Thu nhập trên 30 triệu/tháng mới dư giả mua nhà!

(Kinhdoanhnet) - TS Huỳnh Thế Du, thuộc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright cho rằng, Dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang thuộc dạng “hàng hiếm”, nhưng giá bán cũng không hề thấp, nếu so với mặt bằng chung thu nhập hiện nay của người dân. Nhiều dự án nhà ở xã hội đều có giá bán từ 11-14 triệu đồng/m2, trong khi vị trí thì nằm ở những nơi “heo hút”.

Thu nhập trên 30 triệu/tháng mới dư giả mua nhà! - Ảnh 1
Nghịch lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân, khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp

Tại tọa đàm “Mô hình nào cho nhà ở xã hội tại đô thị” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn tổ chức ngày 17/12, TS Huỳnh Thế Du chỉ ra nghịch lý giữa giá nhà và thu nhập của người dân, khiến cơ hội có nhà ở của người dân rất thấp. Theo một nghiên cứu của ông và các đồng nghiệp, với giá nhà chính thức là 9,7 triệu đồng/m2 thì những người có thu nhập từ 5 đến 7,7 triệu đồng/tháng gần như không thể nào mua được nhà.

Trong khi đó, những người với thu nhập từ 10,2-14,3 triệu đồng/tháng thì chỉ mua được nhà ở với diện tích rất nhỏ, từ 39-55 m2. Ngoài ra, dự án nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố đang thuộc dạng “hàng hiếm”, nhưng giá bán cũng không hề thấp, nếu so với mặt bằng chung thu nhập hiện nay của người dân. Nhiều dự án nhà ở xã hội đều có giá bán từ 11-14 triệu đồng/m2, trong khi vị trí thì nằm ở những nơi “heo hút”.

“Chỉ có người giàu với thu nhập gần 32 triệu đồng/tháng mới có thể mua một căn nhà ở thoải mái”, ông Du phát biểu.

Ngân hàng Thế giới (WB) cũng vừa công bố Báo cáo "Nhà ở giá hợp lý ở Việt Nam - Con đường phía trước". Theo đó, tiền tiết kiệm hay khả năng chi trả trước để có khả năng mua nhà là rất hạn chế đối với các hộ gia đình thu nhập thấp ở Việt Nam. 

Báo cáo của WB cũng cho thấy từ khả năng chi trả để có thể xác định nhu cầu thực về nhà ở theo các vùng khác nhau. Theo đó, đối với phân khúc thu nhập khoảng gần 30 triệu đồng hàng tháng (nhóm 5) đủ khả năng đối với các giải pháp nhà ở từ 1,8 đến 2 tỷ đồng tại Hà Nội và Tp.HCM. Các hộ gia đình sống ngoài 2 thành phố lớn này thì đủ khả năng mua nhà từ 1 đến 1,2 tỉ đồng.

Với phân khúc thu nhập từ khoảng 10 -14 triệu đồng hàng tháng thì có đủ khả năng với giải pháp nhà ở từ 300-700 triệu đồng tại Hà Nội và Tp.HCM. Với gói tín dụng 30.000 tỉ đồng thì có thể mở rộng khả năng mua lên mức từ 400-800 triệu đồng. Với các hộ gia đình sống ngoài Hà Nội và Tp.HCM ở mức thu nhập này thì khả năng mua nhà ở có giá trị khoảng 300-500 triệu đồng.

Tuy nhiên, WB cũng khuyến cáo giả sử với mức lãi suất như nhau, áp dụng phương pháp trả góp đều hàng tháng đối với lịch trả nợ thế chấp, cho phép có thể mua nhà có giá trị cao hơn 30%.

Thông thường khả năng tiếp cận nguồn vốn nhà ở tại Việt Nam phổ biến ở loại tài chính thế chấp (lãi suất thả nổi hiện nay khoảng 10%, tỷ lệ vay từ 70% đến 80% trong thời hạn 15-20 năm, khách hàng chỉ thuộc diện lao động chính thức), Gói 30.000 tỉ đồng, tiền tiết kiệm và tài chính vi mô.

Hiện có tới 40% dân số không có khả năng mua nhà, chưa có đất và đang phải đối mặt với sự thiếu hụt về khả năng chi trả lớn nhất. Nhóm này bao gồm đa phần là những người nhập cư vào các đô thị lớn và những cặp vợ chồng mới cưới.

Theo báo cáo từ Sở Xây dựng Tp.HCM, trong năm 2015, trên địa bàn thành phố sẽ có thêm 7 dự án nhà ở xã hội với quy mô hơn 6.145 căn cung ứng ra thị trường. Dự kiến, từ sau năm 2015 trở đi, thành phố tiếp tục xây dựng hoàn thiện 13 dự án nhà ở xã hội còn lại trong giai đoạn 2011-2015. Hiện có 12 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã nộp hồ sơ xin làm nhà ở xã hội. Ngoài ra, Tp.HCM đang xem xét cho chuyển 8 dự án nhà ở thương mại sang nhà ở xã hội.

Mai Hoa - (Theo Vneconomy, Trí thức trẻ)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục