ có một lượng lớn khách hàng chưa được cấp sổ đỏ cho căn hộ đã mua dù đã nộp đủ tiền cho chủ đầu tư. Câu hỏi đặt ra là liệu có nên tách bạch mối quan hệ giữa ba bên nhằm giúp bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người mua nhà!

Người dân phải làm gì khi "trót" mua nhà tại dự án nợ thuế? - Ảnh 1
Hà Nội hiện có 23 doanh nghiệp nợ thuế lớn với tổng số tiền 1.234 tỷ đồng.

Tổng số nợ thuế trên cả nước hiện nay đã lên tới 72.000 tỷ đồng, bằng 10% số thu, gấp đôi chỉ tiêu mà Quốc hội cho phép (tỉ lệ nợ thuế tối đa chỉ 5% so với số thu, tuy nhiên, con số này đến nay đã lên tới trên 10%).Trong danh sách của Cục thuế Hà Nội công bố có 23 doanh nghiệp nợ thuế lớn với tổng số tiền 1.234 tỷ đồng. Trong số đó, chủ yếu là các doanh nghiệp xây dựng và BĐS. Đứng đầu danh sách nợ thuế là Công ty Sông Đà Thăng Long với mức nợ lên đến 375,2 tỷ đồng.

Cục thuế Hà Nội cũng vừa công bố đợt 2 gồm 15 dự án bất động sản nợ tiền sử dụng đất, với tổng số tiền hơn 700 tỷ đồng. 15 dự án này chủ yếu tập trung tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Thanh Xuân . Trong đó dự án nợ nhiều tiền sử dụng đất nhất là Khu đô thị mới Phú Lương của Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Trung Việt với số tiền lên đến hơn 193 tỷ đồng. Công ty TNHH Quản lý và phát triển nhà Hà Nội cũng nợ hơn 150 tỷ đồng tiền sử dụng đất tại dự án Khu hỗn hợp TTTM, DV công cộng, VP và nhà ở để bán 108 Nguyễn Trãi.

Việc công khai danh sách các đơn vị nợ thuế lớn được Cục thuế Hà Nội thực hiện theo chỉ đạo gần đây Bộ Tài chính. Bộ Tài chính yêu cầu trong tháng này, ba đơn vị gồm cục thuế Hà Nội, Cục thuế TP HCM và Tổng cục thuế sẽ phải công khai danh sách 600 doanh nghiệp có số nợ thuế lớn nhất. Mỗi đơn vị công khai 200 doanh nghiệp, trong đó 100 doanh nghiệp có số nợ lớn và 100 doanh nghiệp có số nợ lớn gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu.

Trong việc xử lý sai phạm của các chủ đầu tư liên quan đến việc cấp sổ đỏ cho người mua nhà, ông Lê Thanh Nam, Trưởng phòng Đăng ký Thống kê đất đai (Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hà Nội) cho biết, Để giải quyết vấn đề nêu trên, tháng 8/2013, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Công văn số 327/TB-VPCP thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở cho người mua nhà của doanh nghiệp kinh doanh BĐS. Căn cứ vào văn bản này, UBND TP đã tiến hành chỉ đạo cấp giấy chứng nhận cho người mua nhà cho những trường hợp nhất định.

Cụ thể, đối với những dự án đã bàn giao nhà cho người mua trước ngày 31/12/2012 theo đúng quy hoạch và người mua đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì sẽ xem xét cấp giấy chứng nhận. Còn nghĩa vụ của chủ đầu tư sẽ được xử lý song song, ngành thuế sẽ có các biện pháp cương quyết, thậm chí là cưỡng chế để truy thu thuế của các đơn vị này. 

“Xử lý” ở đây không chỉ xử lý về vấn đề thuế mà cơ quan Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với các ngành có liên quan để xử lý những nội dung, vướng mắc khác như xây dựng sai phép, không đúng quy hoạch, kể cả vấn đề pháp nhân. Còn đối với những dự án bàn giao nhà cho người mua sau ngày 31/12/2012 mà chủ đầu tư vẫn còn nợ thuế thì các hộ dân sẽ không được xem xét cấp sổ đỏ - ông Nam cho biết.

Cũng theo ông Nam, Việc thực hiện nghĩa vụ (bao gồm cả nghĩa vụ tài chính) với Nhà nước vừa là trách nhiệm, vừa là quyền lợi của các chủ đầu tư. Chỉ sau khi hoàn thành các nghĩa vụ với Nhà nước thì doanh nghiệp mới có quyền bán và kinh doanh sản phẩm của mình. Điều này đã được quy định rất rõ trong các văn bản quy phạm pháp luật. 

Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, một số dự án của các chủ đầu tư do để lâu và triển khai chậm, quá trình huy động vốn trước đây có những quy định chưa được chặt chẽ, họ đã huy động bằng hợp đồng góp vốn hoặc hợp tác kinh doanh, sau đó mới chuyển thành hợp đồng mua bán… như thế là không đúng pháp luật. Chính vì thế, để giải quyết vấn đề này, như tôi đã nói ở trên, Văn bản 327 đã tách thành hai mối quan hệ riêng và cho phép xử lý song song: vừa cấp sổ đỏ cho người dân vừa tiếp tục xử lý những vi phạm của các chủ đầu tư. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, trước năm 2013, nếu các chủ đầu tư chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước thì người dân sẽ không được cấp giấy chứng nhận, nhưng từ năm 2014 đến nay, sau khi vận dụng Văn bản 327, bất cập trên mới được tháo gỡ.

Đưa ra lời khuyên đối với khách hàng khi mua nhà tại các dự án nhằm bảo bảo quyền lợi của khách hàng, ông Nam cho rằng: Để giảm thiểu rủi ro, khi ký hợp đồng mua nhà, người dân cần có những yêu cầu cụ thể đối với chủ đầu tư, chẳng hạn trong thời gian bao lâu chủ đầu tư phải làm sổ đỏ. Nếu chủ đầu tư không thực hiện theo đúng cam kết với khách hàng thì khách hàng có quyền khởi kiện chủ đầu tư ra tòa. “Anh” đã bán hàng cho tôi thì phải đảm bảo chất lượng và hàng phải tiêu dùng được; bán hàng mà không được phép tiêu dùng (ý nói nhà chưa có giấy chứng nhận thì không thể thế chấp, cầm cố được) thì đó là hàng cấm còn gì - 

Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng góp vốn hoặc mua bán căn hộ cũng như đất nền tại các dự án, khách hàng nên yêu cầu chủ đầu tư cung cấp các chứng từ, giấy tờ chứng minh việc đã hoàn tất nghĩa vụ với nhà nước.ông Nam khuyến cáo!

Mai Hoa - (Tổng hợp theo PLVN, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục