Nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc gặp họa vì đồng NDT mất giá

(Kinhdoanhnet) - Trong 3 ngày liên tiếp, Ngân hàng trung ương Trung Quốc lần lượt hạ tỷ giá tham chiếu với các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của nước này từ năm 1994, đảo ngược chính sách ổn định đồng nội tệ trước đó. Điều này đã khiến nhiều công ty Trung Quốc thiệt hại hàng tỷ USD, trong bối cảnh khối nợ đang tăng và kinh tế trong nước chậm lại trong đó có hoạt động của thị trường BĐS.

Nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc gặp họa vì đồng NDT mất giá - Ảnh 1
Nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nếu NDT yếu đi.

Từ ngày 11-13/8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) liên tục hạ giá nhân dân tệ (NDT) so với USD, với lý do thu hẹp khoảng cách giữa tỷ giá chính thức và tỷ giá trên thị trường. Các ngành công nghiệp xuất khẩu, như hàng dệt may và hóa dầu, sẽ hưởng lợi từ nội tệ yếu. Tác động tương tự cũng sẽ diễn ra với ngành thép, vốn đang khó khăn do dư thừa công suất trong nước. NDT mất giá có thể giúp họ tìm được đưa sản phẩm ra nước ngoài. Xuất khẩu tăng cũng khiến nhu cầu vận chuyển tăng theo. Đây sẽ là tin mừng cho ngành vận tải, tờ Wen Wei Po nhận xét.

Tuy nhiên, vài năm gần đây, lãi suất thấp trên toàn cầu và thị trường tín dụng trong nước bị thắt chặt đã khiến nhiều công ty Trung Quốc phải tìm tới nước ngoài để có các khoản vay giá rẻ. Từ năm 2010, doanh nghiệp nước này, từ các đại gia dầu mỏ quốc doanh đến các công ty bất động sản khát tiền, đã tích được khoản nợ đáng kể bằng USD.

Vì vậy, khi NDT yếu đi, khối nợ này sẽ phình lên. Mà hầu hết công ty Trung Quốc không có biện pháp phòng trừ rủi ro ngoại hối. Một là do chi phí này rất lớn. Hai là họ tự tin NDT sẽ không mất giá. Vì đồng tiền này đã mạnh lên vài năm gần đây.

Xu hướng hiện tại đáng báo động nhất với các công ty có tài chính yếu, được đánh giá tín nhiệm ở mức "rác". Trong số đó, các hãng bất động sản đi vay mạnh tay nhất trên thị trường quốc tế. Để kiềm chế cơn sốt địa ốc trong nước, Bắc Kinh gần đây đã cấm rất nhiều công ty bất động sản huy động vốn từ thị trường trong nước, hoặc cho phép họ vay nhưng với lãi suất trên trời. Việc này đã buộc doanh nghiệp phải tìm vốn nơi khác.



Hãng bất động sản Thượng Hải - Glorious Property là một ví dụ. Họ đã vay 300 triệu USD trái phiếu hồi tháng 10 năm ngoái. Với tốc độ giảm của NDT 3 ngày qua, hãng này sẽ phải trả thêm 57 triệu NDT (8,9 triệu USD).



Trong một báo cáo gần đây, ngân hàng Jefferies cho biết khoảng 40% nợ của các hãng bất động sản được niêm yết bằng USD hoặc đôla Hong Kong, tính đến cuối năm ngoái. Nợ tăng cũng sẽ khiến các hệ số tài chính của công ty xấu đi, làm tăng nguy cơ họ bị các hãng xếp hạng đánh tụt tín nhiệm.



Ngoài gánh nặng nợ nần, việc kinh doanh bất động sản cũng sẽ gặp khó khăn. Do đồng NDT mất giá sẽ khiến nhà đầu tư vội vàng rút tiền ra khỏi thị trường này.



Giá bất động sản ở Trung Quốc liên quan rất chặt chẽ với giá NDT. Trong giai đoạn 2005-2014, NDT mạnh lên, và giá bất động sản cũng tăng. Khi đó, nhà đầu tư đua nhau đổ tiền vào bất động sản với kỳ vọng NDT sẽ tiếp tục tăng giá. Tuy nhiên, diễn biến gần đây có thể sẽ chặn đứng xu hướng này. Theo giới phân tích, giá bất động sản tại những thành phố hạng ba và tư có thể biến động trong tương lai gần.



Nhiều doanh nghiệp BĐS Trung Quốc gặp họa vì đồng NDT mất giá - Ảnh 2
Tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tổng đầu tư 552 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vốn.

Đối với Việt Nam, hiện tại, Trung Quốc đứng thứ 9 trong 103 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đăng ký hơn 8,1 tỷ USD, chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, khai khoáng, xây dựng cơ sở hạ tầng… Tuy nhiên, con số này còn khá khiêm tốn so với mức vốn của Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Mỹ…

“Đồng nhân dân tệ mất giá chưa tác động rõ ràng đến đầu tư trực tiếp (FDI) của Trung Quốc vào Việt Nam vì đa phần nguồn FDI này đã được chuyển hóa qua kênh thương mại, thông qua con đường nhập khẩu máy móc thiết bị”, tiến sĩ Phạm Sỹ Thành - Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) chia sẻ.

Tuy nhiên, để lượng hóa tác động cụ thể là bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào cơ cấu dự án, trong đó có bao nhiêu phần trăm dùng để mua hàng, trả cho phía nhà thầu Trung Quốc và bao nhiêu phần trăm là do Việt Nam đảm nhận.Tuy nhiên, trong lĩnh vực hạ tầng, Trung Quốc đang tham gia nhiều dự án đường sắt đô thị, bởi vậy chi phí ở các dự án này có thể chịu ảnh hưởng. 

Lấy ví dụ với tuyến Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) tổng đầu tư 552 triệu USD do Trung Quốc tài trợ vốn, tổng thầu cũng là nước này. Khi nhân dân tệ mất giá, Việt Nam sẽ hưởng lợi khi máy móc thiết bị mua từ Trung Quốc rẻ hơn, song cũng có mặt hại là phần tiền chi trả cho nhà thầu trong nước, quy đổi từ nhân dân tệ ra tiền đồng sẽ ít đi

Mai Hoa - (Tổng hợp theo WSJ/Want China Times)


KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục