Siết tín dụng sẽ làm tăng giá BĐS?

(Kinhdoanhnet) - Đối với chủ đầu tư sẽ khó tiếp cận nguồn vốn vay, đồng thời lãi suất vay sẽ cao hơn làm cho chi phí đầu vào của dự án sẽ cao hơn mà tất cả các chi phí này người mua sẽ là người gánh chịu. Do đó, nhiều chuyên gia nhận định, khả năng tăng giá BĐS do ảnh hưởng từ việc Ngân hàng siết tín dụng là rất dễ xảy ra.

Siết tín dụng sẽ làm tăng giá BĐS? - Ảnh 1
Giá BĐS có thể tăng do ảnh hưởng từ việc Ngân hàng siết tín dụng

Thời gian vừa qua, thị trường BĐS đang "nóng hừng hực" với Thông tư 36. Trên thực tế đã có nhiều quan điểm, ý kiến sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-Ngân hàng Nhà nước, trong đó có dự kiến giảm mạnh trần dùng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 60% hiện tại xuống còn 40% và nâng cao hệ số rủi ro của những khoản phải đòi về BĐS từ 150% lên thành 250%.

VNREA cho biết, thị trường BĐS mới hồi phục, chỉ có một số dự án BĐS tốt ghi nhận thanh khoản cao, còn hầu hết nhiều dự án vẫn gặp khó khăn. Nếu như điều chỉnh Thông tư 36 sẽ có tác động tiêu cực tới thị trường BĐS Việt Nam, ảnh hưởng xấu tới nhiều thị trường khác có liên quan. Làm như vậy, cả nền kinh tế có thể bị tác động xấu...Ngày 24/2/2016, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có văn bản gửi Thống đốc Ngân hành Nhà nước và các cơ quan, ban ngành kiến nghị chưa nên tiến hành sửa đổi Thông tư 36.

Ông Trần Hải Minh, Tổng giám đốc Công ty TECCO phân tích, quy định mới như dự thảo của NHNN sẽ khiến doanh nghiệp khó vay vốn hơn, nhất là vốn cho đầu tư bất động sản thường là vốn trung và dài hạn. Đồng thời, quy định này cũng khiến doanh nghiệp phải trích lập dự phòng cao hơn, làm tiền nằm một chỗ sẽ tăng lên. Do vậy, thời điểm này các doanh nghiệp BĐS đều đang trông ngóng những động thái mới nhất từ NHNN, trong khi đó họ khá dè dặt đưa dự án mới ra thị trường.

“Làm địa ốc thì nguồn vốn phụ thuộc lớn nhất là các ngân hàng thương mại. Trong khi thị trường đang có tín hiệu phục hồi mạnh, nếu các cơ quan quản lý siết van tín dụng một cách đột ngột thì doanh nghiệp chúng tôi sẽ vô cùng khó khăn. Dự án nhiều đồng nghĩa với việc nguồn vốn đầu tư cao, nhưng không vay được thì vốn lại tiếp tục chôn trong dự án”, một doanh nghiệp khác cho biết.

Ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển bất động sản Phát Đạt cho biết: “Để khởi động dự án mới, thì Phát Đạt sẽ phải tính toán nhiều hơn nữa, nhưng nhìn chung, quy định mới sẽ khó khăn cho cả doanh nghiệp và người mua nhà”.

Với khả năng tín dụng BDS bị siết lại, theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, các ngân hàng thương mại được dự kiến sẽ có những hành vi như sau: các ngân hàng sẽ tăng lãi suất cho vốn huy động trung và dài hạn để có nguồn vốn đáp ứng nhu cầu cho vay BDS trung và dài hạn. Do đó lãi suất cho vay BDS có khả năng sẽ tăng.

Khả năng thứ hai, vì hệ số rủi ro cho tín dụng BDS tăng cao (từ 150% lên 250%) sẽ buộc các ngân hàng phải siết lại cho vay BDS hoặc tăng vốn tự có. Điều này sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các ngân hàng và do đó có khả năng các ngân hàng sẽ phải tăng lãi suất cho vay để bù trừ cho lợi nhuận bị thiệt hại.

"Chính vì thế lãi suất cho vay BĐS trong thời gian tới nếu việc sửa đổi thông tư 36 được thực hiện sẽ có khả năng gây bất lợi cho các nhà kinh doanh và đầu tư BDS và cả người mua BDS vì giá BDS có thể sẽ tăng, và việc vay vốn ngân hàng sẽ bị hạn chế", TS. Hiếu nói.

Nếu ngân hàng nhà nước ban hành thông tư 36 sửa đổi siết một phần vốn vào thị trường bất động sản, nó sẽ ảnh hưởng ngay lập tức trong ngắn hạn đối với thị trường, giá nhà ở trong năm nay sẽ có biến động theo hướng tăng do lãi suất cho vay BĐS có khả năng sẽ tăng - nhiều chuyên gia chung nhận định.


Mai Hoa - (Tổng hợp)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục