Những con số ấn tượng trên thị trường BĐS 2014

(Kinhdoanhnet) - Thị trường bất động sản năm 2014 đã ghi nhận hàng loạt những chuyển biến vô cùng tích cực. tích cực. Dưới đây là những con số ấn tượng của thị trường bất động sản trong năm vừa qua do bạn đọc Báo Kinh doanh và Pháp luật bình chọn.

 

Trong năm 2014, lượng vốn FDI đầu tư vào BĐS có những dấu hiệu tăng trưởng vượt bậc

Những con số ấn tượng trên thị trường BĐS 2014 - Ảnh 1
Năm 2014, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.

Cụ thể, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư), năm 2014, kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 trong số các lĩnh vực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, sau công nghiệp chế biến, chế tạo. 

Tính đến giữa tháng 12, bất động sản thu hút 35 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 2,54 tỷ USD, chiếm 12,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Như vậy, số vốn FDI vào lĩnh vực này trong năm 2014 tăng gần gấp 3 lần so với năm 2013 (cả cấp mới và tăng thêm là 951 triệu USD với 20 dự án). 

Cục Đầu tư Nước ngoài cũng cho biết, tính đến giữa tháng 12, dẫn đầu trong số các ngành, lĩnh vực thu hút vốn FDI là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 774 dự án đầu tư đăng ký mới, tổng số vốn cấp mới và tăng thêm là 14,5 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đứng thứ 3 là lĩnh vực xây dựng với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 1,05 tỷ USD, chiếm 5,2% tổng vốn đăng ký. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện năm 2014 đạt khoảng 12,4 tỷ USD, tăng 7,4% so với 2013 và cao hơn 2,9% so với kế hoạch.

Dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tăng dần. Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước Việt Nam, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 30/9/2014 đạt 293.160 tỷ đồng, tăng 11,8% so với thời điểm 31/12/2013. Tỷ lệ nợ xấu bất động sản cuối tháng 9/2014 là 3,9%, giảm so với tháng trước (thời điểm 31/8/2014 tỷ lệ nợ xấu là 4,7%) và tăng chút ít so với cuối tháng 12/2013 (thời điểm 31/12/2013 tỷ lệ nợ xấu là 3,38%). 

Dư nợ tín dụng đang tăng dần, các ngân hàng cung ứng trở lại nguồn vốn cho các dự án, lượng vốn cho vay mua nhà tăng lên, điều này đang cho thấy thị trường bất động sản đang có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. 

Tồn kho bất động sản giảm mạnh. 

Những con số ấn tượng trên thị trường BĐS 2014 - Ảnh 2
Tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 77.811 tỷ đồng.

Theo tổng hợp của Bộ Xây dựng trên cơ sở báo cáo của các tỉnh, thành cả nước tính đến ngày 20/11, tổng giá trị tồn kho bất động sản còn khoảng 77.811 tỷ đồng. So với Quý I/2013 tổng giá trị tồn kho đã giảm 50.737 tỷ đồng (tương đương giảm 39,47%), so với tháng 12/2013 giảm 16.647 tỷ đồng (giảm 17,62%), so với thời điểm 20/10/2014 giảm 2.760 tỷ đồng.

Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 15.774 căn (tương đương 24.114 tỷ đồng), tồn kho nhà thấp tầng là 13.058 căn (tương đương 21.344 tỷ đồng), tồn kho đất nền nhà ở là 8.642.414 m2 (tương đương 27.808 tỷ đồng), tồn kho đất nền thương mại là 1.637.782 m2 (tương đương 4.545 tỷ đồng).

Trên địa bàn TP.Hà Nội đang tồn kho khoảng 9.686 tỷ đồng. So với Quý I/2013 giảm 7.374 tỷ đồng (giảm 43,22%), so với tháng 12/2013 giảm 3.284 tỷ đồng (giảm 25,32%), so với thời điểm 20/10/2014 giảm 225 tỷ đồng). Trong đó, tồn kho căn hộ chung cư là 1.911 căn (tương đương 2.136 tỷ đồng), tồn kho nhà thấp tầng là 2.582 căn (tương đương 7.550 tỷ đồng).

Tổng giá trị tồn kho tại TP.HCM khoảng 14.911 tỷ đồng. So với Quý I/2013 giảm 13.831 tỷ đồng (giảm 48,12%), so với tháng 12/2013 giảm 2.558 tỷ đồng (giảm 14,64%), so với thời điểm 20/10/2014 giảm 406 tỷ đồng). Trong đó, tồn kho chung cư là 6.618 căn (tương đương 11.267 tỷ đồng), tồn kho nhà thấp tầng là 716 căn (tương đương 2.004 tỷ đồng), tồn kho đất nền nhà ở là 264.629 m2 (tương đương 1.203 tỷ đồng), tồn kho đất nền thương mại là 34.318 m2 (tương đương 437 tỷ đồng). Lượng tồn kho chủ yếu là những căn hộ diện tích lớn (trên 90m2) và tại các dự án xa trung tâm.

Hoạt động M&A diễn ra sôi động

Những con số ấn tượng trên thị trường BĐS 2014 - Ảnh 3
Hoạt động M&A diễn ra sôi động

Trong một báo cáo mới đây của Công ty nghiên cứu thị trường CBRE Việt Nam cho thấy, các công ty trong nước vẫn chiếm lĩnh thị trường người đi mua dự án (63% thị phần), và cũng có tới hơn một nửa thị phần của bên bán là công ty trong nước.

Khi thị trường BĐS suy thoái, giá trị tài sản xuống thấp, đó cũng là thời điểm nhiều tập đoàn lớn đi “săn” dự án trùm mền, đặc biệt trong bối cảnh thị trường địa ốc đang có “cửa sáng” như hiện nay, hoạt động M&A dự án lại càng diễn ra sôi động. Nhiều thương vụ giao dịch thành công như dự án Đông Nam (tp.HCM) do Him Lam mua lại từ Hoàng Anh Gia Lai trị giá 1.050 tỷ, 

Tại Hà Nội, Licogi 16 bán lại dự án Skypark Residence (Cầu Giấy, HN) cho Tổng Công ty Xây dựng Thanh Hóa trị giá 285 tỷ; Hải Phát cũng đang thâu tóm khu đất 5000m2 mặt đường Nguyễn Xiển, với dự án tháp đôi 27 tầng, quy mô 450 căn hộ, tổng mức đầu tư khoảng 1000 tỷ, Công ty An Gia mua lại các dự án An Gia Garden, An Gia Star, một phần dự án Lacasa; Capitalland mua lại các dự án The Vista, ParcSpring, Vista Verde, Sparkle, Mulberry & Harmony; Công ty Đất Xanh mua lại các dự án CT 15, Riverside Garden, Green City; FLC mua lại dự án Lavender (Hà Nội)… Dự kiến hoạt động M&A bất động sản trong năm tới sẽ tiếp tục tăng.

Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng giải ngân được 10%

Những con số ấn tượng trên thị trường BĐS 2014 - Ảnh 4
Gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã triển khai được 16 tháng nhưng mới chỉ giải ngân được 10%.

Tính đến thời điểm này, gói tín dụng 30 nghìn tỷ đồng đã triển khai được 16 tháng nhưng mới chỉ giải ngân được 10%. Trong khi thị trường BĐS đang có dấu hiệu chuyển biến khá rõ thì cả DN và người dân vẫn phải chứng kiến gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng ì ạch trong việc giải ngân. Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến 15/10/2014, đã có 8.900 khách hàng được ký hợp đồng tín dụng trong gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay từ các ngân hàng đạt 7.164 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24% tổng số tiền cho vay. 

Trong đó, khách hàng là hộ gia đình, cá nhân có 8.871 khách hàng cá nhân được ký hợp đồng tín dụng từ gói tín dụng hỗ trợ nhà ở với tổng số tiền cam kết cho vay là 3.738 tỷ đồng; ký hợp đồng tín dụng với 29 DN (32 dự án) với tổng số tiền cam kết giải ngân từ là 3.426 tỷ, giải ngân theo tiến độ đạt 1.262 tỷ. Nhu cầu nhà ở cao, giá cả giảm mạnh nhưng tiến độ cho vay của gói tín dụng như vậy là còn thấp, rất nhiều người mong muốn tiếp cận được gói hỗ trợ trên.

Vẫn biết gói tín dụng ưu đãi nói trên chỉ tác động trực tiếp đến phân khúc bình dân của thị trường bất động sản, nhưng thực tế cho thấy, nhu cầu về nhà ở của khách hàng cá nhân, nhất là ở những thành phố lớn như TP. HCM, Hà Nội luôn gia tăng. Vì thế, nhu cầu tín dụng, nhất là với tín dụng lãi suất thấp mua nhà để ở là rất lớn. Thông qua gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay 5%/năm được xem là động lực thúc đẩy phân khúc nhà ở có mức giá phù hợp ấm dần lên, qua đó khiến thị trường nói chung sôi động hơn. Thế nhưng, việc giải ngân nguồn vốn giá rẻ này vẫn khá "ì ạch"!

Mai Hoa - (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục