Tín dụng BĐS đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng

(Kinhdoanhnet) - Theo Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nhận định, tăng trưởng tín dụng BĐS đang có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau.

Tín dụng BĐS đang có dấu hiệu tăng trưởng nóng - Ảnh 1
Tín dụng BĐS đạt mức tăng cao nhất sau 5 năm

Theo Báo cáo Kinh tế vĩ mô Việt Nam quý 3/2015 của VEPR, thị trường BĐS đang có sự tăng trưởng rất mạnh mẽ trong quý 3 cũng như 9 tháng qua. Thông tư 36/2014/TT-NHNN nới lỏng cho vay BĐS, giảm hệ số rủi ro từ 250% xuống 150%, đã tạo hiệu ứng tích cực. 

Theo thống kê của Savills, số căn hộ chào bán mới cũng như được bán thành công liên tục ở mức cao. Thị trường trong quý 3/2015 hấp thụ khoảng 5.220 và 6.650 căn hộ tại Tp.HCM và Hà Nội, tăng cao tương ứng 59% và 50% so với cùng kỳ 2014. Tuy nhiên, giá BĐS diễn biến khá ổn định, xu hướng tăng nhẹ chưa có dấu hiệu sốt nóng. Chỉ số giá BĐS trong quý 2 tăng 0,3 điểm tại Tp.HCM và 1 điểm tại Hà Nội.

Còn theo đánh giá của CBRE, lượng giao dịch tại Tp.HCM phần lớn nằm ở phân khúc cao cấp. Tại thị trường Hà Nội, phân khúc trung cấp vẫn giữ vị trí thống trị, trong khi căn hộ cao cấp tăng mạnh.

Ngược lại phân khúc bình dân nhận được ít sự quan tâm. Gói cho vay ưu đãi 30.000 tỷ đồng với đối tượng thu nhập thấp mới giải ngân được 26% tính đến tháng 9/2015. Trong khi đó, tốc độ cho vay bất động sản có dấu hiệu tăng mạnh, đạt 10,89% trong nửa đầu năm 2015.

VEPR nhận định thêm rằng sự hồi phục của thị trường BĐS là tín hiệu tích cực với nền kinh tế, tuy nhiên cần thận trọng với khả năng hình thành bong bóng tài sản do chính sách tiền tệ nới lỏng quá mức.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu nóng, vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa có thể dẫn tới nguy cơ bùng nổ lạm phát và bong bóng tài sản trong giai đoạn sau. Do vậy, VEPR đề xuất chính sách tiền tệ cần thận trọng hơn, kiểm soát chặt chẽ cung tiền phù hợp với tốc độ tăng trưởng GDP danh nghĩa.

Thứ hai, cần thận trọng với sự tăng trưởng của thị trường BĐS và ngăn ngừa sự hình thành bong bóng BĐS có tính chu kỳ. Tín dụng cho BĐS đang có xu hướng tăng cao, các giao dịch đang tập trung chủ yếu ở phân khúc cao cấp và mặt bằng giá có xu hướng tăng gây lo ngại về sự phát triển bền vững của thị trường. VEPR cho rằng khi thị trường đã phục hồi, cần điều chỉnh lại chủ trương khuyến khích cho vay BĐS.

Ngoài ra, một vấn đề quan trọng khác mà theo VEPR, thị trường tài chính đã ổn định cần để lãi suất xác định theo tương quan thị trường. Việc duy trì trần lãi suất tiết kiệm dưới 6 tháng (5,5%/năm) dẫn đến khó khăn trong việc thu hút tiền gửi của các NHTM, đồng thời làm gia tăng tiêu dùng và đẩy dòng vốn tiết kiệm vào các thị trường tài sản có mức sinh lời kỳ vọng cao hơn. Điều này có thể là nguyên nhân gây mất cân bằng trên thị trường vốn.

Theo đó, tín dụng BĐS đang có sự phục hồi mạnh mẽ, theo dự báo, mức tín dụng có thể tăng 17% trong năm 2015. Cụ thể, tính đến ngày 20/9, tín dụng toàn hệ thống tăng khoảng 10,8% (cùng kỳ năm 2014 chỉ tăng 6,6%). Đây cũng là mức tăng cao nhất từ năm 2011.Điểm đáng chú ý nhất của tín dụng từ đầu năm đến nay là tín dụng bất động sản đang có mức tăng trưởng cao hơn con số trung bình của toàn hệ thống. Theo Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, tính đến đầu tháng 9/2015, tín dụng bất động sản tăng 13%.

Như vậy, tín dụng bất động sản đã có sự phục hồi mạnh nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Theo ông Nguyễn Tiến Đông, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, tín dụng bất động sản phục hồi là điểm đáng mừng cho cả nền kinh tế lẫn các ngân hàng.

“Tín dụng rất cần thiết để phục hồi thị trường bất động sản nhằm tháo gỡ khó khăn cho nhiều ngành kinh tế. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản phục hồi cũng sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, chúng tôi đang rà soát lại liều lượng, tránh tái diễn bong bóng bất động sản như trước đây”, ông Đông cho biết.

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Trí thức trẻ, Báo Đầu tư)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục