Tín dụng BĐS tăng mạnh và lo ngại nguy cơ "bong bóng" tái diễn?

(Kinhdoanhnet) - Từ đầu năm 2015 lượng kiều hối và tín dụng đổ vào lĩnh vực bất động sản (BĐS) đang có chiều hướng tăng mạnh. Điều này đang đem lại nhiều lo ngại rằng lĩnh vực này đang quay lại thời kỳ “bong bóng”.

Tín dụng BĐS tăng mạnh và lo ngại nguy cơ "bong bóng" tái diễn? - Ảnh 1
Tín dụng BĐS tăng mạnh và lo ngại nguy cơ "bong bóng" tái diễn?

Tính đến tháng 5/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89% chiếm tỷ trọng 8,3% tổng dư nợ toàn hệ thống. Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tín dụng bất động sản tăng mạnh nhưng không đáng lo ngại do phần lớn nguồn tiền không đổ vào đầu tư kinh doanh bất động sản.

Tín dụng bất động sản đã tăng trở lại khá mạnh thời gian gần đây. Cụ thể, nếu so với đầu năm 2012, tín dụng bất động sản đã tăng tới 70%. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, dư nợ tín dụng trong lĩnh vực bất động sản tính đến 31/03/2015 đạt 333.701 tỷ đồng, tăng 10,5% so với thời điểm 31/12/2014. Còn theo thông tin của Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng, tính đến tháng5/2015, tín dụng bất động sản tăng 10,89% chiếm tỷ trọng 8,3% toàn hệ thống, cao hơn so với mức 7,96% của cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Tp.HCM cho biết, lượng kiều hối đổ về Tp.HCM trong 5 tháng đầu năm nay đã đạt 1,7 tỷ USD, so với cùng kỳ năm ngoái tăng 18%. Đáng chú ý là kiều hối đổ vào lĩnh vực BĐS chiếm 21,8% tổng lượng kiều hối về TP, so với cùng kỳ năm trước đã tăng 0,9%.

Những con số nói trên phần nào đã thể hiện được niềm tin đối với thị trường BĐS đã trở lại khi các ngân hàng nới lỏng cho vay đối với lĩnh vực này, cũng như lượng tiền trong dân đổ vào BĐS đã nhiều hơn. Theo phân tích của giới chuyên gia, nhìn chung, thị trường BĐS Việt Nam vẫn được xem là một ngành mới mẻ và là một thị trường non trẻ so với các thị trường trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, đây lại là ngành có đóng góp rất lớn vào sự phát triển kinh tế đất nước và có liên quan chặt chẽ đến hầu hết các ngành nghề khác.

Một báo cáo mới đây từ Bộ Xây dựng cũng chỉ ra rằng, thị trường BĐS sau một thời gian dài phát triển nóng, đến giai đoạn 2011 - 2012 đã rơi vào tình trạng trầm lắng. Khi đó, giá BĐS, nhà ở đã sụt giảm ở tất cả các phân khúc của thị trường, lượng giao dịch thành công cũng giảm mạnh, nhiều dự án thậm chí không có giao dịch. Lượng hàng tồn kho trong giai đoạn này có giá trị tương đương 128.548 tỷ đồng, đồng thời, tình trạng đầu tư các dự án BĐS tràn lan, theo phong trào còn khá phổ biến. Cơ cấu hàng hóa BĐS bị mất cân đối, cung cầu bị lệch pha, dư thừa sản phẩm cao cấp trong khi thiếu sản phẩm bình dân.

Vì vậy, không phải ngẫu nhiên mà nhiều thành viên của Chính phủ và cả giới doanh nghiệp nhà đất đã bày tỏ sự lo ngại về việc “bong bóng” BĐS có thể quay trở lại khi các dòng tiền đang chảy vào lĩnh vực này tăng rất mạnh. Phó Giám đốc Công ty TNHH Địa ốc Đất Lành Nguyễn Văn Đực cho rằng, những đợt khủng hoảng của thị trường BĐS từ nhiều năm trước cũng xuất phát từ việc dòng tiền đầu tư vào lĩnh vực này tăng trưởng nóng. Do vậy, khi thị trường BĐS vừa mới hồi phục từ cuối năm 2014, nay lại xuất hiện lại hiện tượng tiền chảy mạnh vào thị trường đã dấy lên những lo lắng về “bong bóng” BĐS quay trở lai.

Ông Nguyễn Văn Đực cho rằng, nếu dòng tiền này không xuất phát từ nhu cầu thực của người dân mà lại từ nhu cầu của giới đầu cơ thì nguy cơ “bong bóng” BĐS xảy ra là khó tránh khỏi.

Trong khi đó, ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty BĐS Lê Thành cho rằng, hiện thị trường BĐS đang xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu khá nghiêm trọng. Ông Nghĩa cho rằng, mặc dù lượng khách hàng hiện đã tăng 50% so với thời điểm khủng hoảng nhưng lượng hàng hóa sắp đưa ra thị trường lại gấp 500% so với nguồn cầu. Do vậy, lượng tiền hoàn toàn có thể nằm “chết” tại các dự án này nếu như thị trường không đủ sức tiêu thụ lượng hàng hóa khổng lồ nói trên.

Tuy nhiên, theo Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước cho rằng, tín dụng bất động sản tăng chưa đến mức đáng lo ngại bởi tỷ trọng còn nhỏ. Hơn nữa, thời gian qua, tín dụng bất động sản chủ yếu đổ vào việc xây dựng hoàn thiện các khu xây dựng nhà ở bán và cho thuê, đáp ứng nhu cầu nhà ở của người dân chứ không phải đầu tư vào kinh doanh bất động sản. Việc tín dụng bất động sản tăng đã góp phần giải phóng hàng tồn kho trongl ĩnh vực xây dựng, sắt thép, xi măng…

Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng bất động sản tăng không có sự đột biến song Ngân hàng Nhà nước không chủ quan với diễn biến này. "Ngân hàng Nhà nước định hướng rõ điều hành tín dụng theo phương châm mở rộng đi đôi với an toàn hiệu quả, theo dõi thường xuyên đối với các tổ chức tín dụng. Ngân hàng Nhà nước đặc biệt quan tâm và chỉ đạo rõ các TCTD hướng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên (5 lĩnh vực)",

Mai Hoa - (Tổng hợp theo Chính phủ, Báo Đầu tư)

KinhDoanhNet

Cùng Chuyên Mục