Thị trường BĐS sôi động và những nỗi lo!

(Kinhdoanhnet) - Từ nửa cuối năm 2014, thị trường bất động sản bắt đầu nghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực nhất là về thanh khoản. Tuy nhiên, đằng sau sự sôi động này, nhiều lo ngại đã bắt đầu xuất hiện.

Thị trường BĐS sôi động và những nỗi lo! - Ảnh 1
Thị trường BĐS sôi động và những nỗi lo!

Mặc dù năm 2014, thanh khoản của phân khúc căn hộ tại Hà Nội tăng liên tục, thậm chí tăng đột biến vào cuối năm, song lượng giao dịch lớn vẫn được duy trì. Theo thống kê, trong quý I/2015, lượng giao dịch căn hộ tại thị trường Hà Nội vẫn tăng và cao gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2014.

Tận dụng sự hưng phấn của thị trường, các doanh nghiệp chạy đua mở bán. Từ đầu năm 2015 đến nay, thị trường tưởng chừng ‘bội thực’ các đợt mở bán, nhưng rất nhiều dự án công bố có lượng sản phẩm được khách hàng đặt mua rất cao.

Cụ thể, Tập đoàn Mường Thanh từ giữa năm 2014 đến nay đã tung ra thị trường vài nghìn căn hộ giá rẻ tại Khu đô thị Linh Đàm, nhưng vẫn được hấp thụ hết. Hay Đất Xanh Miền Bắc, từ đầu năm 2015 đến nay cũng đã mở bán cả chục dự án, có dự án lên tới 400-500 căn hộ, nhưng doanh nghiệp vẫn bán hết trong một thời gian ngắn. Trong khi đó, lượng căn hộ được Hệ thống siêu thị dự án đưa ra trong các đợt mở bán cũng nhiều không kém. Việc mở bán dự án mới được đơn vị này thực hiện liên tục cho thấy nhu cầu thị trường rất lớn.

Ngoài các đơn vị phân phối trên, tại Hà Nội, còn hàng chục đơn vị phân phối lớn nhỏ khác, từ đầu năm 2015 đến nay, cũng tung ra thị trường hàng nghìn căn hộ. Thống kê của Hiệp hội Bất động sản mới đây cho thấy, trong gần 6 tháng đầu năm, Hà Nội đã có khoảng hơn 14.000 giao dịch thành công. 

Thanh khoản thị trường cải thiện là một tín hiệu đáng mừng với các doanh nghiệp bất động sản cũng như nền kinh tế. Song, cũng có không ít ý kiến lo ngại về điều này. Sự bùng nổ về thanh khoản khiến một bộ phận không nhỏ nhà đầu tư trở lại nhập cuộc thị trường. Sự tham gia của đội ngũ nhà đầu tư, đầu cơ khiến giá căn hộ nhiều dự án đã bị đẩy lên cao, tăng liên tục trong khoảng 1 năm trở lại đây.

Thị trường Bất động sản ấm dần lên, cùng với đó là lo ngại nguy cơ bong bóng bất động sản tái diễn. Nhất là khi theo nhiều chuyên gia nhận định, thị trường bất động sản hiện nay đang xuất hiện một số dấu hiệu của cơn "sốt nóng" 2007.

Đi cùng với những tín hiệu phục hồi, các yếu tố tạo nên cơn sốt nóng của thị trường BĐS cách đây gần 10 năm đã bắt đầu manh nha lộ diện khi thị trường chuyển hướng từ căn hộ với nhu cầu ở thực sang đất nền, phân khúc mà yếu tố đầu cơ luôn lớn hơn nhu cầu sử dụng. Điều này cũng gây ra những quan ngại về việc liệu thị trường BĐS có thể lại xảy ra tình trạng “bong bóng” như trước đây, bởi khi nguồn vốn nằm “chết” tại đất nền thì khả năng thu hồi vốn sẽ thấp hơn nhiều so với phân khúc căn hộ. Nguyên nhân chủ yếu là mỗi nền đất thường có giá cao hơn nhiều so với căn hộ chung cư.

Điều này đặt ra câu hỏi về những rủi ro tiềm ẩn mà ngân hàng sẽ gặp phải, đồng thời cũng gây ra tâm lý lo ngại do tác động cảu sự gia tăng đáng kể tín dụng cho BĐS, bởi cơn sốt nóng của thị trường vào năm 2007 cũng bắt đầu từ việc các ngân hàng ồ ạt cho vay để triển khai dự án.

Chính vì vậy, trong hai kỳ họp thường kỳ cảu Chính phủ tổ chức vào tháng 4 và tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã nhắc nhở, lưu ý về nguy cơ “bong bóng” BĐS quay trở lại. Theo đó, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước phải có các giải pháp bảo đảm cho thị trường BĐS phát triển lành mạnh, bền vững, bằng cách chủ động kiểm soát chặt chẽ, không để lặp lại tình trạng “bong bóng” bất động sản xảy ra.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Báo Đầu tư Bất động sản, Thời báo Ngân Hàng)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục