Sau 10 năm: Chương trình cải tạo chung cư cũ thực hiện được 2%!

(Kinhdoanhnet) - Dù cho đã qua hơn 10 năm khởi động nhưng số chung cư được cải thiện nằm trong chương trình cải tạo và xây mới chung cư đến nay vẫn không vượt quá con số 2%.

Sau 10 năm: Chương trình cải tạo chung cư cũ thực hiện được 2%! - Ảnh 1
Sau 10 năm: Chương trình cải tạo chung cư cũ thực hiện được 2%!

Đó là con số vừa được Bộ xây dựng công bố. Theo đó, Bộ Xây dựng cho biết, số chung cư cũ trên toàn quốc lên tới con số gần 1700 và rất nhiều khu chung cư trong số này trong tình trạng xuống cấp trầm trọng và đe doạ tới tính mạng cũng như tài sản của người dân. Hà Nội và Tp.HCM vẫn là hai nơi dẫn đầu cả nước về số chung cư cũ với 1.516 căn ở Hà Nội và hơn 530 căn ở Tp.HCM. Dù đã cố gắng và nỗ lực rất nhiều nhưng mới chỉ có 14 chung cư cũ ở Hà Nội và 38 chung cư cũ ở Tp.HCM là được xây dựng lại.

Tại Hà Nội, hiện đang có khoảng 1.100 khu chung cư cũ trong đó số lượng khu chung cư nguy hiểm mức độ C, D cần cải tạo là 68 khu. Trong đó, gần 10 năm qua Hà Nội mới chỉnh trang được 6 khu như I1, I2, I3 Thái Hà, khu Nguyễn Công Trứ, khu 51 Huỳnh Thúc Kháng…

Khối lượng các khu chung cư cũ lớn gây ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo đô thị. Số lượng ước tính, riêng khu vực quản lý của nhà nước có 23 khu chung cư cũ, 10 khu nhà ở thấp tầng với hơn 1.500 căn nhà, khoảng hơn 1 triệu m2 đất. Nếu kể thêm các khu nhà do doanh nghiệp xây dựng bằng vốn tự có thì có khoảng 60 khu chung cư, nhà ở cũ.

Tuy nhiên, tính đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có 3 dự án được duyệt quy hoạch là khu tập thể Tân Mai, Nguyễn Công Trứ và 59 - 63 Huỳnh Thúc Kháng; Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch được 8 dự án gồm: Tập thể Thành Công, A2, B1 - 2 - 3 Ngọc Khánh, khu A, B, D1 - 2 - 3 Ngọc Khánh, tập thể Giảng Võ, Nghĩa Tân, tập thể Thượng Đình, Thanh Xuân, Vĩnh Hồ, Quỳnh Mai; Đã hoàn thành và đưa vào sử dụng B4, B14 Kim Liên; A6 Giảng Võ; Đang hoàn thiện các thủ tục đưa công trình D2, C7 Giảng Võ vào sử dụng thực tế; hoàn thành xây thô nhà N3 Nguyễn Công Trứ…

Các chung cư cũ ở Hà Nội vốn là những khu tập thể rất lâu đời được xây dựng từ những năm 1960-1970, được Nhà nước phân phối với quỹ nhà tầm 3 triệu/m2 cho các cán bộ công nhân viên chức trong thành phố. Có thể kể đến một vài khu tập thể có quy mô lớn như: Khu tập thể Giảng Võ, Kim Liên, Thành Công, Nguyễn Công Trứ, Văn Chương, Quỳnh Mai,…

Theo thời gian, cùng với biết bao thế hệ đã sinh sống trong các khu tập thể này, chất lượng nhà ở cũng theo đó mà giảm sút trông thấy, người dân còn tự ý sửa chữa đến mức biến dạng công trình, trở thành mối nguy hiểm luôn rình rập cuộc sống của họ bất cứ lúc nào.

Tương tự như Hà Nội, đa phần 200 chung cư có tuổi đời trên 50 năm tại Tp.HCM đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, một trong số đó còn trong tình trạng báo động đặc biệt nguy hiểm như chung cư Cô Giang quận 1, chung cư 727 Trần Hưng Đạo quận 5,...

Theo Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, các chung cư cũ đang được xây mới lại với tiến độ rất chậm và chưa đáp ửng được nhu cầu của người dân nơi đây. Tuy nhiên, cũng vì thiếu cơ chế, chính sách phù hợp với yêu cầu của doanh nghệp và người dân nên hầu hết các doanh nghiệp cũng chẳng mấy mặn mà với việc tham gia nâng cấp, xây dựng lại các chung cư cũ cải tạo. Những khó khăn trong việc bồi thường di dời dân tại các khu dự án này khiến doanh nghiệp khá mệt mỏi.

Điển hình như chung cư 727 Trần Hưng Đạo, quận 5, Tp.HCM, trong khi doanh nghiệp đã được thành phố chấp thuận triển khai dự án đầu tư xây mới nhưng một số hộ dân vẫn không chịu di dời bởi chưa thể chấp nhận phương án bồi thường. Nút thắt ở chỗ, lợi ích 3 bên giữa Nhà nước - người dân - doanh nghiệp chưa được cân bằng. Để tiết kiệm chi phí, doanh nghiệp phải chọn phương án đền bù tốt nhất cho họ, thuê quỹ nhà tạm cư xa.

Tuy nhiên, theo tính toán, doanh nghiệp sẽ phải dành 10 tầng để chi trả cho người dân tái định cư nếu tiến hành cải tạo một khu nhà 5 tầng, không những vậy, để có lãi, phía doanh nghiệp sẽ cần xây thêm ít nhất 10 tầng nữa để bán thương mại.

Song song với đó, đa phần các khu tập thể cũ bị giới hạn số tầng, độ cao theo quy định vì đều nằm trong khu vực nội thành. Cũng vì thế, bài toán lợi ích của doanh nghệp cũng khó có thể cân bằng được bởi số tầng xây mới là không đủ.

Bên cạnh đó là rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc cải tạo chung cư cũ gặp khó khăn như một số chính sách chưa đi sát thực tiễn, bồi thường, giải phóng mặt bằng, mâu thuẫn lợi ích giữa người dân và doanh nghiệp...

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Vietnam+, Infonet)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục