Phát triển NOXH: Vì sao các "đại gia" tháo chạy?

(Kinhdoanhnet) - Một thực tế hiện nay trên thị trường bất động sản là các “đại gia” trong giới đều chỉ chú trọng đến thị trường nhà ở thương mại mà không mấy mặn mà với nhà ở xã hội.

Phát triển NOXH: Vì sao các "đại gia" tháo chạy? - Ảnh 1
Phát triển NOXH: Vì sao các "đại gia" tháo chạy?

Theo ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Xây dựng Lê Thành cho biết, hiện công ty đang có chủ trương xây dựng 1.900 căn nhà ở xã hội cho công nhân thuê. Tuy nhiên, khi làm dự án, công ty gặp nhiều khó khăn về chính sách. Ông Lê Hữu Nghĩa cho rằng, “Chúng ta không có thiết kế tiêu chuẩn nào” vì luật hiện chưa có tiêu chuẩn thiết kế cho người thu nhập thấp. Điều này dẫn đến việc, các doanh nghiệp khó làm nhà ở xã hội.

Mật độ dân số cũng là lý do nhà ở xã hội chưa phát triển. Nhiều địa phương quy định mật độ dân số trên dự án như nhà ở thương mại. Các nhà đầu tư cho rằng không khả thi. Với người thu nhập thấp, họ ở ghép nhiều người trong một căn hộ nhằm tiết kiệm chi phí.

Với quy định như thế, doanh nghiệp cho rằng không thể thực hiện. “Bình thường dự án đó chỉ 500 dân, chúng tôi làm nhà ở cho công nhân nó lên 2.000 (dân). Căn hộ cho công nhân thuê 1,2 – 1,5 triệu/tháng, 20m2, đầy đủ tiện ích toilet, ban công nhưng không làm được vì vướng”, ông Lê Hữu Nghĩa phân tích.

Đại diện Công ty Cổ phần Tư vấn Thương mại Dịch vụ Địa Ốc Hoàng Quân nêu khó khăn khi hỗ trỡ khách hàng mua nhà ở xã hội. Theo đó, việc thẩm định hồ sơ là nhiêu khê nhiều nhất. Đại diện Hoàng Quân nêu một số ví dụ như việc xác nhận phụ lục thực trạng nhà ở phường, xã, thủ trưởng đơn vị sợ trách nhiệm liên đới trong xác nhận hồ sơ, Chi Cục thuế không hợp tác với công ty trong việc chứng minh thuế thu nhập cá nhân để khách hàng vay tiền ngân hàng… là một số khó khăn khi công ty bán nhà ở xã hội cho người dân.

Một nguyên nhân không kém phần quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư lớn không mặn mà nhà ở xã hội là biên độ lợi thấp. Theo Nghị định 188/2013/NĐ-CP về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, giảm thuế VAT, thu nhập doanh nghiệp… nhưng lợi nhuận bằng giá kiểm toán cộng với không quá 10% biên độ lợi nhuận. “Đây là yếu tố không hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM lý giải.

Đi tìm lời giải cho bài toán nhà ở xã hội ở TP.HCM, ông Lê Hoàng Châu nhấn mạnh: “Sắp tới đây, khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ ngày 1/7, Nhà nước cần loại bỏ vấn đề nhà ở xã hội xây xong rồi bán đi. Chuyện xây xong bán đi, tôi đề nghị hỗ trợ cho các doanh nghiệp xây nhà ở căn hộ nhỏ, căn hộ giá thấp, tiền sử dụng đất, tín dụng…”

Ông Châu cũng đề nghị, Nhà nước cũng cần tạo quỹ đất lớn nhằm xây dựng các công trình nhà ở xã hội lớn với tiện ích và giao thông kết nối. Điều này phù hợp với Luật Nhà ở khi Nhà nước áp dụng việc cho nhà đầu tư đóng tiền bằng với 20% diện tích dự án cho nhà ở xã hội vào quỹ nhà đất. Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh các vấn đề chính sách thủ tục vay vốn giải ngân từ phía ngân hàng cũng nên được xét duyệt nhanh chóng để có thể thu hút các đại gia nhảy vào phân khúc này.

Sở Xây dựng TP.HCM, cho biết hiện toàn Thành phố có 80 dự án đầu tư phát triển nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, Thành phố mới bàn giao được 2.000 căn hộ thuộc diện nhà ở xã hội. Như vậy, những con số báo cáo mới nhất đều cho thấy nó còn quá nhỏ so với chủ trương của Thành phố là đầu tư dự án nhà ở xã hội quy mô 41.000 căn với 3,4 triệu mét vuông sàn xây dựng và cho phép chuyển đổi 8 dự án nhà ở thương mại làm nhà ở xã hội với quy mô 7.600 căn.

Theo các chuyên gia, mỗi năm, Thành phố cần khoảng 30.000 nhà ở xã hội. Nhu cầu lớn là vậy nhưng thực tế rất ít đại gia tham gia phân khúc này. Thị trường nhà ở xã hội mới chỉ có những cái tên: Đức Khải, Hoàng Quân, Thiên Phát… mà thiếu các tên tuổi lớn. “Các doanh nghiệp không mặn mà với nhà ở xã hội, các đại gia đều từ chối: Vinhomes, Đại Quang Minh, CT Land, Novaland, Hưng Thịnh, Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn…”, ông Nguyễn Văn Đực nhận xét.

Bộ Xây dựng cũng cho biết, đến năm 2020, ước tính cả nước sẽ cần khoảng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội với diện tích trung bình 50m2/căn tại khu vực đô thị. Cụ thể, nhu cầu ở mỗi địa phương sẽ trong khoảng 130-140 nghìn căn ở 2 thành phố lớn là Tp.HCM và Hà Nội; phần còn lại sẽ tập trung tại một số địa phương trọng điểm như Hưng Yên, Đồng Nai, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng, Bình Dương, Thái Nguyên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bắc Ninh.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) nhận định, vấn đề đặt ra là cần tăng nhanh nguồn cung với nhà ở xã hội. Quan trọng là phải thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội và tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để hình thành nguồn vốn trung và dài hạn do Nhà nước cho vay ưu đãi. Bên cạnh đó, để hỗ trợ cho đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, việc tiếp tục huy động các nguồn vốn theo quy định của Luật Nhà ở, bao gồm công trái quốc gia, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ngân sách, trái phiếu,vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ…là vô cùng cần thiết.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Cafeland, HNM)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục