Siết tín dụng BĐS: Dự án tốt không sợ "ế hàng"!

(Kinhdoanhnet) - Với việc các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt cho vay bất động sản, thị trường sẽ ngày càng được thanh lọc. Trong tương lai, sẽ chỉ có các chủ đầu tư tiềm lực mạnh về tài chính và dự án sở hữu những ưu thế vượt trội mới có thể đứng vững trên thị trường

 

Siết tín dụng BĐS: Dự án tốt không sợ "ế hàng"! - Ảnh 1
Với việc các ngân hàng thương mại sẽ kiểm soát chặt cho vay bất động sản, thị trường sẽ ngày càng được thanh lọc. 

 

Theo Thông tư 06/2016 sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 36/2104, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 50% từ ngày 1/1/2017 và giảm tiếp còn 40% từ ngày 1/1/2018. Ngoài ra, hệ số rủi ro của các khoản vay bất động sản sẽ tăng từ 150% lên 200% từ đầu năm 2017.

So với bản dự thảo công bố trước đó, quy định tại Thông tư 06 có phần “nhẹ nhàng” hơn để giúp thị trường có sự chuẩn bị tốt hơn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tín dụng cho bất động sản vẫn theo hướng siết.

 

Không chỉ tín dụng bị siết chặt hơn, theo các chuyên gia bất động sản, khách mua nhà hiện đã ngày càng thông minh và kỹ tính. Không còn “nhắm mắt” chạy theo những lời quảng bá như trước, họ thường tìm hiểu rất kỹ năng lực của chủ đầu tư, các yếu tố pháp lý, tiện ích và tiến độ triển khai của dự án rồi mới quyết định xuống tiền.

 

Theo ông Phạm Thanh Hưng, Phó chủ tịch Công ty Bất động sản Thế kỷ cho biết, thắt chặt tín dụng là việc làm cần thiết để đưa thị trường vào trạng thái ổn định hơn. Tất nhiên, sẽ có ảnh hưởng nhất định cho cả chủ đầu tư và người mua nhà. Thế nhưng, khi đó mới rõ đâu sẽ là những chủ đầu tư có năng lực thực sự.

“Họ sẽ bắt buộc phải thông minh hơn, sáng suốt hơn, có các kế hoạch triển khai dự án một cách rõ ràng và tốt hơn, thay vì cứ phụ thuộc vào “bầu sữa” tín dụng từ các ngân hàng. Sân chơi tương lai là dành cho những doanh nghiệp có tầm vóc và năng lực thực sự. Như vậy, thị trường mới ổn định và công bằng hơn”, ông Hưng nhấn mạnh.

 

Theo bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc Phân tích CBRE Việt Nam cũng cho rằng, nhịp điều chỉnh của thị trường sẽ chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi Thông tư 06, mà chủ yếu là do yếu tố tâm lý. Chỉ đến cuối năm, chính sách mới thể hiện tác động rõ hơn, trong đó các dự án mới triển khai, hoặc bắt đầu triển khai sẽ là những đối tượng bị ảnh hưởng khi việc huy động vốn trở nên khó khăn hơn. Khi đó, nhiều doanh nghiệp sẽ buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch triển khai các dự án, để giảm rủi ro trong dài hạn.

Theo bà An, ngoài việc phải tính tới việc hợp tác với nhiều chủ đầu tư khác đang có nhu cầu cùng triển khai, thì doanh nghiệp cũng sẽ phải thay đổi cả cơ cấu sản phẩm.

“Việc thay đổi cơ cấu sản phẩm ở đây không có nghĩa là phải thu gọn và tinh giảm số lượng căn hộ của dự án, mà là phải tính toán lại thời điểm mở bán và cung sản phẩm ra sao cho phù hợp với khả năng hấp thụ của thị trường”, bà An cho biết.

Mai Hoa - (Theo Báo đầu tư, Tnck)

 

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục