Quy định cho người nước ngoài mua nhà chưa thể tạo chuyển biến lớn cho thị trường BĐS

(Kinhdoanhnet) - Theo CBRE cho biết, số lượng người nước ngoài nói chung mua nhà ở tại Việt Nam hiện rất ít kể từ sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Trong quý 3/2015, số lượng người nước ngoài quan tâm đến nhà ở các phân khúc có tăng, giao dịch thành công chỉ từ những người đã và đang sinh sống tại Việt Nam một thời gian dài.

Quy định cho người nước ngoài mua nhà chưa thể tạo chuyển biến lớn cho thị trường BĐS  - Ảnh 1
Số lượng người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam hiện rất ít kể từ sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015


Thời gian đầu năm 2015 đến nay nhiều doanh nghiệp BĐS trên địa bàn Tp.HCM đã chuẩn bị sẵn một nguồn hàng khá lớn để đón khách ngoại. Thậm chí, có một vài doanh nghiệp còn tuyên bố rằng đã bán được nhà cho người nước ngoài với tỷ lệ trên 30-40%. 

Trong tháng 9 vừa qua, những dự án lớn cũng đã được quảng bá mạnh và mở bán rầm rộ hơn như: cụm 7 dự án mới của tập đoàn BĐS Novaland là Sunrise Cityview, Sunrise Riverside, The Park Avenue, Orchard Parkview, Duxton, Golden Mansion, Newton Residence; dự án căn hộ EveRich 3 và 4 của tập đoàn BĐS Phát Đạt; Dự án Diamond Lotus của Phúc Khang Corporation, hay 100 căn hộ Block C của dự án Him Lam Chợ Lớn… 

Tất cả đều đã được mở bán và thu hút rất nhiều khách hàng nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu. Tuy nhiên, chỉ một số ít khách hàng nước ngoài đã đồng ý ký kết được hợp đồng, đa số khách hàng là người nước ngoài chỉ mới đến tham quan, tìm hiểu các sản phẩm nhà ở.

Chẳng hạn, theo nghiên cứu của CBRE Việt Nam, đối với dự án Vinhomes Central Park đến nay mức độ quan tâm của người nước ngoài tăng khoảng 30%, có 400 người đặt cọc mua căn hộ. Dự án Vista Verde có khoảng 5% giao dịch thành công, mức quan tâm ở 30%. Dự án The Vista chưa có giao dịch nào của người nước ngoài diễn ra, trong khi mức quan tâm tăng trên 70%.

Cũng theo CBRE, số lượng người nước ngoài nói chung mua nhà ở rất ít kể từ sau khi Luật Nhà ở sửa đổi có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2015. Trong quý 3/2015, số lượng người nước ngoài quan tâm đến nhà ở các phân khúc có tăng, giao dịch thành công chỉ từ những người đã và đang sinh sống tại Việt Nam một thời gian dài.

Theo nhận định của VinaCapital, do chính sách này vẫn còn mới, chưa tạo được sự chuyển biến gì lớn cho thị trường, do còn vướng nhiều thủ tục như cho người nước ngoài vay tiền mua nhà, thế chấp tài sản, giá bán… Từ đó, VinaCapital cho rằng trong 6-12 tháng tới, việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ không xảy ra nhiều như kỳ vọng nếu những khó khăn trên không được tháo gỡ.

Cùng quan điểm trên, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng chúng ta đừng quá kỳ vọng việc người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam sẽ ngay lập tức đẩy thị trường BĐS phát triển. Bởi vì, 3 điểm nghẽn lớn là quy định hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở đối với nội dung này chưa được ban hành; thủ tục mua nhà, thế chấp, hợp đồng mua nhà rườm rà; pháp lý chuyển nhượng nhiêu khê.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty địa ốc Đất Lành, thì cho biết không phải đợi đến khi có luật cho phép thì người nước ngoài mới mua nhà ở Việt Nam. Trong những năm qua, bằng nhiều hình thức khác nhau, người nước ngoài hay Việt kiều đều đã có nhà đất. Do vậy, thị trường sẽ không có biến động lớn với trường hợp này.

“Theo dự báo của tôi, sức mua nhà ở của người Việt kiều sắp tới sẽ không cao. Người nước ngoài cũng khá dè dặt vì BĐS của chúng ta có khả năng tiếp tục tăng giá cao. Bên cạnh đó, người nước ngoài thường vài ba năm lại thay đổi chỗ ở theo nhiệm vụ công việc, trong khi thủ tục mua bán nhà ở Việt Nam còn rườm rà nên mức tác động lên thị trường không cao, sức mua của thị trường cũng chỉ 1-2%”, ông Đực nhận định.

Đã gần 3 tháng kể từ khi Luật Nhà ở 2014 chính thức có hiệu lực, những nút thắt liên quan đến chính sách mua nhà cho người nước ngoài và Việt kiều, sự chậm trễ ban hành, triển khai các văn bản hướng dẫn thi hành Luật vẫn đang là những cản trở rất lớn đối với người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam cần được nhanh chóng tháo gỡ.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, VTV)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục